Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Độc đáo làng mai kiểng ven thành phố Mỹ Tho
(Ngày đăng: 15/02/2015)

Thành phố Mỹ Tho trong những ngày giáp Tết không khí làm ăn hết sức khẩn trương, sôi nổi, nhất là vùng ven đô thị, nơi có những làng nghề nổi tiếng: bánh bún hủ tiếu Mỹ Phong, bánh mứt Trung An, hoa kiểng Mỹ Phong và Tân Mỹ Chánh...Tân Mỹ Chánh nổi tiếng từ lâu đời với nghề trồng hoa tết, tập trung ở ấp Bình Phong. Hoa tết Bình Phong từng thống trị nhiều năm trên thị trường, nhất là ở chợ hoa Lạc Hồng – chợ hoa nổi tiếng khu vực sông Tiền mỗi năm nhóm một lần vào dịp Tết tại công viên Lạc Hồng (Tp Mỹ Tho), ven bờ sông Tiền lồng lộng gió.
Chăm sóc mai tết ở vườn mai của anh Nguyễn Thanh Tùng

 

       Chục năm trở lại đây, ngoài hoa tết, nhân dân Tân Mỹ Chánh nắm bắt nhu cầu thị trường, mở mang thêm nghề trồng và kinh doanh mai kiểng: Mai kiểng cổ, mai bonsai, mai cắt cành...phục vụ nhu cầu người dân mà chủ lực là mai kiểng cổ với nhiều thế, dáng độc đáo khác nhau nhìn rất bắt mắt. Từ đó, hình thành nên thương hiệu “Làng mai kiểng” Tân Mỹ Chánh và qua thời gian, càng được khẳng định trên thị trường, tên tuổi càng vươn xa khắp vùng đồng bằng sông nước Cửu Long giàu bản sắc văn hóa.


       Anh Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ Chánh cho biết, làng mai kiểng Tân Mỹ Chánh có những nghệ nhân lành nghề chuyên uốn tỉa, tạo dáng, nâng những gốc mai vườn lâu nay nằm khiêm tốn bên góc sân nhà thành những kiệt tác nghệ thuật có một không hai để trang hoàng, làm đẹp cho ngày Tết cổ truyền dân tộc, đáp ứng thị hiếu nhân dân. Qua đó, còn tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng, trở thành những tấm gương làm giàu vùng ven thành phố Mỹ Tho - thành phố tự hào có bề dày lịch sử, văn hóa trải qua mấy trăm năm dựng nước và giữ nước tại Nam bộ.

 
       Chơi kiểng vốn thú vui tao nhã của những gia đình Nam bộ nói chung. Ông Lương Văn Hồng, một trong những nghệ nhân hàng đầu của làng mai kiểng Tân Mỹ Chánh cho biết, gia đình ông nhiều đời nối tiếp nhau gìn giữ niềm đam mê chơi mai kiểng. Thời đó, trước sân nhà ông lúc nào cũng có hàng chục gốc mai kiểng được tỉa cắt rất công phu mà ông bà hết sức nâng niu. Gần đây, nhận thấy cơ hội vàng cho kinh tế gia đình khi hoa kiểng lên hương, nhu cầu rất cao đồng thời sẵn có vốn kiến thức về cây kiểng học tập từ các thế hệ trước, ông chuyên tâm theo nghề trồng, kinh doanh mai kiểng. Tết hàng năm, gia đình ông Lương Văn Hồng cung ứng thị trường vài trăm gốc mai kiểng, thu lợi nhuận 100 đến 150 triệu đồng/ tùy năm, đủ để trang trải cho gia đình cả năm.


       Thấy việc kinh doanh mai kiểng của ông có hiệu quả và đầy sáng tạo, bà con xung quanh bắt đầu khuyếch trương và nhân rộng. Làng mai kiểng Tân Mỹ Chánh tập trung ở ấp Phong Thuận, cặp theo bờ sông Tiền. Đặc điểm nơi đây là qui tụ nhiều nghệ nhân lành nghề, lão luyện và có thâm niên trong nghề. Bà con biết khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, phát huy tư duy sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh, phù hợp đặc điểm nơi ven thành phố đất hẹp, người đông. Kinh doanh mai kiểng vừa tô điểm cho ngày Tết cổ truyền thêm nhiều hương sắc vừa làm giàu cho mình.


