Qua hơn 4 năm phát động phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), chủ trương này đã được người dân nhiệt liệt hưởng ứng. Dự kiến đến cuối năm 2015, Tiền Giang có ít nhất 10 xã ra mắt xã đạt chuẩn NTM. Có được kết quả này phải kể đến sự chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Trong đó phải kể đến sự tiên phong của những người dân tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, góp phần đưa Tiền Giang hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng NTM. | |
Người dân hiến đất và xây dựng 1 tuyến đường giao thông tại xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho |
Những ngày này về lại các xã tiến hành xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, bộ mặt nông thôn mỗi địa phương như khoác lên mình bộ áo mới. Những ngôi nhà cao tầng, những con đường khang trang được xây dựng bê tông, nhựa hóa đến tận xóm, ấp, ngõ, hẻm... Đó là kết quả của sự chung sức, chung lòng, nhất là sự tiên phong của những người nông dân "chân lắm, tay bùn", khi phát động xây dựng NTM. Họ đã tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình giao thông nông thôn tạo bước đột phá ngay chính trên địa phương mình.
Điểm chung của những người dân cùng hiến đất xây dựng các công trình giao thông nông thôn là không nhớ rõ mình đã hiến bao nhiêu mét vuông đất, cứ đường đi tới đâu là cây trái, hoa màu, vật kiến trúc phải "ngã cuối đầu" và thay vào đó là những con đường bằng phẳng, khang trang mở rộng theo tiêu chuẩn xây dựng NTM. Bởi người dân ý thức được rằng xây dựng NTM là tạo nên một diện mạo mới cho địa phương, đời sống người dân vì thế cũng thay đổi lên. Ông Huỳnh Văn Đức xã Long An, huyện Châu Thành chia sẻ: “Không riêng gì bản thân tôi mà hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khi hay tin địa phương mình tiến hành xây dựng NTM thì ai cũng phấn khởi, vui mừng cùng Đảng, Nhà nước chung tay xây dựng NTM. Vì thế, khi địa phương nói mở rộng hay xây dựng 1 tuyến đường nào là bà con quê mình tự giải phóng mặt bằng để tiện thi công. Nhiều cụ cao niên của xã Long An cũng không khỏi ngỡ ngàng và không tin rằng địa phương mình lại có được những con đường khang trang, rộng lớn đến như vậy”.
Nông dân cùng hiến đất làm đường và xây dựng giao thông nông thôn
Ngoài việc hiến đất, nhiều người dân còn làm công tác tuyên truyền, đứng ra vận động, nêu lên những lợi ích của phong trào xây dựng NTM. Chính sự "dân vận khéo" của những người dân chất phát, thật thà, nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất, đốn bỏ cây trái, hoa màu mà không cần sự đền bù của nhà nước. Bởi họ ý thức được rằng cùng với những con đường "ý đảng lòng dân" là những ngôi nhà cao tầng, những công trình phúc lợi xã hội sẽ được mộc lên, đời sống văn hóa, xã hội của người dân cũng dần thay đổi theo. Từ đó, mỗi nông dân cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình và xác định được, xây dựng NTM là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sở, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Mình là nông dân tối ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lo đủ cái ăn là mừng rồi. Khi được sự vận động, hiến đất xây dựng giao thông nông thôn, lúc đầu có e dè nhưng nghĩ lại mình mất một ít đất nhưng bù lại cả ấp, cả xã được nhờ. Rồi đây vùng quê sẽ trở nên nhộn nhịp hơn khi các công trình phúc lợi xã hội, nhà văn hóa…được mộc lên, nghĩ tới cảnh vui đó là bà con chúng tôi cùng nhau hiến đất, cùng nhau đóng góp những gì mình có thể để xây dựng NTM”.
Còn ông Nguyễn Văn Đơ, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, phấn khởi vui mừng, khi ông cũng như bà con nơi đây không bao giờ nghĩ địa phương mình lại có được những con đường khang trang, mơ ước đến như vậy. Chính vì thế, khi có chủ trương xây dựng giao thông nông thôn, ông và bà con nơi đây nhiệt liệt hưởng ứng. Ông Đơ cho biết: ““Tấc đất, tấc vàng”, bà con mình nghèo khổ nhưng rất đoàn kết trong mọi hoạt động tại địa phương. Một khi hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM là không ai tính toán bao giờ, cứ đường đi tới đâu là dân hiến đất tới đó. Chính sự đoàn kết này đã góp phần đưa xã Tân Điền ra mắt xã đạt chuẩn NTM như vừa qua”.
Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đã có biết bao cuộc khởi nghĩa của nông giành được thắng lợi. Đó là câu chuyện của thời chiến và hôm nay trong thời bình, nông dân là những người cần mẫn, hăng say với công việc để tạo ra những sản phẩm cho đời. Và trong công cuộc xây dựng NTM, một lần nữa người nông dân lại tiên phong, phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng, đức tính cần cù, sáng tạo, tinh thần đoàn kết của mình, cống hiến lợi ích riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung tay xây ưựng cộng đồng - xây dựng nông thôn mới.