Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Ong mật là loài có lợi hay có hại?
(Ngày đăng: 05/08/2014)

Theo Achim Steiner – Giám đốc điều hành chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cho biết hơn 70% cây trồng phụ thuộc vào tác nhân thụ phấn thì có đến 80% là do ong mật thụ phấn góp phần làm tăng sảng lượng và chất lượng cây trồng. Ong mật và họ hàng với ong mật đóng vai trò rất quan trọng trong “dịch vụ sinh thái “Ecosystem services” trong tự nhiên làm giúp cân bằng hệ sinh thái hạ thấp được quần thể côn trùng gây hại.
Ruộng lúa bờ hoa.

 

Kết quả của nghiên cứu về giá trị kinh tế tổn thất của nền nông nghiệp thế giới trước nguy cơ suy giảm côn trùng về côn trùng thụ phấn, nhất là ong mật thụ phấn do ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu đã được công bố trên tạp chí “Ecological Economics”. Các nhà khoa học của Pháp và Đức đã nghiên cứu thấy rằng giá trị kinh tế toàn cầu của việc côn trùng thụ phấn, hầu hết là ong, lên đến 153 tỷ bảng Anh năm 2005 đối với những loại cây trồng chính của thế giới. Con số này chiếm đến 9,5% tổng giá trị sản lượng lương thực nông nghiệp trên toàn cầu. Nghiên cứu cũng xác định rằng sự mất dần côn trùng, nhất là ong thụ phấn có thể gây ra tổn thất cho người tiêu dùng ước tính từ 190 đến 310 tỷ bảng Anh. Tại Hoa Kỳ, lợi ích từ ong mật thụ phấn cho cây trồng lên đến 15 tỉ USD hàng năm. Khoảng một phần tư lương thực thế giới phụ thuộc vào ong thụ phấn.

 

 

 

Theo nghiên cứu, sự suy giảm côn trùng thụ phấn có thể ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng (theo tổ chức lương thực thế giới FAO), hoa quả và rau màu bị ảnh hưởng nhiều nhất, lên đến 50 tỷ bảng Anh. Tại các nước có nền nông nghiệp phát triển như Đài Loan, Mỹ, Australia.... cứ đến mùa cây trái ra hoa, nông dân đã phải thuê những người nuôi đem đàn ong về để thụ phấn cho cây tại trang trại của mình, thường 1ha phải thuê 2-3 đàn ong, giá thuê bình quân 20-40 USD/đàn/tháng. Câu nói nổi tiếng của nhà bác học Albert Einstein “If the bee disappeared from the surface of the globe then man will only have four years of life lefttạm dịch “Nếu như ong mật bị biến mất trên mặt địa cầu này thì chỉ có bốn năm sau đó con người sẽ mất sự sống”

Ở Việt Nam, ong mật gồm có các loài chính như ong ngoại nhập Apis mellifera, ong nội địa Apis cerana, ong gác kèo A. dorsata ở rừng U Minh, ong ruồi A. florea, ong vú Trigona sp. Theo Hiệp hội ong mật Việt Nam, trong năm 2013 cả nước đã xuất khẩu được hơn 37,000 tấn mật ong đến các thị trường thế giới, trong đó xuất sang thị trường Hoa Kỳ khoảng 34,000 tấn (chiếm 95%). Đạt kim ngạch xuất khẩu trên 80 triệu USD. Đây là mức xuất khẩu cao nhất của ngành ong từ trước đến nay.

Trong thành phần của mật ong có nhiều hoạt chất khác nhau như vitamin B6, riboflavin, niacin, sắt, sodium, kẽm, calci, các loại axit amin, đường glucose, fructose... có khả năng giúp tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch. Từ xa xưa, mật ong đã ứng dụng rộng rãi trong việc điều trị bệnh. Ông cha ta đã dùng mật ong để chữa trị các vế thương và vết bỏng, làm dịu cổ họng. Đơn giản vì mật ong là một chất kháng khuẩn tự nhiên rất tốt, có khả năng ngăn chặn nhiều loại vi khuẩn phát triển nên có thể làm lành vết thương và giảm đau nhức.

