Theo dự báo của các ngành chức năng, năm nay lượng mưa đến muộn, lượng nước ích hơn so với mọi năm, mặn xâm nhập sớm sẽ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2015 - 2016. Để tránh thiệt hại, các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đã triển khai các biện pháp chuẩn bị đối phó với hạn, mặn, giúp bà con nông dân an tâm sản xuất vụ lúa Đông Xuân và đảm bảo cung cấp đủ nước cho sinh hoạt vào mùa khô 2016 này. | |
Khai thông dòng chảy, nạo véc các tuyến kênh nội đồng được các huyện phía Đông chủ động triển khai thực hiên, đảm bào nước tưới cho vụ Đông Xuân 2015 - 2016 |
Ngay từ những này, để chuẩn bị cho vụ lúa Đông Xuân 2015 - 2016 đảm bảo xuống giống đúng lịch thời vụ, các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang đã đến một số khu vực tại các huyện phía Đông để kiểm tra tình hình phát triển của vụ lúa Thu Đông để có giải pháp tốt nhất cho sản xuất vụ Đông Xuân sắp tới.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát nông thôn tỉnh Tiền Giang vụ lúa Đông Xuân 2015 - 2016 các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang sẽ xuống giống hơn 32.000 ha, dự kiến thời gian xuống giống từ 1 - 12 đến 15 - 12 - 2015. Tuy nhiên, ảnh hưởng của vụ lúa Thu Đông xuống giống chậm do mưa muộn dẫn đến vụ Đông Xuân có khoảng 9.000ha xuống giống không đúng lịch thời vụ. Diện tích này đang đứng trước nguy cơ bị mất mùa do tới mùa khô hạn, mặn xâm nhập nếu không được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác kịp thời. Huyện Gò Công Tây và TX. Gò Công là 2 địa phương có hơn 6.000ha diện tích lúa có nguy cơ xuống giống vụ Đông xuân không đúng lịch thời vụ. Chính vì thế, huyện Gò Công Tây và Thị Xã Gò Công đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp để kịp thời ứng phó với hạn, mặn xâm nhập sớm như năm nay.
Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra vụ Thu Đông 2015
để có sự chuẩn bị cho vụ Đông Xuân 2015 - 2016
Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây cho biết: “Với diện tích gần 5.000ha có khả năng xuống giống trễ lịch vụ Đông Xuân 2015 - 2016, chúng tôi sẽ vận động bà con không xuống giống mà chuyển sang cây trồng khác. Tuy nhiên, cái khó trước mắt, nếu chuyển sang cây màu, diện tích màu quá lớn sẽ không có đầu ra, gây khó khăn cho người nông dân. Chính vì thế, rất cần một chính sách cụ thể, có nơi tiêu thụ cây màu vụ Đông và cùng tìm nơi thu mua ổn định để bà con an tâm đầu tư vào vụ này thay cho cây lúa bị trễ vụ”.
Ông Trần Minh Hoàng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TX. Gò Công cho biết: "Hiện tại, thị xã đang cố gắng tập trung các biện pháp đối phó với hạn, mặn xâm nhập sớm. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện tuyên truyền cho người dân biết tác hại của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết thay đổi thất thường, nước mặn xâm nhập sâu ảnh hưởng đến thời vụ. Khuyến khích nông dân chọn các giống lúa ngắn ngày để gieo sạ cho vụ này. Đồng thời, chúng tôi cho nạo vét các tuyến kênh lớn, nhỏ, để dẫn nước và xây dựng kế hoạch, chọn vị trí bơm chuyền 2 cấp cho các xã có khả năng thiếu nước vụ Đông xuân 2015 - 2016".
Nhận định trước tình hình khó khăn của vụ Đông Xuân 2015 - 2016, các huyện phía Đông chú động đến công tác thủy lợi nội đồng, đang từng bước triển khai thực hiện, tập trung nạo véc các tuyến kênh, trục vớt lục bình, khai thông dòng chảy để trữ nước và bơm chuyền nước khi độ mặn trên các sông không cho phép sản xuất. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết: “Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo hạn, mặn năm nay diễn ra gây gắt hơn so với mọi năm, mặn 2gam có thể xâm nhập sâu, sớm, cách của sông khoảng 55km sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất lúa Đông Xuân 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nhất là khu vực Gò Công. Ngay từ bây giờ, chúng ta nên triển khai các biện pháp tổng hợp từ công trình đến phi công công trình để bảo vệ vụ Đông Xuân này. Các địa phương triển khai và tập trung nạo véc, khai thông dòng chảy để ứng phó kịp thời mọi tình huống xấu nhất do thời tiết gây ra”.
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng người dân xuống giống vụ Đông Xuân 2015 - 2016 theo tập quán hay theo kinh nghiệm sản xuất truyền thống, các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau và có chính sách hỗ trợ chuyển đổi vụ Đông Xuân bằng những loại cây trồng hợp lý, nhằm tránh gây thiệt hại cho bà con nông dân. Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám Sở NN & PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Đối với kinh phí hỗ trợ về thủy lợi, hỗ trợ đất lúa, các cơ quan có liên quan có thông báo chuẩn bị cấp phát về cho địa phương ngay từ đầu năm 2016 để các địa phương có sự chủ động. Chính sách hỗ trợ trong chuyển đổi cây trồng, nhằm hạn chế việc xuống giống trễ lịch thời vụ, có sự hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ vốn để bà con an tâm chuyển đổi diện tích trễ vụ, đối phó với hạn mặn sắp tới. Các địa phương cũng phải tăng cường tuyên truyền cho bà con nhân dân biết, những diện tích trễ vụ này nên trồng cây gì, con gì để có hiệu quả, tránh gây thiệt hại cho bà con nhân dân do thiếu hiểu biết”.
Hi vọng rằng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, các chính sách được hỗ trợ kịp thời thì hạn, mặn năm nay sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất vụ Đông Xuân 2015 - 2016. Bà con nông dân sẽ gặt hái được nhiều thắng lợi, sẽ có được những vụ mùa bội thu trên từng tấc đất, thửa ruộng của gia đình mình, góp phần nâng cao thu nhập, tạo điều kiện thuận lợi để bà con nông dân gắn bó lâu dài với cây lúa, duy trì được diện tích và sản lượng lúa hàng năm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.