Trong những năm đầu của Thế kỷ 21, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã biểu hiện ngày càng rõ nét, như: hạn hán, nắng nóng bất thường và kéo dài, bão, lũ diễn ra với cường độ mạnh hơn, xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Riêng đối với tỉnh Tiền Giang, tác động của biến đổi khí hậu đã và đang diễn khá rõ nét, cụ thể như: | |
Ảnh: Internet |
1. Thay đổi về thời tiết và lượng mưa: theo kết quả thống kê quan trắc nhiệt độ cho thấy có sự thay đổi nhiệt độ trong 3 thập niên tại Tiền Giang. Nhiệt độ trung bình năm 1978-1991: 26,7oC, năm 1992-2001: 26,8 oC và năm 2002-2011: 26,9 oC, nhiệt độ trung bình/năm trong các thập niên từ 1978-1991, 1992-2001, 2002-2011 trung bình tăng 0,1 oC; lượng mưa trong các thập niên có xu thế ngày càng có cường độ mưa lớn hơn và tần suất xuất hiện nhiều hơn (tại Mỹ Tho thời kỳ 1978 - 1991 lượng mưa trung bình là 1.238mm, 2002-2011 lượng mưa trung bình 1.441mm).
2. Xâm nhập mặn: Biểu hiện xâm nhập mặn tại tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn 2002 - 2013 được đo tại các trạm Vàm Kênh, Hòa Bình trên sông Cửa Tiểu, trạm Cầu Nổi trên sông Vàm Cỏ cho thấy mặn chủ yếu trong các tháng đầu năm từ tháng 1 đến tháng 5 xâm nhập sâu vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch và đi sâu vào nội đồng ở vùng Gò Công (độ mặn 4 0/00 xâm nhập mạnh vào các cửa sông Vàm Cỏ và Sông Tiền và đạt mức cao nhất năm 2011, 2012, 2013). Khi mùa khô và hạn hán kéo dài, mực nước của các con sông trong tỉnh, nhất là khu vực chịu tác động của triều biển Đông giảm thấp, nên xâm nhập mặn có khả năng lấn sâu vào trong đất liền, qua kết quả báo cáo từ dự án “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” dự báo như sau:
Đến năm 2020, 2030 xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào phường Tân Long, Tp.Mỹ Tho; xã Thanh Bình huyện Chợ Gạo và tất cả các xã, phường của Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông.
Khi bị ngập mặn kéo dài, đất sẽ bị chua mặn (do bị nhiễm mặn, phèn sunfat bị rửa trôi), làm thay đổi tính chất cơ - lý hóa thổ nhưỡng và các chất dinh dưỡng, từ đó có ảnh hưởng mạnh tới cây trồng, nhất là lúa nước (như làm khô héo lá, chết cây), mà cuối cùng là ảnh hưởng xấu tới năng suất và chất lượng nông sản thu hoạch. Mặt khác, nguồn nước bị nhiễm mặn sẽ gây khó khăn cho công tác tưới tiêu thuỷ lợi và ảnh hưởng tới mô hình nuôi trồng lúa kết hợp nuôi cá dưới chân lúa, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng thuỷ sản.
Theo kịch bản năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì: Đến năm 2100, có khoảng 88% diện tích đất của tỉnh Tiền Giang sẽ bị ngập chìm, nhiễm mặn phèn, sạt lở, xói lở, xâm thực và sụt lún.
3. Lũ lụt: Lũ lụt ở Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung hình thành chủ yếu do nước từ thượng nguồn đổ về, đồng thời mưa tại chỗ và triều cường ngoài sông làm tăng thêm mức độ trầm trọng của lũ. Thống kê trong 80 năm (1926-2008) tại ĐBSCL có 26 lần lũ lớn (mực nước tại Tân Châu lớn hơn 4,50 m). Như vậy nếu tính bình quân cứ khoảng 3 năm lũ lớn xảy ra một lần. Tuy nhiên, trên thực tế có lúc 7, 8 năm mới có một lần lũ lớn như lũ 1984, 1991 hoặc 3 năm liên tục có lũ lớn như vào các năm 2000, 2001 và 2002. Mức ngập của các huyện phía Tây nằm trong khoảng từ 0,45m đến 0,89m…
Như vậy, tại tỉnh Tiền Giang, qua tính toán mực nước dâng cho thấy các huyện của tỉnh đều bị ngập khi mực nước lũ từ thượng nguồn sông Mêkông như năm 2000, các huyện bị ngập bao gồm Cái Bè, Cai Lậy, một phần Tân Phước, phía bắc thành phố Mỹ Tho giáp ranh với huyện Chợ Gạo. Độ sâu ngập trung bình của các kịch bản ở năm 2020 khoảng 30 - 40 cm, ở năm 2050 độ sâu ngập từ 30 - 50 cm, riêng khu vực phía bắc thành phố Mỹ Tho ngập cao hơn, khoảng 50 - 60 cm. Tiền Giang cao trình tương đối thấp, toàn vùng không có hướng dốc rõ ràng, tuy nhiên có những khu vực có tiểu địa hình thấp trũng hay gò cao hơn so với địa hình chung như khu vực đất cao ven sông Tiền (đê sông tự nhiên); khu vực Gò Công giới hạn từ phía Đông kênh Chợ Gạo đến biển Đông, có cao trình phổ biến từ 0,8 và thấp dần theo hướng Đông Nam;… do đó mức độ ngập của khu vực nội đồng cao hơn các khu vực ven biển Đông và sông Tiền.
Ứng phó với BĐKH được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính hệ thống, tổng hợp, liên ngành, liên vùng, xóa đói, giảm nghèo. Ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, các ngành, các cấp, các tổ chức, mọi người dân và cần được tiến hành với sự đồng thuận và quyết tâm cao của cộng đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật trong công tác ứng phó đối với biến đổi khí hậu; bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Tiền Giang bước đầu khởi động Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, đã đánh giá được những tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường tự nhiên và xã hội; đề ra mục tiêu và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó và giảm thiểu tác động xấu do biến đổi khí hậu gây ra.
Đề xuất một số giải pháp để ứng phó BĐKH tại tỉnh Tiền Giang:
1. Giải pháp về bộ máy tổ chức
- Thành lập Ban chỉ đạo và Văn phòng ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nhiệm vụ ứng phó với BĐKH.
- Phối hợp, phân công rõ ràng trách nhiệm giữa các Sở, ban, ngành trong phối hợp quản lý, thực hiện các hoạt động liên quan ứng phó với BĐKH trên địa bàn quản lý.
2. Giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH để triển khai thi hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Xây dựng và ban hành bổ sung các cơ chế, chính sách của tỉnh Tiền Giang áp dụng cho nhiệm vụ ứng phó BĐKH đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, chú trọng cho các lĩnh vực như: truyền thông, tuyên truyền; giáo dục đào tạo; tài chính…;
- Xây dựng và ban hành cơ chế phối hợp trong các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH có tính chất liên huyện, liên tỉnh trong vùng ĐBSCL.
- Xây dựng và ban hành các hướng dẫn thực hiện việc kiện toàn và phát triển nguồn nhân lực, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ ứng phó với BĐKH.
- Xây dựng và ban hành các hướng dẫn thực hiện công tác thi đua – khen thưởng trong nhiệm vụ ứng phó với BĐKH của tỉnh, huyện thị.
- Có chính sách thu hút, ưu đãi các dự án đầu tư trọng điểm về ứng phó với BĐKH của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
3. Giải pháp về nâng cao nhận thức ứng phó với BĐKH
- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.
- Triển khai các chương trình liên tịch về ứng phó với BĐKH giữa các Sở, ban, ngành với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Liên hiệp KH-KT, Liên đoàn Lao động, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh,...
- Hàng năm triển khai hoạt động truyền thông về ứng phó với BĐKH qua các tuần lễ: Nước sạch vệ sinh môi trường quốc gia 22/4, Đa dạng sinh học 22/5, Ngày Môi trường Thế giới 5/6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 24/9…
- Thường xuyên cung cấp, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới về ứng phó với BĐKH đến các tổ chức, cá nhân thông qua biên soạn tài liệu, phát hành bản tin và cung cấp thông tin trên website của tỉnh Tiền Giang.
- Tổ chức chuyên mục tuyên truyền trên báo, đài phát thanh và truyền hình về các chủ đề trọng tâm liên quan đến về ứng phó với BĐKH theo định kỳ.
- Tăng cường năng lực tuyên truyền ứng phó với BĐKH trong các tổ chức, đoàn thể quần chúng; phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể trong truyền thông nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH cho cộng đồng; phát huy vai trò các cơ quan thông tin đại chúng về ứng phó với BĐKH.
- Thực hiện nghiêm túc các mục tiêu ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững của tỉnh, định kỳ triển khai công tác tổng kết thi đua khen thưởng về ứng phó với BĐKH; công bố công khai các thành tích điển hình về ứng phó với BĐKH nhằm tạo nên dư luận xã hội, lên án và xử lý nghiêm khắc những vi phạm quy định về ứng phó với BĐKH.
4. Giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH
- Tăng cường phối hợp, hợp tác về ứng phó với BĐKH giữa các Sở, ban, ngành của tỉnh Tiền Giang với các cơ quan ứng phó với BĐKH ở vùng ĐBSCL và Trung ương về các Chương trình ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
- Tăng cường hoạt động hợp tác với các trường, viện, trung tâm nghiên cứu trong nước để thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ về ứng phó với BĐKH, đẩy mạnh công tác ứng dụng và chuyển giao công nghệ, công tác tư vấn trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH.
- Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế để được hỗ trợ các chương trình, dự án về ứng phó với BĐKH.
- Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH, nhất là thu hút kỹ thuật – công nghệ cao phục vụ hiệu quả cho việc ứng phó với BĐKH.
5. Các giải pháp khác
- Cần nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH tới sự phát triển các hoạt động kinh tế và sự an toàn của cuộc sống người dân và giải pháp ứng phó.
- Cần đánh giá và dự báo về sự biến động các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
- Cần đánh giá và dự báo về sự thay đổi văn hóa, lối sống và các xung đột về mặt xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
- Cần chú trọng các chương trình mục tiêu dự án trọng tâm để đối phó với các BĐKH.