Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Những cái chết đột ngột ở trẻ em: Nguyên nhân và cách cấp cứu
(Ngày đăng: 02/03/2015)

“Mới thấy đó mà đã chết đó!” là cách nói rất dân dã trong cộng đồng, để diễn tả sự nhanh chóng, đột ngột cướp đi sinh mạng của không ít người không phải do tai nạn giao thông hay tai nạn sinh hoạt, mà bị đột tử.
Ảnh mang tính chất minh họa

 

       Hiện nay, đột tử xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, trẻ em cũng không phải ngoại lệ. Theo nhiều ý kiến của các chuyên gia, tất cả cái chết xảy ra trong vòng một giờ đồng hồ kể từ khi có dấu hiệu đầu tiên như đau ngực, ngạt thở, mệt lả… đều xếp vào dạng đột tử.

 

       NGUYÊN NHÂN GÂY ĐỘT TỬ


       Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đột tử trẻ em, trong đó bệnh lý tim mạch chiếm 70 - 90%, như bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim), bệnh van tim (hẹp, hở van nhĩ thất và van động mạch chủ), bệnh cơ tim (dãn nở và phì đại), bệnh tim bẩm sinh (tứ chứng fallot, thông liên thất...), rối loạn dẫn truyền nhịp tim mắc phải hay bẩm sinh (rung thất, hội chứng Brugada...), tai biến mạch máu não, xuất huyết não do dị dạng mạch máu não hoặc do khối u não, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), cao huyết áp ác tính, hen phế quản ác tính, dị vật đường thở.


       Một số nghiên cứu của Mỹ không tìm ra được nguyên nhân rõ ràng, tuy nhiên họ nhận thấy có tình trạng mức độ serotonin trong não thấp. Mặc dù gọi là đột tử nhưng những trẻ này thật sự cũng có một vài yếu tố kích phát gây ra cơn đột tử như là xuất hiện sau những gắng sức, hoạt động thể lực, căng thẳng quá mức, sốt cao, hạ đường huyết, hạ canxi, tiếp xúc chất gây dị ứng, sang chấn…

 

       CÁCH SƠ CỨU


       Đột tử là một tình trạng cấp cứu, chạy đua với thời gian để giành giật tính mạng của trẻ tính từng phút từng giây. Ở trẻ em, ngưng thở thường là hậu quả của tình trạng suy hô hấp cấp, ngưng tim thường sau ngưng thở. Não sẽ bị tổn thương khi ngừng thở ngừng tim trên 4 phút và nếu trên 10 phút thường tử vong.


       Trước đây, thứ tự ưu tiên trong hồi sức cấp cứu là thông đường thở (A), thổi ngạt (B), ấn tim ngoài lồng ngực (C). Tuy nhiên, hiện nay, theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Hoa Kỳ, thứ tự đã thay đổi: C, A, B, là ấn tim sớm ngay từ đầu.


       Nếu tại hiện trường xảy ra tình huống trẻ ngưng thở ngưng tim đột ngột, khẳng định bằng cách lay gọi không tỉnh (hôn mê), lồng ngực không di động, không sờ được mạch trung tâm như là mạch khủy, mạch bẹn, mạch cổ (sờ trong 10 giây) thì chúng ta sẽ thực hiện hồi sức cơ bản theo nguyên tắc: Nhanh và theo thứ tự C, A, B; đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh và Đội cấp cứu 115 của bệnh viện.


       Bước C (ấn tim ngoài lồng ngực): Nếu trẻ nhỏ hơn 1 tuổi sẽ dùng kỹ thuật 2 ngón cái hoặc 2 ngón tay đặt ở vị trí ngay xương ức và dưới đường nối 2 vú của trẻ 1 khoát ngón tay (bề ngang của ngón tay), ấn sâu 3 - 4 cm.


