Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Lời giải cho bài toán tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng ngập lũ
(Ngày đăng: 12/06/2015)

Tiền Giang có nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp và thủy sản, giá trị các sản phẩm này không ngừng gia tăng qua từng năm. Bên cạnh đó, tỉnh đã xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới (NTM).
Mô hình nuôi cá lúa ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy

 

       Cho nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác, tạo việc làm và cải thiện đời sống góp phần xây dựng NTM bằng các mô hình khuyến nông như mô hình kết hợp nuôi cá - trồng lúa đã tạo nên bước đột phá, giúp nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình một cách bền vững. Từ đó, cụ thể hóa chủ trương tái sản xuất nông nghiệp trên những địa bàn khó khăn, đặc biệt là vùng ngập lũ phía tây của tỉnh.


       Trong thời gian qua, Tiền Giang triển khai Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất theo mô hình lúa + cá tại xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền. Trong vùng dự án, địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng: đê bao và cống đập ngăn lũ, nạo vét kênh mương xổ xả và lấy nước phục vụ sản xuất, hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn giúp vận chuyển, tiêu thụ nông sản hàng hóa và đi lại... Bên cạnh đó, tập trung khuyến nông chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa độc canh sang áp dụng mô hình canh tác mới: trồng lúa trong vụ đông xuân hàng năm, các vụ còn lại chuyển sang ương dưỡng, nhân và cung ứng cá giống nước ngọt các loại phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản nước ngọt trong và ngoài tỉnh. Mô hình mới khắc phục được tình trạng sản xuất độc canh cây lúa, giảm thiểu được nguy cơ lũ lụt gây hại cho lúa vụ 3 vừa mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.


       Ông Âu Văn On, khuyến nông viên xã Hậu Mỹ Bắc A (Cái bè) đồng thời là người đi tiên phong chuyển đổi sản xuất theo mô hình lúa + cá cho biết: Ông hiện có 2,4 ha đất trồng lúa đã chuyển sang làm 1 vụ lúa đông xuân và thời gian còn lại trong năm quay được từ 5 - 6 vụ ương dưỡng cá giống (trung bình 1,5 tháng/vụ cá giống) đạt giá trị sản xuất trên 300 triệu đồng/năm. Sau khi trừ đi chi phí, gia đình ông còn lãi trên 200 triệu đồng. Nhờ áp dụng theo mô hình mới, gia đình ông không chỉ vượt khó, thoát nghèo mà những năm gần đây có tích lũy, khấm khá hẳn lên. Ông Lê Quốc Vũ, cư ngụ tại vùng dự án lúa + cá của xã Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè, là nông dân sản xuất giỏi của tỉnh cũng là một trong những điển hình áp dụng thành công mô hình trên diện tích sản xuất 1 ha mỗi năm thu lợi nhuận ròng trên 100 triệu đồng cho biết: Canh tác theo mô hình mới, nông dân giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu, hoàn toàn không phải xịt thuốc cỏ; do tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng nên cá lớn nhanh, lượng thức ăn tiêu tốn giảm, chi phí giảm theo. Ô nhiễm môi trường do vậy cũng cơ bản được khắc phục. Ngoài ra, các giống thủy sản nước ngọt trong nội đồng và trên kênh rạch trong vùng dự án phục hồi dần đã góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo chủ trương của nhà nước.


       Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Bắc A đánh giá: Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất theo mô hình lúa + cá tại địa phương đang mang lại hiệu quả lớn, giúp nhân dân địa phương khắc phục được ảnh hưởng thiên tai, an tâm chung sống với lũ. Hàng năm, vùng nuôi đạt sản lượng cung ứng cho thị trường gần 900 triệu con cá bột, trên 400 tấn cá giống các loại, định hình được cánh đồng 100 triệu đồng/ha trên vùng ngập lũ Tiền Giang.