       Theo anh Nguyễn Văn Khôi, dịp Tết Ất Mùi 2015, làng mai kiểng Tân Mỹ Chánh có tổng cộng 23 hộ dân đăng ký cung ứng cho thị trường Tết 6.800 gốc mai kiểng. Loại mai kiểng cổ, uốn tỉa công phu, tạo dáng, tạo thế rất đẹp và tùy theo độ tuổi cây, độ độc đáo của kiểu dáng, có thể có giá từ 500.000 đ/ gốc đến vài chục triệu /gốc và có khi vô giá (!). Tuy nhiên, theo những nghệ nhân lành nghề, am hiểu thị trường thì phổ biến nhất vẫn là những gốc mai từ 500.000 đ đến vài triệu, phù hợp túi tiền giới bình dân nhưng đam mê mai kiểng. Còn những gốc mai giá trị cao không nhiều và kén chọn khách hàng, chỉ đại gia mới chơi được. Những nghệ nhân nổi tiếng của làng mai có các ông: Lương Văn Hồng, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Trung Hải...


       Vườn mai của anh Nguyễn Thanh Tùng tọa lạc tại ấp Phong Thuận, xã Tân Mỹ Chánh, Tp Mỹ Tho trong những ngày này thật rộn ràng, náo nhiệt khi nhân công đang tập trung chăm sóc vụ mai tết. Người tưới cây, người lải lá, người chăm sóc....Công việc lải lá tại vườn mai nhà anh tập trung trong các ngày: 12, 13, 14, rằm tháng chạp cần đến 200 lao động, bình quân mỗi ngày phải có 50 lao động làm việc hết công suất. Bởi công đoạn lải lá mai rất quan trọng, giúp tác động cho mai nở hoa đúng Tết hay không?. Trong vườn mai mọi người bận rộn tíu tít nhưng việc trò chuyện không phải do vậy mà kém phần rôm rả. Câu nói, tiếng cười tạo nên không khí hết sức vui tươi, phấn khởi.


       Anh Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1976, trước kia làm thợ hồ một thời vất vả, khó khăn, cuộc sống không ổn định. Gần đây, sẵn niềm đam mê mai kiểng đồng thời nắm bắt được nhu cầu thị trường Tết, anh mạnh dạn chuyển hẳn sang nghề trồng và kinh doanh mai kiểng bán Tết rất thành công. Thời điểm đó vào năm 2004 khi anh khởi nghiệp từ vườn mai diện tích 2.000 m2 đất nhà, đủ trồng vài ba trăm gốc mai bán Tết. Những năm về sau, nhu cầu lớn, mai kiểng hút hàng và công việc làm ăn phát đạt anh thuê thêm 1.500 m2 đất mở rộng vườn mai lên 3.500 m2. Trên khu vườn, anh trồng từ 800 – 1.000 gốc mai vàng các loại, từ mai 5 cánh đến mai cánh giảo 7 – 9 – 12 thậm chí 24 cánh. Ngoài mai vàng tự nhiên còn có các gốc mai ghép nhiều giống mai trên cùng một thân. Để gốc mai kiểng có các thế uốn éo tạo dáng đẹp cần phải qua thời gian dài uốn sửa, tỉa cành một cách công phu và đòi hỏi năng khiếu, sự sáng tạo của nghệ nhân. Những thế uốn phổ biến đang được ưa chuộng: Dáng trực tứ diện đều, dáng thác đổ, dáng bay...Những gốc mai kiểng cổ có tuổi 50 – 70 năm tuổi thân cành sần sùi rêu phong và dáng đẹp được ưa chuộng, có khi vô giá...


