Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Để Tiềm năng cây ăn trái đặc sản ở Tiền Giang phát triển theo hướng kinh tế bền vững
(Ngày đăng: 02/07/2015)

Tiền Giang hiện có tổng diện tích cây ăn trái trên 67.000 ha, chiếm khoảng 35% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Là địa phương có diện tích cây ăn trái các loại lớn nhất cả nước, tỉnh được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” với sản lượng mỗi năm trên 1 triệu tấn quả các loại.
Sầu riêng Ri6 ở Cai Lậy

 

       Để phát huy tiềm năng kinh tế lớn lao này, giúp đổi mới diện mạo nông nghiệp – nông thôn, mang lại hiệu quả bền vững cho nông hộ, Tiền Giang đặt trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế vườn là tái cơ cấu ngành theo hướng xây dựng vùng chuyên canh tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị phù hợp với lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng.


       Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, kinh tế vườn là một trong những Chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương. Việc đầu tư qui hoạch, phát triển đúng định hướng và hiệu quả giúp cho nông dân tại các vùng nông thôn sâu xa, vùng căn cứ kháng chiến đầy khó khăn một thời vươn lên, bắt kịp với tốc độ phát triển chung của tỉnh và khu vực. Tiền Giang đã xác định 7 chủng loại cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đó là: xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, dứa (khóm) Tân Phước, thanh long Chợ Gạo, xơ ri Gò Công. Bên cạnh đó, một số cây ăn quả tiềm năng của từng vùng, tiểu vùng cũng được đưa vào cơ cấu sản xuất của địa phương: sapôchê Mặc Bắc (Châu Thành), cây ăn quả có múi trên vùng ngập lũ, mãng cầu xiêm Tân Phú Đông, chôm chôm Tân Phong, nhãn Nhị Quí...


       Tiền Giang xây dựng được một số vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tập trung lớn như: Vùng trồng xoài có diện tích trên 4.600 ha cho sản lượng gần 161.000 tấn quả/ năm tập trung nhiều nhất tại huyện đầu nguồn Cái Bè; vùng trồng sầu riêng gần 7.200 ha cho sản lượng mỗi năm gần 127.000 tấn quả tập trung tại huyện Cai Lậy; vùng trồng vú sữa lò rèn Vĩnh Kim có diện tích 3.900 ha cho sản lượng khoảng 65.000 tấn quả/ năm tại huyện Châu Thành; vùng trồng dứa trên 14.000 ha tại vùng Đồng Tháp Mười (Tân Phước) cho sản lượng trên 244.000 tấn/ năm; vùng trồng thanh long có diện tích khoảng 4.000 ha cho sản lượng mỗi năm trên 120.000 tấn tại huyện Chợ Gạo; vùng trồng xơ ri Gò Công có diện tích khoảng 300 ha tại ven biển Gò Công.


       Bên cạnh việc tăng nhanh diện tích vườn trồng cây ăn quả đặc sản tập trung cho sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu thì vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng chất lượng, tăng sức cạnh tranh của trái cây chủ lực cũng được các cấp, các ngành và nhà vườn hết sức quan tâm. Bà con áp dụng triệt để các tiến bộ kỹ thuật canh tác mới như: Bón phân cân đối, để cỏ trong vườn chống khô hạn và xói mòn đất đai, tạo cân bằng trong hệ sinh thái vườn quả, tỉa cành, tạo tán, cải tiến chất lượng giống cây ăn quả... tạo nên cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực trồng trọt nói chung và nghề làm vườn ở Tiền Giang nói riêng.


       Tỉnh cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực về mặt khoa học của Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI) đóng trên địa bàn trong việc nhân và phát triển các giống cây ăn quả chất lượng phục vụ vùng chuyên canh: Giống cam mật không hạt, giống thanh long ruột đỏ Long Định 1; đã phục tráng giống gắn với qui hoạch cải tạo vườn vú sữa, dứa, xoài cát Hòa Lộc, xơ ri, bưởi lông Cổ Cò; qua chọn lọc dòng dứa Queen ưu tú đã chọn được 4 dòng dứa Queen chất lượng tốt mang mã số Queen IV/11, Queen VII/12, QUEEN VII/27 và QUEEN VII/33. Tỉnh tuyển được 2 cây đầu dòng bưởi lông Cổ Cò.