       Trãi qua 25 năm đầy khó khăn thử thách, có cả thất bại lẫn thành công, nhưng đã có những nông dân tâm huyết đã thành lập nên Chi hội nghề cá xã Hậu Mỹ Bắc A - Cái Bè, hiện nay có khoảng 100ha/100nông dân tham gia nghề cá giống. Với sự liên kết của các hội viên thông qua chi hội đã giúp nông dân có điều kiện trao đổi chia sẽ kinh nghiệm qua tập huấn kỹ thuật nhất là được hỗ trợ đầu ra sản phẩm. Nông dân sản xuất nông nghiệp trên vùng đất nghèo khó ngày nào giờ đã được thay da đổi thịt, diện mạo nông thôn được đổi mới, đường xá được bêtông hóa để thuận tiện giao thương buôn bán, những căn nhà lá trước đây được thay bằng những căn nhà tường khang trang, đời sống nông dân sung túc, đầy đủ hơn.


       Đó là mô hình ương dưỡng cá giống. Còn mô hình lúa – cá thịt thì cách làm sáng tạo của nông dân như sau: Thu hoạch lúa vụ hè thu sớm (vụ 2) xong, nông dân bắt đầu chuẩn bị ao mương (chiếm từ 15-20% diện tích ruộng) để thả cá, có thể tận dụng ao có sẵn kế ruộng cải tạo lại và chỉ đào thêm mương bao xung quanh ruộng. Mật độ thả nuôi cá thịt 5con/m2, thả cá rô đồng là chính khoảng 80% ghép thêm 20% cá sặc rằn, chép, mè vinh hoặc mè trắng để những cá ghép này tận dụng thức ăn sẵn có ở ruộng. Song song với việc chuẩn bị mương thả cá thì chuẩn bị ruộng để sạ vụ hè thu chính vụ (vụ 3). Lúa sạ thưa theo hàng hoặc cấy. Lúa hoàn tất giai đoạn đẻ nhánh khoảng 35 ngày bơm nước vào để cá lên ruộng ăn sâu rầy và cung cấp phân cho lúa. Khi thu hoạch lúa hè thu chính vụ xong cho nước vào ruộng và cho hết cá lên ruộng, giai đoạn này đặc biệt chú ý rào lưới xung quanh ruộng và ao thật kỹ, kiểm tra lưới thường xuyên hàng ngày để bảo vệ cá nhất là khi có nước lũ về. Thời gian này cá lớn rất nhanh và không cần cho ăn thức ăn viên. Khi nước lũ rút, cá cũng đạt kích cỡ thương phẩm xuất bán và chuẩn bị cho vụ lúa Đông-Xuân.


       Thấy được hiệu quả nên những hộ có điều kiện đã thực hiện mô hình và đạt hiệu quả như ông Ngô Văn Miền, Châu Văn Mười Em xã Mỹ Trung – Cái Bè; Phạm Văn Mến, Võ Hoàng Thọ, Lê Văn Vũ xã Hậu Mỹ Trinh – Cái Bè; Nguyễn Thành Đức xã Phú Cường – Cai Lậy, Trương Văn Xóm xã Tân Phú – Cai Lậy... Theo nông dân Nguyễn Thành Đức ở ấp 1, Phú Cường, Cai Lậy: “Trước đây một vụ lúa tôi xịt 2-3 đợt thuốc sâu nhưng khi thực hiện mô hình này tôi hoàn toàn không xịt thuốc sâu vì thấy cá lên ruộng ăn hết sâu rầy, ốc bươu vàng và còn giảm lượng phân bón, chỉ có xịt thuốc bệnh lem lép hạt và khô cổ bông, khi xịt thuốc này tôi cũng không cần rút nước cho cá xuống mương. Với hai công rưỡi đất tôi thả 5 con/m2 cá rô là chính, thu được 1,1 tấn cá, bán 35 ngàn đồng/kg, thu được 36 triệu đồng, lời trên 10 triệu đồng. Đặc biệt, vụ Đông – Xuân, năng suất đạt 9,4tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay (vì khu vực này đất và nước bị nhiễm phèn nhiều), một năm lời từ lúa gần 15 triệu đồng".


