Ngày 10-9-2014, huyện Tân Phước đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nâng cao chất lượng và hiệu quả cây khóm trên Đồng Tháp Mười", hướng đến xuất khẩu với sự tham gia của ngành hữu quan, của Viện Cây ăn quả Miền Nam, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên canh khóm và nông dân trong vùng. | |
TS. Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang giới thiệu những vấn đề cần lưu ý khi tham gia sản xuất khóm theo tiêu chí VietGAP. |
Cây khóm là cây trồng chủ lực của huyện Tân Phước có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu cao. Để đánh thức tiềm năng kinh tế lớn lao của cây khóm, tỉnh đã có nhiều giải pháp quan trọng: quy hoạch vùng sản xuất, kiện toàn mạng lưới kênh mương tháo chua rửa phèn phục vụ sản xuất và cơ sở hạ tầng để giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa của nông dân một cách thuận lợi. Tính đến nay, toàn vùng đã mở rộng diện tích khóm chuyên canh lên trên 15.500 ha, tăng gấp đôi so với thời điểm cách đây hai mươi năm, năng suất đạt bình quân 19 tấn/ ha/ năm và sản lượng khóm mỗi năm đạt trên 260.000 tấn. Trong đó, có 32 ha khóm của Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng (Tân Phước) đã được tái công nhận đạt tiêu chí VietGAP vào năm 2013.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, bên cạnh những kết quả đạt được, việc sản xuất cây khóm trên Đồng Tháp Mười vẫn còn những tồn tại, hạn chế: năng suất bình quân chưa cao, chất lượng trái chưa đạt yêu cầu, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm...Từ đó, ảnh hưởng đến hiệu quả và thu nhập của người dân. Ông Nguyễn Văn Lâm cũng cho biết, Hội thảo nhằm đánh giá lại kết quả đạt được, xác định phương hướng cụ thể khắc phục các hạn chế, tồn tại, có giải pháp đồng bộ đưa cây khóm vượt qua thách thức để thiết thực đóng góp vào công cuộc ổn định đời sống nhân dân, đưa Tân Phước sớm cập bến bờ thịnh vượng.
TS. Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang giới thiệu những vấn đề cần lưu ý khi tham gia sản xuất khóm theo tiêu chí VietGAP.
Từ định hướng trên, Hội thảo nhận được sự đóng góp của các đại biểu về nhiều vấn đề quan trọng và thiết thực: Sự cần thiết tổ chức sản xuất theo qui trình VietGAP, cung cấp thông tin thị trường, tình hình phòng chống dịch bệnh trên cây trồng gắn với các chính sách khuyến công, khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh,... Tiến sĩ Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang giới thiệu những vấn đề cần lưu ý khi tham gia sản xuất khóm theo tiêu chí VietGAP đồng thời khẳng định đây là con đường tất yếu cho vùng chuyên canh trong tương lai. Tiến sĩ Phong đã hướng dẫn bà con các nội dung chính trong qui trình sản xuất VietGAP, các vấn đề cần tuân thủ nghiêm ngặt về quản lý đất và môi trường, phân bón và vật tư nông nghiệp, nước tưới, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, quản lý chất thải trong quá trình sản xuất...
Đại diện đơn vị đã được tái chứng nhận VietGAP trên cây khóm trong năm 2013, ông Nguyễn Công Thành, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng (Tân Phước) cho biết việc trồng dứa theo tiêu chí VietGAP đối với xã viên không phải quá khó khăn. Tồn tại lớn nhất mà Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng đang đối mặt, chưa giải quyết được triệt để là thị trường tiêu thụ nông sản GAP chưa ổn định, chi phí sản xuất khóm VietGAP còn cao, hiệu quả kinh tế chưa đạt yêu cầu. Ông cũng kiến nghị các doanh nghiệp, nhà phân phối sớm có kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ khóm VietGAP một cách ổn định và lâu dài trên cơ sở liên kết “4 nhà”, tăng cường truyền thông để người tiêu dùng hiểu, phân biệt và tích cực sử dụng phổ biến nông sản VietGAP...
Quang cảnh buổi Hội thảo “Nâng cao chất lượng và hiệu quả cây khóm
trên Đồng Tháp Mười".
Kỹ sư Nguyễn Văn Thảnh, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang), hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, chú trọng tuyển chọn và sử dụng giống tốt; áp dụng đồng bộ các qui trình thâm canh theo khoa học không chỉ tăng năng suất, tăng sản lượng khóm khi thu hoạch, đảm bảo chất lượng mà còn chính nhằm thuận lợi hơn khi áp dụng bộ tiêu chí VietGAP vào quá trình canh tác cây khóm.
Kỹ sư Nguyễn Văn Re, Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Tiền Giang đánh giá: Hiện nay, diện tích khóm được công nhận VietGAP của vùng chuyên canh Tân Phước còn quá khiêm tốn. Từ mô hình trên, trong các năm tới Tiền Giang cần nhân rộng, tích cực mở rộng diện tích khóm VietGAP tại Tân Phước. Để đạt kết quả, cần thiết phải mời gọi xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực bao tiêu sản phẩm, gắn kết nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước theo chủ trương “liên kết 4 nhà”. Có như thế mới có thể tiến tới hình thành vùng trồng khóm chuyên canh rộng lớn mang hàm lượng khoa học công nghệ cao, hướng đến xuất khẩu trên Đồng Tháp Mười (Tiền Giang).
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết, qua thảo luận tại Hội thảo, các vấn đề trọng tâm: Tổ chức sản xuất khóm để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế; vấn đề kiện toàn cơ sở hạ tầng giao thông – thủy lợi phục vụ vùng chuyên canh, phương thức gắn kết giữa sản xuất, tiêu thụ và chế biến xuất khẩu một cách chặt chẽ...đã được bàn thảo, thống nhất cao. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng làm cơ sở để địa phương tiếp tục triển khai thông qua các giải pháp cụ thể trong thời gian tới, mở ra hướng đi nhằm phát huy tiềm năng cây khóm trên Đồng Tháp Mười trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập.