Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiềm năng và triển vọng nghề nuôi tôm nước lợ nơi miền biển Gò Công tỉnh Tiền Giang
(Ngày đăng: 12/06/2015)

Tiền Giang có khoảng 5.350 ha nuôi tôm nước lợ, trong đó nuôi thâm canh và bán thâm canh là 3.340ha chiếm 62%, tập trung tại 4 huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Gò Công Tây và TX Gò Công.
Mô hình nuôi tôm sú- tôm thẻ kết hợp ở Phước trung – Gò Công Đông

 

       Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Nên muốn sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của nhà nhập khẩu cần phải có nghề nuôi ổn định và bền vững.

 

       Trong những năm gần đây, do sức hấp dẫn về lợi nhuận, diện tích nuôi tôm liên tục tăng nên tiềm ẩn và bộc lộ nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi. Bên cạnh đó các nước nhập khẩu đã sử dụng rào cản kỹ thuật là vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm. Chính vì vậy muốn sản phẩm tôm xuất khẩu được thì phải thực hiện tích cực các biện pháp đồng bộ từ quản lý đến sản xuất nguyên liệu và thu gom, chế biến sản phẩm để vượt qua rào cản này. Dù không ít khó khăn như thế nhưng với sự quan tâm của các cấp các ngành và sự quyết tâm yêu nghề của nông dân nên nghề nuôi tôm năm 2014 đã có nhiều khởi sắc.


       Tình hình thời tiết năm 2014 tương đối thuận lợi cho hoạt động nuôi tôm, người dân đã có ý thức hơn trong việc phòng bệnh cho tôm, chủ động ngưng thả giống khi vùng nuôi đang xảy ra bệnh, đa số người nuôi đều tuân thủ lịch thời vụ.


       Đối tượng nuôi chủ yếu các năm trước là tôm sú, nhưng đến năm 2014 tôm thẻ phát huy thế mạnh của mình, diện tích nuôi tôm thẻ cao gần gấp 04 lần so với diện tích nuôi tôm sú. Thị trường tôm thương phẩm tại Việt Nam năm 2014 tăng khá cao nên đa số các hộ nuôi đều có lãi.


       Đặc biệt, khoa học kỹ thuật, công nghệ và thông tin không ngừng phát triển, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả, đã tác động rất lớn đến sự chuyển đổi nhận thức của người nuôi tôm trong tình hình mới, nhất là tầng lớp trẻ và nông dân có điều kiện về vốn, họ đã mạnh dạn đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhờ đó, năm 2014 hoạt động nuôi tôm bắt đầu phát triển theo chiều sâu, người nuôi chú trọng hơn với các điều kiện sản xuất an toàn, cùng nhau hợp tác, hỗ trợ và chia sẽ kinh nghiệm.


       Các mô hình nổi bật mà Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện thành công năm 2014 và đang tiếp tục nhân rộng trong năm 2015 như:


        Bước đột phá mang lại hiệu quả khả quan đó là mô hình thử nghiệm nuôi tôm sú – tôm thẻ kết hợp. Khi chúng tôi đến thăm và tổng kết mô hình tại xã Phước Trung - huyện Gò Công Đông, ông Phạm Văn Tánh là người trực tiếp thực hiện mô hình phấn khởi nói “Với 5 công đất, sau 5 vụ nuôi liên tiếp bị thất bại, vụ này tôi mới thu 2.5tấn tôm, lãi 140 triệu đồng. Lúc đầu Trạm Khuyến nông khảo sát, mời nông dân chúng tôi để phổ biến kế hoạch thực hiện thử nghiệm mô hình nuôi mới này. Ban đầu tôi cảm thấy ngại, vì hiện nay chưa ai nuôi ghép hai loại tôm này với nhau, các nhà khoa học khuyến cáo nuôi tôm thẻ phải có quy hoạch riêng. Qua nhiều lần thuyết phục tôi đã nhận lời làm thử nghiệm. Khi thực hiện mô hình tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cặn kẽ quy trình nuôi an toàn sinh học. Thả tôm thẻ vào ao nuôi tôm sú khi tôm sú được 1 tháng tuổi với mật độ 25con tôm sú/m2 và 5con tôm thẻ/m2 (tỷ lệ tôm sú/ thẻ là 80:20%). Qua quá trình thực hiện, tôi nhận thấy màu nước trong ao nuôi ổn định, tôm ít bị bệnh và tôm thu hoạch có kích cỡ đồng đều ở cả hai loại tôm, cỡ thu 40con/kg, tỉ lệ sống 70%, giá bán 155.000đ/kg, tôi chỉ tính lượng thức ăn dựa theo ước lượng tỷ lệ sống của tôm sú, tôm thẻ chỉ ăn lại thức ăn dư thừa. Theo tôi đây là mô hình mang lại hiệu quả cao cần được tiếp tục thực hiện để hoàn thiện quy trình nuôi”.


       Mô hình được xem là mang lại hiệu quả bền vững đó là mô hình Nuôi tôm thẻ kết hợp cá rô phi. Ông Lê Công Dư ở xã Tân Phú huyện Tân Phú Đông rất vui mừng nói ”Chưa bao giờ tôi đạt được hiệu quả như vụ này, với 5 công đất tôi thả 400.000con tôm giống, thu được 7.5 tấn tôm cỡ 39con/kg giá 160.000đ/kg, lãi 550triệu đồng”. Ông kể ”Tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn làm lồng lưới có kích cỡ 80m2/0.5ha ao nuôi tôm, lồng lưới đặt cách đáy ao 0.5m cho cá không khuấy bùn đáy ao được. Trước khi thả tôm 10 ngày, tôi thả cá rô phi có kích cỡ 2-3cm vào, mật độ 10con/m2. Qua 4 tháng áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, tôi theo dõi thấy màu nước không biến động nhiều, tôm không bị bệnh và tôm thu hoạch có kích cỡ đồng đều”. Cán bộ thủy sản cho biết lợi ích của cá rô phi thả ghép trong ao nuôi tôm thẻ là do cá ăn thức ăn dư thừa, mùn bã hữu cơ nên làm giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế sự phát triển vi khuẩn có hại gây bệnh cho tôm. Cá ăn tôm bệnh yếu giúp hạn chế lây lan phát sinh bệnh trong ao. Ngoài ra cá còn ăn thực vật thủy sinh có hại (rong mền, rong đuôi chồn, tảo độc).


       Bên cạnh đó, mô hình có nhiều triển vọng đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đất nghèo khó trước đây khi đến thăm cù lao Tân Phú Đông, đó là mô hình tôm – lúa với diện tích khoảng 600ha tập trung ở ấp Phú Hữu, xã Phú Tân. Đa số người dân trước đây mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa, đời sống khó khăn, thu nhập thấp, không có dư. Trong 4-5 năm trở lại đây, được sự khuyến khích của nhà nước, có một số người dân đã mạnh dạn đầu tư cải tạo diện tích đất đạt yêu cầu kỹ thuật để nuôi tôm - lúa. Hàng năm vào tháng 12 nông dân chuẩn bị ruộng, cải tạo ao để thả nuôi tôm quảng canh, năng suất bình quân từ tôm khoảng 400kg/ha cộng thêm các loại tôm cá khác 100kg/ha, thu được 60triệu đồng, chi phí khoảng 15 triệu đồng, lãi khoảng 45 triệu đồng. Sau vụ tôm khoảng tháng 7-8, gieo sạ vụ lúa thu đông, năng suất 5tấn/ha, thu được 25 triệu đồng, lợi nhuận 10triệu đồng. Sau một năm sản xuất theo mô hình tôm - lúa, nông dân thu được 85triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 60 triệu đồng cao gấp 3 lần trồng lúa trước đây, đây là con số lý tưởng khi làm ăn trên vùng đất đầy khó khăn này. Trên bờ nông dân tận dụng trồng rau màu, cỏ chăn nuôi đã góp phần tăng thu nhập khoảng 10-20 triệu đồng/năm. Đây là mô hình phù hợp, mang tính bền vững và đang được nhân rộng trên địa bàn huyện. Thời gian qua mô hình đã góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, đường xá, nhà cửa khang trang hơn trước. Tương lai, mô hình tôm lúa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của huyện Tân Phú Đông.