Song  song với lợi ích của ong mật trong việc thụ phấn cây trồng, tăng năng suất hạt và quả, tạo ra hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, cũng như những sản phẩm lợi ích từ ong mật. Vừa qua, có những thông tin cho rằng ong mật là côn trùng môi giới mang nhện lông nhung gây ra sự phát tán bệnh chổi rồng trên nhãn cũng như trên ruộng lúa vào giai đoạn lúa trỗ, ong bám trên bông lúa để lấy phấn hoa làm thất thu năng suất lúa. Từ đó, nông dân đã không ngần ngại chi ra những khoản tiền lớn cho việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm tiêu diệt đàn ong nhằm bảo vệ vườn nhãn khỏi bị bệnh chổi rồng cũng như bảo vệ năng suất lúa. Để có một kết quả mang tính khách quan và khoa học, Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam phối hợp với trường Đại học Tiền Giang cùng với Chi cục Bảo vệ thực vật 7 tỉnh/thành vùng Đồng Bằng sông Cửu long (đã có công bố dịch chỗi rồng trên nhãn) tiến hành cuộc khảo sát “Tìm hiểu sự liên quan giữa ong mật, nhện lông nhung truyền  bệnh chổi rồng trên nhãn” và “Ảnh hưởng của ong mật lấy phấn hoa giai đoạn trỗ đến năng suất lúa”.

Nghiên cứu được thực hiện trên các vườn nhãn ở giai đoạn ra hoa và có bệnh chỗi tổng số hộ nông dân là 117 (vườn nhãn 79 hộ nông dân và thùng nuôi ong 38 hộ nông dân).

Phân bố địa bàn thu mẫu ong trên vườn nhãn tại 30 xã/thị trấn, 18 quận/ huyện thuộc 7 tỉnh. Ngoài ra, mẫu ong mật được thu tại các thùng nuôi ong ở 13 xã, 1 quận và 8 huyện của 7 tỉnh này để đếm số lượng nhện lông nhung trên cơ thể ong mật.

Tuổi cây nhãn dao động trong khoảng 4-25 tuổi, và được phân chia như sau: từ 4-10 năm tuổi chiếm 26%, 11-20 năm tuổi chiếm 60%, trên 20 năm tuổi chiếm 14%.

Qua kết quả phân tích cho thấy rằng tất cả 79 vườn nhãn được thu mẫu ong có tỷ lệ bông có tỷ lệ bệnh chổi rồng biến động từ 3-70%. Các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp có tỷ lệ bệnh cao lần lượt là:  20 - 60, 5 - 70 và 5 - 40%. Mật số nhện lông nhung (con) trên lá biến động từ 2 - 106 con, mật số trung bình con/lá: 45,7 con.

Số lượng mẫu ong thu thập trên các vườn nhãn là 3.945 con, số ong thu được cao nhất là 1.000 con ở tỉnh Tiền Giang, thấp nhất là 445 con ở tỉnh Hậu Giang, các tỉnh còn lại mỗi tỉnh 500 con. Kết quả phân tích trong phòng cho thấy chỉ phát hiện có 01 con nhện lông nhung bắt ong bằng vợt tại vườn nhãn (mẫu ở Đồng Tháp) trên tổng số 3.945 mẫu ong mật với xác suất là 0,0002. Điều này có nghĩa là cứ 10.000 con ong mật có khả năng tìm thấy 2 con nhện lông nhung, với xác suất này xãy ra trong tự nhiên là rất thấp không đáng kể. Tương tự 1.860 mẫu ong mật được thu thập từ các thùng nuôi ong được phân bố ở 13 xã; 09 quận/huyện thuộc 6 tỉnh/thành (riêng tỉnh Trà Vinh không thu được mẫu ở thùng ong vì không có nuôi ong) với số thùng nuôi ong được thu mẫu là 190 thùng ở 38 vườn nhãn khác nhau, số vườn nhãn này có tỷ lệ bông bị nhiễm bệnh chổi rồng biến động từ 2-35%, trong đó Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long. Trong 1.860 mẫu ong mật thu được từ các thùng nuôi ong, kết quả phân tích mẫu trong phòng không phát hiện bất cứ nhện lông nhung nào.

