Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tổng kết mô hình luân canh cây bắp trên nền đất lúa
(Ngày đăng: 18/09/2015)

Để giúp người dân thấy được hiệu quả kinh tế của việc luân canh cây màu trên nền đất lúa, đầu năm 2015 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chấp nhận chủ trương giao cho Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh thực hiện “Mô hình luân canh cây bắp trên nền đất lúa” tại xã Bình Nhì - huyện Gò Công Tây với sự tham gia của 60 hộ nông dân trên diện tích 10 hecta.
“Mô hình luân canh cây bắp trên nền đất lúa” tại xã Bình Nhì - huyện Gò Công Tây

 

       Ngày 03/9/2015 tại ấp Bình Hòa Long - xã Bình Nhì; Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình luân canh cây bắp trên nền đất lúa (giống bắp tím dẻo 926) với sự tham dự của Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các phòng chuyên môn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Bình Nhì và gần 50 hộ dân tham gia mô hình…


       Để đảm bảo thời vụ sản xuất phù hợp với thực tế tại địa phương, Chi cục Bảo vệ Thực vật đã triển khai thực hiện mô hình tại ấp Bình Đông Trung - xã Bình Nhì vào đầu vụ hè thu năm 2015. Các hộ dân khi tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí giống bắp, 30% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất; được tập huấn về kỹ thuật canh tác (làm đất, gieo hạt, bón phân, chăm sóc, quản lý sâu bệnh, tuyển chọn trái xuất, ghi chép sổ sách, tham dự hội thảo đầu bờ); đặc biệt các hộ dân được Công ty TNHH East-West Seed (Công ty Hai mủi tên đỏ) ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 100 đến 200 đồng/trái nên nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.


        Qua 02 tháng triển khai, theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật cho thấy tổng thu nhập của nông dân trồng bắp là 43,6 triệu đồng/ha, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất nông dân thu được lợi nhuận 22,622 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa là 8,392 triệu đồng/ha.


       Ông Nguyễn Hoàng Long, ấp Bình Đông Trung cho biết “gia đình tôi có 01ha đất sản xuất lúa; qua vận động của chính quyền địa phương, vụ vừa rồi tôi đã trích ra 3.000m2 để tham gia mô hình, sau khi thu hoạch trừ đi chi phí thu lãi được 3,6 triệu đồng (1,2 triệu đồng/1.000m2); so với phần diện tích trồng lúa còn lại tôi chỉ thu lãi được 0,9 triệu đồng/1.000 m2”.


       Ông Lê Văn Cu, ấp Bình Hòa Long tham gia mô hình với diện tích 2.000m2 cho biết “trước khi tham gia mô hình gia đình tôi cũng đã trồng bắp, mặc dù đã chủ động đi học tập kỹ thuật trồng nhiều nơi nhưng việc theo dõi, chăm sóc gặp rất nhiều khó khăn và hiệu quả không cao. Tuy nhiên khi tham gia mô hình do Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai tôi được tham dự tập huấn về kỹ thuật canh tác, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thường xuyên nên hiệu quả mang lại là rất cao; tôi đề nghị trong thời gian tới chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn để nhân rộng mô hình để người nông dân tại địa phương có điều kiện và an tâm đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”.


       Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng “việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa hiện nay là phù hợp trong điều kiện tỉnh đang triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu của ngành nông nghiệp nhằm góp phần tăng thu nhập của người nông dân trên cùng một diện tích đất canh tác. Với kết quả thành công của mô hình cho thấy địa phương có thể tổ chức nhân rộng mô hình với quy mô lớn hơn. Trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây, Ủy ban nhân dân xã Bình Nhì và Công ty Hai mủi tên đỏ để xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình này nhằm tiến tới hình thành vùng sản xuất cây bắp gắn với tiêu thụ theo quy mô cánh đồng lớn để người dân địa phương án tâm đầu tư phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập, góp phần cùng với chính quyền địa phương giữ vững và nâng chất lượng tiêu chí thu nhập của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã”.

 

Nguyễn Thanh Lâm
Tin liên quan