       Thông thường sau tết anh đi lùng mua mai rừng, mai vườn nhà dân trong ngoài tỉnh đem về dưỡng, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, uốn sửa nâng cấp thành những cây kiểng có thế, có dáng đẹp chờ đúng dịp tết tung ra thị trường. Mai vàng là giống cây trồng khó tính, khó chăm sóc. Để có một gốc mai kiểng có giá trị cao, ngoài thế, dáng đẹp và độc đáo còn phải có nhiều bông, bông đẹp và nở đúng vào dịp tết hàng năm. Nhiều yếu tố tác động để mai nở đúng tết hoặc không, trong đó quan trọng nhất là thời tiết, là nhiệt độ, ẩm độ...Những năm thời tiết bất thường, tiết xuân đến sớm hoặc đến trễ, mưa trái mùa nhiều...năm đó chắc chắn mai không nở hoặc có nở cũng không đúng thời điểm Tết.


       Để khắc phục được tình trạng trên cần kết hợp giữa kinh nghiệm với kiến thức tích lũy về trồng và chăm sóc mai theo khoa học. Đặc biệt Tết Nguyên đán năm nay, mai vàng trong vườn của anh cây nào cũng đơm bông đều tăm tắp, bông đẹp, bông nhiều ai thấy cũng thích. Trong quá trình đến với nghề trồng và kinh doanh mai kiểng, anh Nguyễn Thanh Tùng học tập kinh nghiệm nhiều nơi, nhiều thầy. Từ những bậc cao niên đi trước đến tài liệu, sách vở và kiến thức tiếp thu được qua các lớp truyền nghề cho nông dân do Hội Nông dân cùng các ngành, các cấp tổ chức. Anh Tùng đã tham dự hai lớp: Dạy nghề trồng hoa kiểng và trồng hoa kiểng nâng cao.


       Qua những lớp này đã tạo nền tảng kiến thức để từ đó anh nâng nghề trồng mai kiểng thành một nghệ thuật độc đáo của sự sáng tạo. Nhạy bén trước những cơ hội làm ăn mới, biết phát huy năng khiếu, sở trường và cần cù, chịu khó là những yếu tố giúp anh Nguyễn Thanh Tùng từ một thợ hồ vất vả, nghèo khó trở thành một ông chủ vườn mai tiền tỉ ven Tp Mỹ Tho hôm nay. Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, sau mỗi vụ mai tết, với sản lượng vài trăm chậu mai cung ứng thị trường, trừ đi chi phí anh còn lãi ròng vài trăm triệu đồng. Nhờ vườn mai kiểng, gia đình anh ngày càng có thu nhập khá, có của ăn của để xây được nhà cửa khang trang đồng thời “nở nồi” mở rộng qui mô sản xuất cũng như chuyên tâm với nghề trồng, kinh doanh mai kiểng độc đáo mang lại cho ngày tết cổ truyền dân tộc bao nhiêu hương sắc đậm đà.


       Thời điểm rằm tháng chạp trở đi, năm hết tết đến, ai cũng bận rộn tíu tít với công việc làm ăn, buôn bán, kinh doanh...Ở làng mai cũng vậy. Từ khi gắn bó với nghề, hầu như ai cũng ăn Tết trễ bởi trước và giáp Tết, cho đến tận trưa ngày 30 tháng chạp, mọi người đều lo chăm sóc mai kiểng, lo kinh doanh, buôn bán. Ăn Tết lớn hay không, vui hay buồn đều tùy thuộc vào bàn tay cần cù lao động, vào sự thành công của những gốc mai kiểng trổ bông đúng Tết hay không, giá cả thị trường thế nào?.


       Tất nhiên, cũng có năm được, năm thất nhưng nhìn chung, theo đánh giá của anh Nguyễn Văn Khôi, trồng và kinh doanh mai kiểng Tết trúng lớn hay nhỏ mà thôi. Ít có trường hợp nào thất bại. Năm nào bán không hết, bà con đem về dưỡng tiếp chờ Tết năm sau. Còn hôm nay, đến với làng mai kiểng, người ta tưởng như quên hết đi những nhọc nhằn, toan lo đời thường khi nhìn những gốc mai uốn tỉa công phu, đơm đầy nụ hoa vàng tươi trong nắng báo hiệu một mùa xuân mới đem đến bao nhiêu kỳ vọng vào sự ấm no, vui tươi, hạnh phú đến mọi người, mọi nhà.

 

Minh Trí
Tin liên quan