Đó là nội dung đề tài cấp cơ sở do Cử nhân Trần Hoàng Diệu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (Liên hiệp Hội) làm chủ nhiệm, được Sở Khoa học và Công nghệ cho phép triển khai theo Quyết định số 47/QĐ-SKHCN, Liên hiệp Hội là cơ quan chủ trì với thời gian thực hiện là 12 tháng (từ tháng 3- 2014 đến tháng 2- 2015). Đề tài được Hội đồng nghiệm thu (Tiểu ban Văn – Xã, Sở Giáo dục và Đào tạo) tổ chức nghiệm thu trong tháng 8-2015. | |
Hội thảo khoa học |
Tác giả và nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu các cơ chế, chính sách liên quan đến việc tổ chức thực hiện 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010 – 2014 (Thời gian thu thập số liệu: từ tháng 5 – 2014 đến tháng 12 – 2014); nghiên cứu, đánh giá các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh khi áp dụng vào điều kiện thực tế tại các xã kết hợp tham khảo kinh nghiệm xây dựng NTM ở một số quốc gia, một số tỉnh; đề xuất một số cơ chế, chính sách khả thi để tổ chức thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2015 - 2020.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài: các xã được chọn xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, bao gồm 11 xã điểm và 19 xã diện.
Đối tượng nghiên cứu: các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh liên quan đến việc triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Đối tượng khảo sát là các xã được chọn (xã điểm, xã diện) xây dựng NTM.
Phương pháp nghiên cứu:
- Thống kê, đánh giá một số cơ chế, chính sách do Bộ, ngành Trung ương, HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan đến 19 tiêu chí NTM;
- Khảo sát, phỏng vấn (trực tiếp) thu thập ý kiến lãnh đạo các xã diện, xã điểm và chuyên gia về những thuận lợi khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí: Sử dụng Phiếu khảo sát soạn sẵn; trong đó, tổng số phiếu phát ra 50, thu về 30 (cấp tỉnh: 8; huyện: 4; xã 18); phỏng vấn trực tiếp và qua điện thoại (liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí): 9 (cấp tỉnh: 1, huyện: 2; xã: 6).
- Phương pháp chuyên gia: Tham khảo ý kiến chuyên gia về kết quả nghiên cứu, một số nội dung đề xuất cơ chế, chính sách;
Bên cạnh đó, tác giả còn phối hợp với cơ quan chủ trì tổ chức 3 cuộc hội thảo khoa học để thu thập, bổ sung một số thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách xây dựng NTM.
Trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng các cơ chế, chính sách, đánh giá kết quả thực hiện 19 tiêu chí tại các xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại 11 xã điểm (trong đó có 4 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2014), 19 xã diện, kết hợp tổ chức hội thảo khoa học, tham khảo ý kiến thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, Ban chỉ đạo huyện, ý kiến của một số chuyên gia, tác giả và nhóm nghiên cứu đã đề xuất:
Thứ nhất: điều chỉnh 1 cơ chế: Nghị quyết số 31 của HĐND tỉnh;
Thứ hai: ban hành mới 2 cơ chế, 1 chính sách, bao gồm: (1) Cơ chế khen thưởng xã, huyện hoàn thành sớm 19 tiêu chí NTM; (2) ban hành quy định về cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2016; (3) ban hành quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;
1. Điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 31/2012/NQ-HĐND, ngày 12/10/2012 của HĐND tỉnh Tiền Giang về cơ chế tài chính đầu tư thực hiện một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2015 – 2020 như sau:
- Điều chỉnh nội dung điểm 2, khoản II, điều 1 (Các nội dung ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần cho từng công trình, dự án) theo hướng quy định cụ thể mức hỗ trợ (tỷ lệ phần trăm) vốn ngân sách nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện, xã), vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn khác (trước đây chưa quy định tỷ lệ hỗ trợ cụ thể).
- Đối với nội dung trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trường hợp không huy động được nguồn vốn khác đối ứng (các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân; các khoản đầu tư, tài trợ hoặc hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước), đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%.
- Về mức hỗ trợ cụ thể: Đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu, dự thảo Nghị quyết đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết.
2. Đề xuất cơ chế khen thưởng xã, huyện hoàn thành trước thời hạn 19 tiêu chí NTM
- Tên văn bản đề xuất: Quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quy định về tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 – 2020.
