Ngày 7/11/2015, tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức tọa đàm chuyên đề “Phát triển du lịch cộng đồng và quản lý di sản làng cổ”. Mục tiêu nhằm đánh giá thực trạng và định hướng phát triển du lịch cộng đồng thông qua bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động khai thác du lịch cộng đồng đặc biệt là du lịch Làng cổ cùng những vấn đề liên quan. | |
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang phát biểu đề dẫn |
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, tỉnh có tài nguyên du lịch phong phú với phong cảnh sông nước hữu tình, nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa trong đó Làng cổ Đông Hòa Hiệp là một điểm đến hấp dẫn du khách….Trung bình mỗi năm, địa phương đón khoảng 1,5 triệu lượt du khách trong ngoài nước trong đó có 1/3 là khách quốc tế. Kết quả trên rất đáng khích lệ nhưng bên cạnh đó còn tồn tải nhiều vấn đề bức xúc cần tháo gỡ. Đó là cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu và yếu, các thành phần kinh tế chưa tích cực tham gia khai thác tiềm năng du lịch, thiếu những sản phẩm du lịch đặc trưng…Những tồn tại trên được các đại biểu tham dự tọa đàm chia sẻ, tích cực đóng góp nhiều ý kiến hay để góp phần giải quyết.
Đại biểu tham dự tọa đàm phát triển du lịch cộng đồng và quản lý di sản làng cố
Theo tư liệu lịch sử, làng Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang) được hình thành từ thế kỷ XVIII. Tại đây hiện còn 7 ngôi nhà cổ có tuổi từ 150 đến 220 năm, 29 ngôi nhà được xây cất cách đây 80 – 100 năm. Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã được Tổng cục Du lịch và Tổ chức JICA (Nhật Bản) chọn đầu tư bảo tồn, trùng tu một số ngôi nhà cổ và phát triển loại hình du lịch nông thôn.
Chuyên gia Akiyoshi Ejima đến từ Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đánh giá Làng cổ Đông Hòa Hiệp là môt trong những làng cổ tiêu biểu ở Nam bộ, Ông cũng nêu ý kiến việc đầu tư phát triển du lịch công đồng là một trong những nhân tố tích cực giúp nâng cao ý thức người dân trong việc bảo tồn, trung tu, bảo vệ di tích nhà cổ, làng cổ. Trong vấn đề trùng tu, theo ông cũng cần đặc biệt chú ý yếu tố giữ nguyên trạng, không phá vỡ cảnh quan và không gian di tích. Muốn vậy, tại Làng cổ cần có đội ngũ thợ lành nghề đảm bảo việc trùng tu, bảo vệ di tích đạt chất lượng tốt.
Ông Nguyễn Văn Đức, chủ ngôi nhà cổ và là điểm du lịch sinh thái Ba Đức tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp nêu trăn trở của người nông dân đang là chủ sở hữu những ngôi nhà cổ là nhà nước cần tạo điều kiện cho người dân tham gia làm du lịch cộng đồng hiệu quả, tập huấn, đào tạo kỷ năng phục vụ du khách. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giũa chủ nhân các ngôi nhà cổ với những đơn vị du lịch lữ hành…Ông Dương Văn Gia, Giám đốc Trung tâm dịch vụ du lịch Cái Bè đồng quan điểm trên và cho biết cần phải xác định rằng phát triển du lịch cộng đồng chính là một trong những nhân tố tích cực thúc đẩy người dân nâng cao ý thức bảo vệ, trùng tu, giữ gìn những ngôi nhà cổ quí hiếm mà cha ông truyền lại qua bao nhiêu đời nay. Ông Gia cũng mong mỏi sắp tới sẽ nhận được sự ủng hộ, gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân làm du lịch trong phạm vi Làng cổ Đông Hòa Hiệp nói riêng và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng để đạt hiệu quả mong muốn.
Với ý muốn góp thêm kinh nghiệm trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với quản lý di tích Làng cổ, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, để đạt hiệu quả phát triển du lịch bền vững cũng như quản lý tốt di tích Làng cổ, địa phương cần quan tâm đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên mang tính chuyên nghiệp, am hiểu; có lực lượng trùng tu, bào vệ di tích có trình độ và năng lực chuyên môn cao; chú ý xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để hấp dẫn du khách đồng thời cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và nhân dân để cùng tháo gỡ khó khăn, đưa ngành du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Bè cho biết, từ các ý kiến của đại biểu đóng góp trong buổi tọa đàm, địa phương đúc kết lại, kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót, phát huy những mặt ưu điểm để đưa ngành du lịch địa phương đặc biệt là du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp hết sức đặc trưng và tiêu biểu ở Tiền Giang đi lên vững chắc trong những năm sắp tới.