Trong những năm gần đây, việc canh tác rau màu trên địa bàn xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành) khá phát triển; đặc biệt, mô hình trồng ngò gai được bao tiêu theo hợp đồng tại ấp 3 là một trong những mô hình được đánh giá cao về tính hiệu quả cũng như từng bước thay đổi tập quán sản xuất nông sản theo hướng an toàn; qua đó, đã giúp nông dân có thu nhập ổn định, nhiều hộ trở nên giàu có. | |
Chuẩn bị giao ngò gai cho các doanh nghiệp chế biến |
Hiệu quả từ mô hình sản xuất và bao tiêu theo hợp đồng
Anh Huỳnh Văn Hảo, ngụ ấp 3, xã Tam Hiệp cho biết, anh gắn bó với nghề canh tác rau màu đã hơn 10 năm. Trước đây anh trồng ngò gai (ăn lá) để bán cho thương lái trong xã, do nhu cầu thị trường không ổn định, giá cả thường lên xuống thất thường nên thu nhập khá bấp bênh. Cách đây khoảng 5 năm, qua sự giới thiệu của người quen, anh liên hệ với chị Dương Thị Ngọc Yến, chủ cơ sở Mỹ Anh (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) đề nghị được ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu đầu ra. Qua thời gian thực hiện hợp đồng, nhận thấy hiệu quả mang lại khá cao và ổn định, anh tiếp tục thuê đất để mở rộng diện tích canh tác. Anh Hảo phấn khởi cho biết, khi ký hợp đồng, mỗi công đất đăng ký trồng ngò gai, anh được cơ sở Mỹ Anh tạm ứng 4 triệu đồng để chuẩn bị khâu làm đất, mua vật tư, nguyên liệu và hạt giống… đến khi thu hoạch, cơ sở mới trừ số tiền đã tạm ứng. Hiện tại, anh Hảo đang trồng chuyên canh 1 ha ngò gai (anh chia 3 thửa, mỗi thửa diện tích từ 3-4 công để ký hợp đồng). Qua tính toán của anh, mỗi công đất (1.000 m2) trồng ngò gai, anh thu hoạch trung bình 4 tấn (mùa mưa năng suất có thể đạt trên 5 tấn/công), mỗi năm sản xuất từ 2-3 vụ (thời gian mỗi vụ kéo dài từ 3,5 – 4 tháng), tổng sản lượng đạt trên 100 tấn, được cơ sở bao tiêu đầu ra với giá 7 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, anh còn lãi khoảng 50% doanh thu.
Mô hình sản xuất ngò gai theo hướng an toàn (tại ấp 3) và được bao tiêu đầu ra.
Theo anh Hảo, ngò gai do anh trồng chủ yếu để cung ứng cho các công ty sản xuất gia vị tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh bạn. So với ngò ăn lá được trồng phổ biến ở địa phương, loại ngò này có nguồn gốc từ Long Xuyên (còn gọi là ngò Miêng) vốn rất dễ trồng, ít sâu bệnh, lá dài, củ lớn… nên năng suất và hiệu quả cao hơn. Là người đầu tiên ở ấp thực hiện mô hình trồng ngò gai theo hình thức hợp đồng bao tiêu, anh đã giới thiệu, hướng dẫn nhiều hộ cùng tham gia. Do nhận thấy những hiệu quả thiết thực do mô hình mang lại, hiện nay, ấp 3 có khoảng 100 hộ ký hợp đồng với cơ sở Mỹ Anh và một số cơ sở khác thực hiện theo hình thức này với tổng diện tích ngò gai chuyên canh lên đến 10 ha.
Thay đổi tập quán sản xuất theo hướng an toàn
Anh Huỳnh Minh Cường, một nông dân trồng ngò gai ở ấp 3 được cơ sở Mỹ Anh ký hợp đồng bao tiêu gần 4 năm nay cho biết: Khi tham gia, nông dân phải tuân thủ các nội dung của hợp đồng đã ký kết với cơ sở như: canh tác theo đúng diện tích đã đăng ký (tương ứng với số tiền được hỗ trợ tạm ứng); tuân thủ thời gian ngừng bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); trước khi thu hoạch từ 15-20 ngày, nông dân phải thông báo cho cơ sở biết để cử người xuống lấy mẫu đi xét nghiệm, kiểm tra lượng tồn dư thuốc BVTV. Sau khi có kết luận của cơ quan chuyên môn (Chi cục BVTV tỉnh), nếu mẫu thử đảm bảo tiêu chuẩn an toàn theo quy định, cơ sở thu mua sẽ thông báo cho người trồng được biết và tiến hành thu hoạch. Trường hợp mẫu thử không đạt, thời gian thu hoạch sẽ được kéo dài thêm.
Chuẩn bị giao ngò gai cho các doanh nghiệp chế biến
(ảnh chụp tại cơ sở Mỹ Anh).
Chị Dương Thị Ngọc Yến cho biết, mỗi tháng cơ sở của chị cung ứng trên dưới 100 tấn rau màu gồm: ngò gai, rau om, cần, hẹ, lá chanh… cho các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương để sản xuất gia vị cung ứng cho các công ty chế biến thực phẩm, sản xuất mì tôm trong nước, một số xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia... Theo chị Yến, nhu cầu tiêu thụ các loại rau màu phục vụ sản xuất, chế biến gia vị đang có chiều hướng gia tăng nhưng cũng đặt ra yêu cầu rất nghiêm ngặt về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là lượng tồn dư thuốc BVTV. Để giúp cho công tác kiểm mẫu được thuận lợi, đơn giản, không phải kéo dài thời gian thu hoạch, chị Yến đề nghị ngành nông nghiệp cần hỗ trợ, tập huấn nông dân quy trình sản xuất rau màu theo hướng VietGAP; trong đó, tập trung hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, thuốc BVTV nằm trong danh mục cho phép và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch nhằm vừa giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp chế biến cũng như đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Tiến tới thành lập Tổ hợp tác sản xuất ngò gai
Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng ấp 3 cho biết, hiện nay, việc canh tác rau màu trên địa bàn ấp khá phát triển, với chủng loại rất đa dạng, hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng lúa; trong đó, mô hình trồng cây ngò gai mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định do được bao tiêu đầu ra với giá ổn định nên thu hút nhiều nông dân tham gia. Nhờ cây ngò gai, nhiều hộ có thu nhập ổn định và trở nên khá giả. Theo chỉ đạo của UBND xã Tam Hiệp, ấp sẽ xúc tiến vận động anh Hảo, anh Cường cùng một số nông dân tham gia thành lập Tổ hợp tác sản xuất ngò gai để giúp tổ viên và nông dân có điều kiện trao đổi, được tập huấn về kỹ thuật thanh tác, quy trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc BVTV đảm bảo an toàn.
Ông Phan Văn Vững, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp phấn khởi cho biết, UBND xã, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã đang phối hợp và đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ, hướng dẫn xã xúc tiến việc thành lập Tổ hợp tác sản xuất ngò gai tại ấp 3 nhằm giúp cho xã sớm được công nhận đạt tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới về hình thức tổ chức sản xuất: “…có ít nhất 01 hợp tác xã hoặc tổ hợp tác có đăng ký, hoạt động đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo Luật, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp”, tiến tới nhân rộng mô hình trong phạm vi toàn xã, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu đạt tiêu chí số 10 về thu nhập bình quân đầu người.