- Nội dung đề xuất: Các huyện, thị, thành được xét khen thưởng nếu có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong quá trình xây dựng NTM; xã được khen thưởng nếu hoàn thành 19 tiêu chí NTM trước thời hạn, cụ thể:
Đối với cấp xã (giai đoạn 2016-2020):
+ Xã hoàn thành 19 tiêu chí trước 2 năm (theo kế hoạch đăng ký) được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và thưởng một công trình phúc lợi trị giá 1.700.000.000 đồng (một tỷ bảy trăm triệu đồng);
+ Xã hoàn thành 19 chỉ tiêu trước 01 năm (theo kế hoạch đăng ký) được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và thưởng một công trình phúc lợi trị giá 1.500.000.000 đồng (một tỷ năm trăm triệu đồng).
Đối với cấp huyện (giai đoạn 2016-2020):
+ Huyện, thị, thành được công nhận đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và thưởng một công trình phúc lợi trị giá 3.000.000.000 đồng (ba tỷ đồng);
+ Huyện, thị, thành thứ hai của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và thưởng một công trình phúc lợi trị giá 2.500.000.000 đồng (hai tỷ năm trăm triệu đồng);
+ Huyện, thị, thành thứ ba của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và thưởng một công trình phúc lợi trị giá 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng);
Ngoài ra, còn tổ chức xét khen thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có cách làm hay, sáng tạo, đóng góp công sức, tiền của để giúp xã thực hiện đạt tiêu chí nhằm nhân rộng điển hình tiên tiến (Mức thưởng thực hiện theo quy định của Luật Thi đua – Khen thưởng).
Kinh phí khen thưởng được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 và theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
3. Đề xuất ban hành quy định về cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2016
- Tên văn bản đề xuất: Quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quy định về cơ chế hỗ trợ ximăng làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2016.
- Nội dung đề xuất:
+ Đối với đường trục xã, liên xã: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%; ngân sách huyện, xã 30%;
+ Đối với đường trục ấp, liên xóm, nội đồng: Ngân sách tỉnh 40%; ngân sách huyện, xã 60%;
+ Riêng đối với đường vào các khu sản xuất tập trung theo tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%;
+ Nguồn kinh phí hỗ trợ: Ngân sách tỉnh, vốn tín dụng ưu đãi, ngân sách Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu; ngân sách cấp huyện, cấp xã; nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp (nếu có);
4. Đề xuất ban hành Quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- Tên văn bản đề xuất: Quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
- Nội dung đề xuất:
+ Đối tượng áp dụng: Cá nhân, hộ gia đình,chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn; các tổ chức tín dụng cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (gọi chung là tổ chức tín dụng).
+ Các lĩnh vực cho vay: Cho vay các chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ; cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn; cho vay sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp; cho vay phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn; cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới...
+ Nguồn vốn cho vay: Nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bao gồm: Nguồn vốn tự có và huy động của các tổ chức tín; vốn vay, vốn nhận tài trợ, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vốn ủy thác của Chính phủ để cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
+ Mức cho vay và phương thức cho vay: Căn cứ vào phương án, dự án sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận áp dụng phương thức và quy trình thủ tục cho vay phù hợp; tổ chức tín dụng có thể ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện toàn bộ hoặc một số khâu của nghiệp vụ tín dụng khi cho vay đối với khách hàng.
+ Cơ chế bảo đảm tiền vay: Tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật; cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm (với mức vay tối đa từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng).
+ Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do khách hàng và tổ chức tín dụng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ; trường hợp các chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ thì mức lãi suất và phương thức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ; những khoản cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ nguồn vốn của Chính phủ hoặc các tổ chức, cá nhân ủy thác thì mức lãi suất được thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc theo thỏa thuận với bên ủy thác.
Đồng thời, tác giả và nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh... một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp huyện, cấp xã trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM: sớm hoàn thành các tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM.
Nội dung đề xuất trên của tác giả khi được lãnh đạo cấp tỉnh (HĐND, UBND tỉnh, sở, ngành tỉnh) quan tâm nghiên cứu, ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cấp xã trong việc thực hiện các tiêu chí để được công nhận xã đạt chuẩn NTM theo lộ trình kế hoạch đề ra.