Chiều ngày 17-6-2015, 3 em Đinh Ngọc Cẩm A, 10 tuổi, Nguyễn Thị Cẩm L, 7 tuổi, Nguyễn Bảo K, 38 tháng tuổi, nhà ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang vào bệnh viện vì đau rát cổ họng, nôn ói, ói ra máu. | |
Cây kim phát tài |
Cháu A và L có ói ra máu, còn cháu K thì sưng phù môi rất to. Bà cố của các cháu cho biết các cháu vừa ăn cây kim phát tài xong thì xuất hiện các triệu chứng trên, rồi bà cũng đem theo một nhánh cây này cho bác sĩ xem. Bác sĩ khẩn trương khám cho các cháu và cho truyền dịch, thuốc băng dạ dày. Bác sĩ nói các cháu bị ngộ độc chất độc của cây kim phát tài, nhưng mức độ nguy hiểm không cao, có lẽ các cháu ăn ít.
Cây kim phát tài hay còn gọi là cây kim tiền, có tên tiếng Anh là Aroid Palm, Arum Fern, khoa học gọi là Zamioculcas zamiifolia. Cây kim tiền là một chi thực vật có hoa trong gia đình Araceae, trong đó kim phát tài là loài duy nhất. Loài này được tìm thấy trong tự nhiên, nơi có khí hậu nhiệt đới như Đông Phi và cận nhiệt đới như phía đông nam châu Phi, ở Kenya, Malawi, Mozambique, KwaZulu-Natal (Nam Phi), Tanzania (bao gồm cả Pembie và Zanzibar) và Zimbabwe. Đây là loài mọc thành từng bụi, trong tự nhiên cây có thể đạt đến độ cao từ 30-100 cm. Hình dáng kim phát tài được tạo thành từ một tập hợp các nhánh lá. Đây chính là cuốn lá chung, với chiều dài từ 20-40 cm có màu xanh với những đốm màu tối hơn, mọng nước, mập mạp, có hình trụ rất dày ở phần gần rễ và thon nhỏ khi lên đến ngọn và từ từ uốn cong. Những chiếc lá mọc thành từng cặp xung quanh cuốn lá, mỗi cuốn lá lại có từ 5-8 cặp lá dày, chiều dài từ 5-15 cm, chiều rộng từ 1,5-5 cm, hình elip. Lá kim phát tài có màu xanh đậm sáng bóng, mịn màng và cũng mọng nước. Cây này được du nhập vào Việt Nam để làm cây cảnh trồng trong nhà.
Về độc tố, trong cuống và lá của cây kim phát tài có chứa nhiều tinh thể canxi oxalate, nó có thể gây kích thích các phần da nhạy cảm, niêm mạc môi, lưỡi, màng nhầy trong họng hoặc kết mạc mắt của con người khi người ta ăn nhầm hoặc dính phải dịch của nó tiết ra. Một lượng nhỏ oxalat canxi đủ để gây ra ngứa và nóng rát mạnh trong miệng và họng, sưng và ngạt thở. Khi liều lượng lớn hơn, oxalat canxi gây ra trạng thái nôn nao khó chịu mạnh đối với hệ tiêu hóa, khó thở và nếu quá nhiều gây co giật, hôn mê và tử vong. Các tổn thương phù nề chủ yếu là do tác động trực tiếp từ các tinh thể canxi oxalate, ngoài ra ở mức độ thấp hơn là do các chất độc có trong cây kim phát tài như các bradykinin, enzym. Khi bị tổn thương niêm mạc kết hợp với ói nhiều làm rách niêm mạc nên gây chảy máu ở bề mặt của niêm mạc miệng, dạ dày…
Để tránh ngộ độc bà con phải tìm hiểu cây cảnh trước khi trồng tại sân nhà và trong nhà. Không cho trẻ em bứt lá, quả cây cảnh để ăn. Khi thấy trẻ bị ngộ độc phải đưa trẻ cấp cứu ngay.