Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây xoài, một trong những loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Tiền Giang, khắc phục các khó khăn trong quá trình thâm canh để hướng tới xuất khẩu, ngày 09-01-2014, tại xã Hòa Hưng, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội thảo về "chuỗi giá trị sản phẩm xoài", với sự tham gia của các cấp, các ngành, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân chuyên trồng xoài trong và ngoài tỉnh. | |
Ảnh: minh họa |
Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, Hội thảo lần này là bước đi cụ thể để gắn kết giữa sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ theo mô hình chuỗi giá trị, đảm bảo được đầu ra ổn định nông sản chủ lực địa phương theo hướng liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước. Nhiều vấn đề được đặt ra, trao đổi để các ngành, đơn vị và chuyên gia cùng nông dân tháo gỡ, đẩy mạnh thâm canh, tạo ra nguồn nông sản dồi dào phục vụ thị trường trong và ngoài nước: kỹ thuật thâm canh theo hướng GAP, kỹ thuật bao trái và bảo quản khi thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, gắn kết giữa sản xuất với thị trường, vai trò của Tổ hợp tác (THT) và Hợp tác xã (HTX)...
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có gần 42.000 ha xoài tập trung ở 4 tỉnh trọng điểm: Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long và một số địa phương khác với sản lượng hàng năm trên 417.000 tấn quả. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc khẳng định đây là tiềm năng lớn trên cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu nhưng nhìn chung sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng mà những hạn chế dễ nhận thấy là thiếu liên kết ngang giữa nhà sản xuất các THT và HTX, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vùng nguyên liệu, sản lượng trong năm không ổn định và chất lượng chưa đồng đều nên chưa thể chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu...
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm xoài cát Hòa Lộc, thời gian qua HTX chuyển giao qui trình sản xuất theo hướng GAP cho xã viên và đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chí GlobalGAP trên diện tích 20,72 ha xoài cát Hòa Lộc. Theo ông Nhơn, lợi ích của việc sản xuất theo qui trình GlobalGAP là đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, được các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu , người dân hưởng lợi lớn. Cụ thể, thông qua Công ty HATCHANO, năm qua, HTX đã xuất được trên 50 tấn xoài cát Hòa Lộc sang Nhật Bản. Giá xoài cát Hòa Lộc thu mua của xã viên cao hơn thị trường cùng thời điểm khoảng 20%, xã viên hưởng lợi.
Còn ông Huỳnh Thanh Bá, Phó Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) chia sẽ kinh nghiệm mà xã viên HTX Mỹ Xương thực hiện hiệu quả trong các năm qua trên lĩnh vực thâm canh xoài cũng như gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ. Đó là cần thiết phải áp dụng biện pháp kỹ thuật bao trái nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, tiết giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa hữu hiệu sâu bệnh tấn công và chất lượng sản phẩm nâng lên, được thị trường ưa chuộng. Đây cũng là một trong những khâu quan trọng mà các doanh nghiệp đòi hỏi nông dân khi hợp đồng bao tiêu sản phẩm xoài nói riêng và trái cây nói chung.
Ông Phan Phú Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên (Cụm Công nghiệp Song Thuận, Tiền Giang) cho biết, doanh nghiệp có tiềm lực về chế biến nông sản xuất khẩu đặc biệt là xoài. Trung bình, mỗi ngày Công ty TNHH Long Uyên tiêu thụ từ 40 đến 60 tấn xoài nguyên liệu (1.200 đến 1.500 tấn/ tháng). Đây là thuận lợi lớn cho nông dân vùng chuyên canh xoài Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đầu vào, ông Cường đề xuất cần tập trung tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật trồng xoài an toàn theo hướng GAP. Đây là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp sắp tới đầu tư cho vùng nguyên liệu để mở rộng xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường khó tính như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản...Từ đó, thiết thực nâng cao chuỗi giá trị kinh tế sản phẩm xoài trong tương lai
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương hiện có trên 6.600 ha xoài trong đó các giống xoài đặc sản: xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu...chiếm ưu thế, tập trung tại các huyện vùng ngập lũ phía tây: Cái Bè, Cai Lậy... Trong đó, có HTX xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè) đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chí GlobalGAP trên diện tích 20,72 ha. Đây là thuận lợi cơ bản để sắp tới tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích xoài cát Hòa Lộc thâm canh theo tiêu chí GlobalGAP, mở ra cơ hội để gắn kết giữa các doanh nghiệp, các Tổ hợp tác và Hợp tác xã cùng các ngành liên quan theo mô hình chuỗi giá trị.
Kết luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm xoài Tiền Giang theo mô hình chuỗi giá trị, thời gian tới cần có giải pháp đồng bộ từ khâu sản xuất, thu mua chế biến xuất khẩu và tiêu thụ. Trong đó, những ưu tiên trước mắt cần hỗ trợ nông dân tháo gỡ là: bình tuyển và nhân nhanh những giống xoài mới có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, sản lượng, chất lượng đưa vào sản xuất đại trà gắn với kỹ thuật bảo quản, chế biến tiên tiến; phối hợp giữa các địa phương trong định hình vùng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ 4 nhà, chuyển giao kỹ thuật canh tác GlobalGAP cũng như hỗ trợ kinh phí chứng nhận và tái chứng nhận... Có như vậy mới có thể phát huy vị thế một trong những loại trái cây chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới hôm nay.