Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Anh Trần Minh Thế với sáng kiến cải tiến máy phát điện sử dụng khí biogas
(Ngày đăng: 02/07/2015)

Sau khi cải tiến thành công động cơ kéo máy phát điện chạy bằng khí biogas (cách đây khoảng 10 năm), đến nay, chiếc máy trên đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Lúc đầu, chỉ sử dụng khí biogas để chạy máy phát điện, hiện tại, chiếc máy do anh Trần Minh Thế (xã Long An, huyện Châu Thành, Tiền Giang) cải tiến có thể sử dụng để làm máy chuyên dùng với nhiều tính năng khác nhau như: xay lúa; xay bột cá, bắp, bột mì… để chế biến thức ăn gia súc; bơm nước…
Anh Thế bên cạnh chiếc máy cải tiến sử dụng khí biogas làm máy bơm nước

 

       Sau khi bôn ba với nhiều nghề khác nhau: Lãnh đạo một xí nghiệp cơ khí quốc doanh, cán bộ Nhà nước, thợ sửa chữa máy nổ, đến năm 2005, anh chuyển sang nghề tài xế. Trong quá trình vận hành chiếc xe tải Daewoo (loại tải trọng 700 kg) do Hàn Quốc sản xuất, nhận thấy xe “uống” xăng nhiều, qua kiểm tra, anh mới biết loại xe này có thể sử dụng 2 lọai nhiên liệu: xăng và gas công nghiệp. Thế là anh nảy sinh ý tưởng cải tiến động cơ sử dụng xăng, dầu sang sử dụng khí biogas hỗn hợp nhằm vừa giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Sau thời gian thử nghiệm trên động cơ xăng không hiệu quả, anh chuyển sang thử nghiệm trên động cơ dầu. Gần 1 năm mày mò, nghiên cứu, cuối cùng anh đã cho ra đời chiếc máy cải tiến sử dụng khí biogas để chạy máy phát điện (dynamo) như ý muốn.

 

 

Anh Thế bên cạnh chiếc máy cải tiến để chạy máy phát điện công suất 3kW


       Để cải tiến chiếc máy trên, anh sử dụng động cơ do một số doanh nghiệp trong nước sản xuất; cải tiến bộ gas (bộ chế hòa khí), hệ thống đánh lửa bằng vật liệu inox (do anh gia công) và một số phụ tùng ôtô đã qua sử dụng. Để cải tiến 1 chiếc máy hoàn chỉnh, anh mất khoảng 1 tuần để gia công chi tiết, lắp ráp và chạy thử. Theo anh Thế, tùy theo quy mô chăn nuôi, chiếc máy do anh anh cải tiến có thể kéo dynamo để cung cấp nguồn điện (1 pha hoặc 3 pha) có công suất từ 3-200 kW hoặc cung cấp nguồn điện cho các máy chuyên dụng (xay xáy, xay bột cá, bắp…) với công suất từ 15 – 30 HP (sức ngựa). Theo tính toán của anh Thế, để đảm bảo cho máy có đủ lượng khí biogas để hoạt động liên tục, số lượng đàn heo trong chuồng luôn duy trì ít nhất là 20 con.


       Tính từ lúc cải tiến thành công chiếc máy đầu tiên, đến nay, anh Thế đã gia công, lắp đặt 400 máy phát điện biogas và máy chuyên dụng cho khách hàng trong, ngoài tỉnh (ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam) với mức giá từ 15,5 – 450 triệu đồng (khách hàng mua làm máy chuyên dụng thì được giảm phần chi phí trang bị thiết bị dynamo). Trong đó, anh đã cải tiến chiếc máy Carterpillar (do Mỹ sản xuất) với công suất máy phát điện đạt 200 kW (giá bán 450 triệu đồng) để cung cấp cho một doanh nghiệp sản xuất bột mì ở tỉnh Bình Dương sử dụng nước ép từ củ mì (qua quá trình ủ) tạo thành khí biogas để cung cấp cho máy hoạt động. Ngoài ra, anh còn cung ứng chiếc máy cải tiến cho TS. Đỗ Ngọc Quỳnh (Trường đại học Cần Thơ) để triển khai dự án xây dựng hầm ủ biogas từ lục bình do Chính phủ Luxembourg tài trợ được triển khai tại tỉnh Hậu Giang (năm 2010) mang lại kết quả rất khả quan.


       Ông Bùi Hữu Thọ, chủ trang trại chăn nuôi heo ở xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho) sử dụng 2 máy cải tiến (công suất 10 kW/máy) của anh Thế đã hơn 5 năm nay cho biết: “Chiếc máy do anh Thế cải tiến sử dụng rất hiệu quả, vừa đỡ tốn chi phí tiền điện, vừa không gây ô nhiễm môi trường”.


       Còn anh Nguyễn Minh Quang, chủ trang trại Minh Quang (xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo), chia sẻ: “Tôi sử dụng chiếc máy do anh Thế cải tiến công suất 7,5 kW được 4 năm nay. Nhìn chung máy hoạt động rất hiệu quả, vừa dùng để chạy dynamo cung cấp điện cho các thiết bị gia đình, vệ sinh chuồng trại, vừa sử dụng để xay nguyên liệu chế biến thức ăn cho heo rất tiện dụng. Tính ra, mỗi tháng, gia đình tôi tiết kiệm khoảng 1 triệu đồng chi phí tiền điện”


- Theo một cán bộ Dự án khí sinh học, Sở Nông nghiệp và PTNT: Chiếc máy do anh Thế cải tiến hiện đã có mặt ở nhiều địa phương trong nước, do máy hoạt động tốt, ít bị trục trặc kỹ thuật. Ngay những ngày đầu triển khai Dự án khí sinh học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, anh Thế đã tham gia cung ứng máy cải tiến sử dụng khí biogas để phát điện rất hiệu quả, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.  

                 

- TS. Đỗ Ngọc Quỳnh (nguyên Giảng viên Trường đại học Cần Thơ) cho biết, việc sử dụng lục bình để ủ tạo thành khí biogas rất tốt, năng suất không hề thua kém phân chuồng. Các hộ chăn nuôi nhỏ có thể sử dụng phế phẩm chăn nuôi kết hợp lục bình ủ tạo thành khí biogas để chạy máy phát điện hay máy công cụ rất tốt (qua thử nghiệm trên chiếc máy do anh Thế cải tiến). Tuy nhiên, đối với lục bình, trước khi đưa vào ủ cần phơi héo để làm giảm lượng nước (nước chiếm từ 90-95% trọng lượng).                                                                                                                     

 

 

Huỳnh Văn Xĩ
Tin liên quan