       Nếu trẻ lớn hơn 1 tuổi sẽ dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1 - 8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mấu xương ức 1 - 2 khoát ngón tay, ấn sâu 4 - 5 cm. Tần số ấn tim 100 lần/phút và khi chúng ta ấn tim đúng cách thì mạch sờ sẽ có. Nếu trẻ có ngưng thở ngưng tim thì chúng ta vừa ấn tim vừa thực hiện thổi ngạt với tỷ lệ 3/1 đối với trẻ dưới 1 tháng tuổi, tỷ lệ 15/2 đối với trẻ lớn hơn 1 tháng tuổi.


       Bước A (thông đường thở): Chúng ta sẽ thực hiện động tác ngửa đầu nâng cằm trẻ, nếu nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ kèm theo thì thực hiện phương pháp nâng hàm và cố định cổ để tránh di lệch cột sống cổ.


       Dùng miệng của mình áp vào miệng, mũi của trẻ để hút đàm nhớt. Nếu nghi ngờ trong miệng trẻ có vật lạ gây cản trở đường hô hấp, chúng ta dùng thủ thuật vỗ lưng ấn ngực hay thủ thuật Hemlich, không được dùng tay móc dị vật vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn.


       Bước B (thổi ngạt): Khi thấy lồng ngực không di động và không cảm nhận được hơi thở của trẻ có nghĩa là trẻ đã ngưng thở, chúng ta nhanh chóng thổi ngạt 2 - 5 cái có hiệu quả (thổi có hiệu quả khi thấy lồng ngực nhô lên khi thổi).


       Sau cùng, chúng ta quan sát lồng ngực và bắt mạch trung tâm, nếu mạch trung tâm rõ, đều thì ngừng ấn tim; nếu lồng ngực tự di động thì ngưng thổi ngạt; còn nếu trẻ vẫn còn ngưng thở ngưng tim thì phải tiếp tục ấn tim thổi ngạt.


       Để phòng tránh tình trạng ngưng tim ngưng thở đột ngột ở trẻ, chúng ta cần nhanh chóng đem trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy trẻ bỗng nhiên có cư xử kỳ quặc, kém hoạt bát, kém lanh lợi hoặc càng lúc càng mệt mỏi, khó thở, không thể nói được; trẻ co giật động kinh và bất tỉnh; trẻ kém tiếp xúc; trẻ có bất cứ dấu hiệu nào biểu hiện sau một chấn thương đầu như giảm tỉnh táo, lú lẫn, đau đầu, nôn ói, kích thích, khó đi lại, yếu liệt tay chân; trẻ đau tăng lên hoặc đau dữ dội bất cứ nơi nào trong cơ thể.


       Theo suy nghĩ của nhiều người, ngừng thở, tim ngừng đập chính là biểu hiện của cái chết, không còn cách nào chữa chạy. Chính suy nghĩ này khiến không ít trẻ không được hồi sức cơ bản kịp thời hoặc chuyển đến bệnh viện mà chưa được sơ cứu tại hiện trường đúng cách, dẫn đến tử vong. 3 - 5 phút là “thời gian vàng” tính từ khi trẻ ngưng tim ngưng thở đến khi được sơ cứu hồi sinh tuần hoàn hô hấp, khi đó trẻ có cơ hội cứu sống rất cao hoặc ít nhất sẽ tránh được di chứng tổn thương não nặng nề về sau.


       “Phép mầu” không chỉ nằm sau cánh cửa phòng cấp cứu bệnh viện, mà còn ở động tác sơ cứu tại hiện trường kịp thời của người lớn.


       Hiện nay, đột tử xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, trẻ em cũng không phải ngoại lệ. Theo nhiều ý kiến của các chuyên gia, tất cả cái chết xảy ra trong vòng một giờ đồng hồ kể từ khi có dấu hiệu đầu tiên như đau ngực, ngạt thở, mệt lả… đều xếp vào dạng đột tử.

 

Nguồn: baoapbac.vn
Tin liên quan