       Song song đó vẫn còn những tồn tại: Tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Giá cả các loại nguyên vật liệu đầu vào luôn ở mức cao nhưng giá sản phẩm đầu ra không ổn định. Môi trường nuôi phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước sông, các hộ nuôi chưa có hệ thống ao lắng và ao xử lý. Các tổ quản lý cộng đồng chưa phát huy hết vai trò của mình. Việc sản xuất theo hướng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm - GAP là hướng đi đúng nhưng hiện tại vẫn còn không ít khó khăn do chi phí để áp dụng cho qui trình sản xuất theo GAP còn cao, giá bán tăng chậm, chi phí chứng nhận cao, thời gian tái chứng nhận ngắn, nông dân chưa thấy được hiệu quả kinh tế nên họ chưa nhiệt tình thực hiện.


       Từ những vấn đề trên, để nghề nuôi tôm nước lợ được phát triển ổn định, bền vững cần:


       - Nông dân cần chọn một qui trình công nghệ phù hợp cho chính mình. Thường xuyên phối kết hợp với các ngành liên quan nắm vững quy trình kỹ thuật từ đó vận dụng một cách có hiệu quả nhất phục vụ cho sản xuất của mình nhằm đạt hiệu quả bền vững.

 
       - Người nuôi nên thay đổi quan niệm trong sản xuất, nâng cao chất lượng là chính, trong đó việc giảm mật độ nuôi, kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để giảm rủi ro và nâng sức cạnh tranh sản phẩm trên trường thế giới.


       - Thiết kế xây dựng ao nuôi thâm canh phải bao gồm ao lắng và ao xử lý nhằm góp phần bảo vệ môi trường nuôi.


       - Áp dụng lịch thời vụ: nuôi một vụ chính trong năm, thời gian còn lại nuôi luân canh đối tượng khác để có thời gian đáy ao được tự làm sạch, cắt đứt vòng đời của các sinh vật gây bệnh.


       - Xây dựng mô hình sản xuất theo hình thức quản lý cộng đồng, tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng nhau hỗ trợ sản xuất. Đồng thời cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà để quyền lợi của người nông dân được bảo đảm tốt hơn.


       - Tăng cường các họat động khuyến nông trên lĩnh vực thủy sản: chuyển giao kịp thời hiệu quả tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới và mạnh dạn đưa ra những mô hình mới hiệu quả để mọi người cùng nhau ứng dụng.


       - Đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ thủy sản, vì nước là yếu tố sống còn của nghề nuôi thủy sản.


       - Xúc tiến hoạt động ngoại giao kỹ thuật để tạo niềm tin và sự thừa nhận bộ tiêu chuẩn VietGAP trên các thị trường thế giới, làm cho VietGAP có thể ngang tầm với các tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC...


       - Có chế độ hỗ trợ hợp lý cho việc tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận, tạo sự khác biệt về giá cho sản phẩm chứng nhận nhằm thu hút các hộ nuôi tôm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP.


       Nuôi tôm nước lợ là một nghề khó, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng với kết quả khả quan của các mô hình trên, bước đầu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân mà điều có ý nghĩa quan trọng hơn là việc bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm an toàn đủ sức cạnh tranh và nâng cao uy tín chất lượng hàng thủy sản Việt Nam trên trường thế giới. Cho nên việc nhân rộng thực hiện các mô hình này là rất cần thiết để phát triển nghề nuôi tôm nước lợ nhiều tiềm năng nơi miền biển đầy nắng gió này, nhằm xây dựng kinh tế người dân xứ biển ngày càng giàu đẹp. Đó cũng là mong muốn của các cấp, các ngành trong việc góp phần thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc Gia về xây dựng nông thôn mới.

 

Nguyễn Thị Phương Dung - Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang
Tin liên quan