       Kinh nghiệm của bà con nông dân Mỹ Trung và Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè) thực hiện mô hình rút ra: Nếu nông dân có điều kiện nên làm mô hình này vì nó đem lại hiệu quả rất cao, khi nuôi cá cần chú ý cá con mới thả định kỳ phòng bệnh bằng vôi và muối, trồng rau muống quanh bờ ruộng làm thức ăn cho cá để giảm chi phí, khi thu hoạch lúa vụ 3 xong cho hết cá lên ruộng nên không cần cho ăn thức ăn. Tùy vào thời kỳ sinh trưởng của cây lúa mà nâng nước cho cá lên ruộng, hiệu quả cá ăn sâu rầy rất tốt. Về chọn thời điểm bán cá cũng quyết định rất lớn đến hiệu quả kinh tế, xác định nhu cầu thị trường để bán cá có giá cao như cá rô đồng bán trước khi lũ về, cá chép bán trước tết, mè trắng và sặc rằn bán vào dịp tết để xay chả hoặc làm khô. Với 1ha đất, hàng năm bà con thu lời từ cá khoảng 50 triệu đồng và lời từ lúa khoảng 50 triệu, cho nên mô hình kết hợp nuôi cá thịt và 3 vụ lúa này lời gấp đôi so với chỉ trồng 3vụ lúa.


       Qua 3 năm, Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện mô hình được 5 ha/29 hộ tham gia ở xã Mỹ Trung và Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè); xã Tân Phú và Phú Cường (Cai Lậy). Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cá giống, 30% vật tư chính, được tham gia các cuộc tập huấn kỹ thuật, tham quan hội thảo chia sẻ kinh nghiệm. Từ kết quả đạt được các nông dân tham gia mô hình có nhận xét: Trước đây 1 năm sản xuất 3 vụ lúa chỉ có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha, nhưng từ khi tham gia mô hình 3vụ lúa + 1 vụ cá thịt đến nay lợi nhuận tăng gấp đôi đạt 100 triệu đồng/ha. Cụ thể trung bình: năng suất cá 4 tấn/ha, chi phí 95triệu đồng/ha, tổng thu 152 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ cá 57 triệu đồng/ha và lợi nhuận từ lúa khoảng 50 triệu đồng/ha. Mô hình này phù hợp với vùng trồng lúa bị ảnh hưởng lũ.


       Đánh giá về mô hình lúa – cá, ông Mai Thành Lộc – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông nhận xét: Mô hình kết hợp trồng lúa nuôi cá phù hợp điều kiện các huyện phía tây tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là phù hợp với chủ trương của nhà nước hiện nay theo Thông tư 47/2013/TT-BNNPTNT, ngày 08/11/2013 là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhưng đã không làm mất diện tích đất trồng lúa và giúp tăng hiệu quả kinh tế - xã hội trên cùng một diện tích đất và đây là mô hình sinh thái bền vững giúp giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm cá và lúa sạch đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, cần được phát triển nhân rộng để góp phần thực hiện thành công đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.


       Đó chính là lời giải cho bài toán tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giải tỏa được tâm lý của bà con lâu nay: “Nếu không trồng lúa thì chúng tôi trồng gì? Cơ cấu mùa vụ như thế nào? Hiệu quả ra sao?”. Kết quả các nông dân năng động khi tham gia những dự án khuyến nông “lúa – cá” vùng lũ đúc kết được góp phần khẳng định chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc thù từng tiểu vùng, từng vùng đang thực sự đi vào đời sống, mở ra những hướng mới khả thi giúp nông dân vùng ngập lũ phía tây tỉnh Tiền Giang như: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước không chỉ “chung sống với lũ” thành công mà thực sự đổi đời, trở thành những triệu phú, tỉ phú nông thôn hôm nay như nông dân Âu Văn On, xã Hậu Mỹ Bắc A, được mệnh danh “Vua cá giống”, từng 2 lần nhận Huân chương Lao động về thành tích sản xuất – kinh doanh giỏi.

 

Nguyễn Thị Phương Dung - Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang
Tin liên quan