Vừa qua, được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật (Liên hiệp hội) tổ chức cuộc họp triển khai Quyết định thành lập Ban tổ chức, Thể lệ, Kế hoạch và một số vấn đề có liên quan đến Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ IX năm 2015 – 2016. | |
Ông Trần Hoàng Diệu – Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật – trưởng ban tổ chức Cuộc thi phát biểu tại buổi họp |
Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ IX năm 2015 - 2016 (Cuộc thi) nhằm khơi dậy tiềm năng và phát triển tư duy sáng tạo của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang, khuyến khích các em thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ các em trở thành nhà sáng chế tương lai, đồng thời lựa chọn những mô hình, sản phẩm xuất sắc tham dự Cuộc thi toàn quốc lần thứ XII (2015 - 2016).
Cuộc thi do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật làm cơ quan chủ trì, phối hợp các Sở Giáo dục và Đào tạo; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Tiền Giang; Sở Khoa học và Công nghệ; Đài Phát thanh & Truyền hình; Báo Ấp Bắc.
Ông Nguyễn Văn Re – Phó giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ
- Phó Ban tổ chức Cuộc thi phát biểu
Đối tượng tham dự Cuộc thi lần này là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng từ 6 - 19 tuổi (trong độ tuổi có ngày sinh từ 31/7/1997 đến 31/7/2010) đang học tập, lao động ở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đồi thời khuyến khích các em nhỏ tuổi, các em ở vùng sâu, vùng xa tham gia.
Cuộc thi bao gồm 5 lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; Phần mềm tin học; Sản phẩm thân thiện với môi trường; Các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh – Phó chủ tịch Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật
– Phó trưởng ban tổ chức Cuộc thi phát biểu tại buổi họp
Yêu cầu của các mô hình, sản phẩm dự thi phải có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng. Mô hình, sản phẩm dự thi phải thực hiện theo đúng ý tưởng của người dự thi và được làm từ các vật liệu, nguyên liệu sẵn có trong nước, khuyến khích sử dụng các phế liệu trong sinh hoạt gia đình, học tập, trường lớp, sản xuất để làm ra vật dụng, các mô hình hữu ích, dụng cụ đa năng, các thiết bị máy móc, robot, thiết bị tự động hoá, mô hình thông minh, sản phẩm tin học, phần mềm điều khiển.
Về kinh phí tổ chức Cuộc thi cấp cơ sở, bà Trần Thị Quý Mão - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung nội dung về văn bản hướng dẫn của sở đến các phòng giáo dục – đào tạo, các trường THPT vận dụng kinh phí giao thưc hiện tự chủ của đơn vị và quy chế chi tiêu nội bộ để dễ dàng thực hiện trong việc khen thưởng, chấm thi cấp cơ sở về kế hoạch Cuộc thi.
Đối với các sản phẩm của các em học sinh năm nhất bậc đại học, Ban tổ chức Cuộc thi phối hợp với trường Đại học Tiền Giang đề nghị kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp khoa học để hỗ trợ cho các em có những sản phẩm hoàn chỉnh (không phải là các mô hình) tham dự Cuộc thi toàn quốc. Đồng thời để có nguồn kinh phí hỗ trợ, phục vụ cho Cuộc thi, ban tổ chức nên đề nghị Ủy ban tỉnh giao kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp khoa học để đơn vị chủ trì chủ động hơn từ nguồn kinh phí ngân phí ngân sách cấp.
Để Cuộc thi ngày càng có kết quả cao và đạt được nhiều giải thưởng từ Cuộc thi toàn quốc, Ban tổ chức cho rằng nhất thiết cần phải có sự quan tâm đặc biệt hơn nữa của các thầy - cô giáo, các bậc phụ huynh hỗ trợ để các em có những mô hình, sản phẩm có chất lượng, ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.