Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tăng cường kiểm soát thuốc thú y trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
(Ngày đăng: 05/11/2015)

Theo Cục Thú y, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, Cục Thú y đã cử Đoàn thanh tra, kiểm tra thực tế một số tỉnh trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, Tp Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Sóc Trăng và Cà Mau. Qua kiểm tra thực tế đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập trong sản xuất, kinh doanh thuốc thú y dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Thanh tra, kiểm tra thực tế

 

       Cụ thể, qua kiểm tra phát hiện có nhiều sản phẩm thuốc thú y, hóa chất và chế phẩm sinh học đang được dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt sản phẩm thức ăn bổ sung có nhãn mác không đúng với đăng ký, có thành phần khác với đăng ký, ghi thêm nhiều công dụng điều trị bệnh để thu hút người mua, tăng giá bán sản phẩm; có nhiều thức ăn bổ sung ghi nhãn như siêu nạc, siêu tăng trọng, bùn đùi, nở vai, nở ức…


       Nhiều cửa hàng thuốc thú y mua các thùng nguyên liệu kháng sinh để bán trực tiếp cho người nuôi trồng thủy sản với mục đích phòng, trị bệnh cho thủy sản, trong đó có một số loại thuốc không được phép sử dụng để phòng trị bệnh thủy sản như Enrofloxacin…; San chiết thuốc tiêm hoặc dùng bơm tiêm để hút thuốc tiêm trong các lọ để bán dần cho người chăn nuôi;


       Vắc xin tiêm phòng gia súc không được bảo quản ở nhiệt độ 2-80C theo hướng dẫn của nhà sản xuất, để trong tủ sắt hoặc trên sàn nhà; Hầu hết cửa hàng thuốc không có sổ sách theo dõi, ghi chép việc nhập và bán thuốc thú y; Nhiều thuốc thú y nhập ngoại nhưng không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định; Nhiều cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh để phòng, trị bệnh không đúng với quy định; Mua các loại thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh với liều lượng tùy tiện;


       Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, bao gồm cả kinh doanh, sử dụng thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa được quan tâm đúng mức, kém hiệu quả do chức năng nhiệm vụ quản lý chuyên môn được giao cho nhiều đơn vị phụ trách.


       Để sớm khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên cũng như hạn chế tối đa tình trạng sản phẩm động vật của nước ta có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép của nước xuất khẩu, đồng thời xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, Cục Thú y đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản lập kế hoạch, dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện công tác kiểm tra, lấy mẫu, phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học.


       Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; lấy mẫu thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học để kiểm tra chất lượng; thu hồi, tiêu hủy thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học để kiểm tra chất lượng; thu hồi tiêu hủy thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học (kém chất lượng, cấ, sử dụng, nhập lậu, không có trong danh mục được phép lưu hàng hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sản xuất, kinh doanh; thuốc giả, ghi sai nhãn mác, ghi sai công dụng, gian lận thương mại…) và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.


       Thông báo danh sách các tổ chức, cá nhân và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được biết, tránh mua phải hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng.


       Tăng cường tổ chức tuyên truyền về nguy cơ tác hại của việc buôn bán, sử dụng thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học không đúng quy định; hướng dẫn người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng kháng sinh trước thu hoạch, giết mổ, đặc biệt không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh cho động vật trên cạn và động vật thủy sản nhằm hạn chế tối đa dư lượng trong sản phẩm.

 

Thành Công
Tin liên quan