Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hội thảo khoa học đánh giá thành công của quá trình khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang từ 1976 đến nay
(Ngày đăng: 21/08/2014)

Ngày 13/8/2014, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá thành công của quá trình khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) từ năm 1976 đến nay với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học thuộc các Viện, Trường Đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành phía Nam.
Hội thảo khoa học đánh giá thành công của quá trình khai thác, phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang từ 1976 đến nay.


         Hội thảo khẳng định thành quả của công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười, di dân khai hoang lập nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội, nơi đây ngày một phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Kết quả của quá trình trên là năm 1994, tỉnh đã thành lập huyện mới Tân Phước. Sau hai mươi năm thành lập, huyện Tân Phước có những nỗ lực đi lên, tăng trưởng kinh tế giữ ở mức cao và bền vững.

         Huyện đã hình thành vùng chuyên canh khóm trên 15.000 ha, gần 5.000 ha đất trồng lúa năng suất cao, mỗi năm 3 vụ, trên 1.200 ha màu, trên 3.500 ha cây lâm nghiệp. Giai đoạn 1995 – 2013 huyện đạt mức tăng trưởng 12,53% /năm, có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế ngành theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,4 triệu đồng/ năm vào năm 1995 đã tăng lên 19,94 triệu đồng/ người vào cuối năm 2013; từ 45% hộ nghèo và 5% hộ đói đến nay đã giảm chỉ còn 11,4% hộ nghèo và xóa hẳn hộ đói. Có 31 tham luận đóng góp trong hội thảo, nêu bật những bài học kinh nghiệm trong khai hoang, di dân lập nghiệp và phát triển sản xuất của vùng Đồng Tháp Mười ngày trước, nay là huyện mới Tân Phước, từ giải pháp thủy lợi mở đường tháo chua rửa mặn, cải tạo đất đai đến việc kết hợp phát triển giao thông, kiện toàn mạng lưới đê bao ngăn lũ cho vùng chuyên canh khóm nguyên liệu, qui hoạch cây trồng vật nuôi phù hợp, mở mang thương mạivà các ngành dịch vụ khác… Từ đó, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc đánh thức tiềm năng Đồng Tháp Mười vì quốc kế dân sinh, đưa miền đất nầy trở thành trù phú, năng động và phát triển bền vững phía tây bắc tỉnh Tiền Giang.

 

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Huỳnh Văn Niềm, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang cho rằng thành quả khai hoang Đồng Tháp Mười sau gần 40 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng là thắng lợi rực rỡ của ý Đảng, lòng dân mà giải pháp thủy lợi tiên phong mang tính khoa học, thực tiễn hết sức quan trọng. Từ đó, mở ra tiền đề để huyện Tân Phước qui hoạch phát triển các cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả mà việc hình thành vùng khóm chuyên canh rộng trên 15.000 ha mỗi năm cho sản lượng khoảng 250.000 tấn quả là một minh chứng.

Chia sẽ quan điểm trên, ông Trần Hữu Thắng, Giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Công nghiệp Tp Hồ Chí Minh nhấn mạnh kênh đào chính là khâu đột phá trong công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười nói chung và ở Tiền Giang nói riêng. Ông Thắng cũng cho biết, tính đến năm 2010, khu vực huyện Tân Phước (Tiền Giang) ngày nay đã có hơn 40 con kênh mới đào với tổng chiều dài trên 600 km phục vụ khai hoang sản xuất.

Ông Nguyễn Tấn Lực, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Tiền Giang lưu ý thành quả khai hoang Đồng Tháp Mười, đưa đến hình thành huyện mới Tân Phước giàu tiềm năng kinh tế là rất tốt, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân nhưng cần chú ý bảo vệ môi sinh môi trường đồng thời với tiếp tục đầu tư nâng chất lượng mạng lưới y tế, giáo dục chăm sóc sức khỏe và việc học hành, nâng cao dân trí trong khu vực.

Giáo sư TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long dự báo trong tương lai, với tiềm năng và lợi thế hiện có, Tân Phước sẽ là huyện có điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh theo hướng hiệu quả, chất lượng, cạnh tranh và kết nối với các hành lang phát triển kinh tế công - thương nghiệp – đô thị phía Nam. Để phát huy tốt tiềm năng đất đai, lao động miền đất mới thời gian tới, Tân Phước định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản hàng hóa hướng tới xuất khẩu như: khóm, thanh long; sản phẩm từ chăn nuôi trang trại...góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu hút lao động, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương./.

 

Minh Trí
Tin liên quan