      Bên cạnh đó, hình thành mạng lưới cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây ăn trái trên địa bàn cùng với Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tạo mạng lưới cung ứng giống cây ăn quả tốt đáp ứng yêu cầu cải tạo vườn tạp và mở rộng diện tích vườn chuyên canh. Công tác khuyến nông và bảo vệ thực vật đạt nhiều tiến bộ, là một trong những yếu tố tiên quyết đảm bảo hiệu quả kinh tế bền vững cho nhà vườn.


       Hàng năm, địa phương tổ chức trên 200 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh và phòng chống dịch bệnh trên cây ăn trái thu hút trên 17.000 lượt nông hộ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng Viet GAP, Global GAP trên các cây trồng chủ lực nhằm mở ra hướng đi mới cho trái cây Tiền Giang mạnh bước hội nhập. Toàn tỉnh đã có trên 100 ha cây ăn trái đặc sản: Thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm, nhãn, xơ ri, dứa được cấp chứng nhận đạt tiêu chí Viet GAP hoặc Global GAP.


       Việc xây dựng vùng chuyên canh theo hướng GAP gắn với công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa. Trong vấn đề này có vai trò tích cực của Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch tỉnh Tiền Giang cùng các ngành hữu quan, thông qua các hoạt động lớn, mang tính trọng tâm: Quảng bá sản phẩm và tìm kiến khách hàng, đưa trái cây Tiền Giang tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế, mở rộng mạng lưới thu mua, tiêu thụ, xây dựng các nhà đóng gói sản phẩm đạt tiêu chuẩn...
Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, nhờ vậy, nếu trước đây trái cây chủ yếu tiêu thụ trong nước thì hiện đang chiếm lĩnh những thị trường lớn khắp năm châu: Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực Đông Nam Á, EU, Bắc Mỹ, Trung Đông... Hàng năm, lượng trái cây xuất khẩu đạt sản lượng hàng chục ngàn tấn và kim ngạch xuất khẩu trên 7,7 triệu USD.


       Để đưa ngành trồng cây ăn quả Tiền Giang hội nhập mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, tỉnh thực hiện nhiều nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng: nhóm giải pháp về quy hoạch, lập đề án, dự án; nhóm giải pháp về tái cơ cấu ngành; nhóm giải pháp về chính sách; nhóm giải pháp về thanh tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cây ăn trái. Tỉnh đầu tư thâm canh, chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ nhằm giảm chi phí, nâng chất lượng trái cây gắn với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, tăng thêm thu nhập cho người dân đồng thời bảo vệ môi sinh, môi trường...


       Tiền Giang đang triển khai mạnh mẽ nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế vườn phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái: nhiễm mặn, lợ, ngọt, vùng ngập lũ: Đề án đầu tư và phát triển cây vú sữa lò rèn Vĩnh Kim tại hai huyện Châu Thành và Cai Lậy; Đề án đầu tư và phát triển cây thanh long Chợ Gạo; Đề án đầu tư phát triển cây mãng cầu xiêm Tân Phú Đông; Dự án nâng chất lượng rau quả và phát triển Chương trình khí sinh học.


       Tiền Giang phấn đấu đến năm 2020, mở rộng diện tích vườn quả các loại lên 80.000 ha với sản lượng đạt 1,3 triệu tấn/ năm. Hiện nay, cây ăn trái vươn lên đứng đầu trong các loại cây trồng của tỉnh. Nông dân đạt giá trị lợi nhuận vườn cây ăn quả chuyên canh bình quân trên 100 triệu đồng/ ha. Những hộ giỏi thâm canh, xử lý cho trái mùa nghịch đạt lợi nhuận kỷ lục: nửa tỉ đồng/ ha đối với các cây chủ lực: thanh long, sầu riêng, bưởi da xanh...

 

Minh Trí
Tin liên quan