Tóm lại, với tổng số mẫu là 5.805 con ong mật được thu thập từ 2 nguồn là trên cây nhãn mang bông (3.945 con) và thùng nuôi ong (1.860 con), tất cả các vườn thu mẫu đều bị bệnh chổi rồng biến động từ 5-70%, số mẫu được phân bố trên phạm vi ở 7 tỉnh công bố dịch chổi rồng. Kết quả phân tích trong phòng chỉ tìm được 01 con nhện lông nhung trong tổng số 5.805 mẫu ong với xác suất là 0,00017. Điều này chứng tỏ rằng trong tự nhiên, khả năng ong mật mang nhện lông nhung làm lây lan bệnh chỗi rồng trên nhãn là rất khó xãy ra.

Đối với vấn đề ong mật hại lúa, thí nghiệm được thực hiện ở Tiền Giang nơi có nuôi đàn ong mật nhiều nhất, ngay thời điểm lúa trỗ, có rất nhiều ong mật tập trung trên hoa lúa để lấy phấn hoa với mật số biến động từ 200 đến 700 con trên mét vuông. Ở ruộng thí nghiệm được tiến hành 3 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức là 50 mét vuông (5x10m). Nghiệm thức 1: Có bao lưới vải màng nylon, nghiệm thức 2 hoàn toàn không phun thuốc, nghiệm thức 3: phun 3 lần thuốc cách nhau 3 ngày như Imidacloprid, Dragon để tiêu diệt ong. Thí nghiệm 3 lần nhắc lại cuối vụ thu hoạch mẫu so sánh năng suất (tấn/ha).

Kết quả: Ở nghiệm thức có bao vải màng năng suất bình quân là 6,750 t/ha, nghiệm thức không phun thuốc và không có bao vải màng là 6,825 t/ha, nghiệm thức có phun thuốc là 5,455 t/ha. Chênh lệch bình quân giữa nghiệm thức có phun thuốc và bao vải màng là 1,295 kg/ha và không phun thuốc (không bao vải màng) là 1,370 kg/ha. Điều này cho thấy nghiệm thức có bao vải màng có năng suất thấp hơn không bao là do thiếu ánh sáng, còn nghiệm thức phun thuốc lúc lúa trổ có năng suất thấp là do thuốc chứ không phải do ong mật, nghiệm thức để bình thường có năng suất cao nhất. Cũng từ thí nghiệm này, qua quan sát thự tế thấy rằng khi nắng lên lúa bung nhụy và đưa các bao phấn ra ngoài 2 vỏ trấu thì ong mật đến đeo và lấy phấn chứ không bao giờ chúng chui vào bên trong 2 vỏ trấu, không làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn và thụ tinh của hạt lúa.

Khái niệm “Dịch vụ sinh thái” đầu tiên được Daily (1997) đưa ra sau đó là “Công nghệ sinh thái” (Ecological Engineering) là một hướng đi mới cho việc quản lý dịch hại nông nghiệp. Khái niệm “Dịch vụ quy luật” (Regulating services) liên quan trực tiếp đến nông nghiệp bền vững gồm có sự thụ phấn, sự kháng lại dịch hại tấn công, phòng trừ sinh học tự nhiên, quy luật về sâu bệnh hại. Đa dạng hóa sinh học (Biodiversity) là nền tảng của “dịch vụ sinh thái” nó góp phần vào cung cấp lương thực thông qua cây trồng và đa dạng hóa về di truyền. Hơn nữa, “đa dạng hóa sinh học” thông qua chức năng hệ sinh thái góp phần vào “dịch vụ quy luật”, nếu như thiếu sự phong phú của các loài ong mật thì trực tiếp mất đi dịch vụ thụ phấn (pollination service). Trong quản lý dịch hại có hai chức năng quan trọng trong hệ sinh thái là sinh vật bắt mồi ăn thịt và ký sinh. Khái niệm “Dịch vụ sinh thái” đã được chấp nhận như là một cái sườn để nghiên cứu quản lý nguồn lực tự nhiên, nó là sự tổng hợp về sinh thái, xã hội và kinh tế trong sản xuất lương thực và là mục tiêu để bảo tồn chúng.

Từ vụ Đông Xuân 2009-2010, Trung tâm BVTV-PN kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học NN-MN, Sở NN&PTNT Tiền Giang đã thực hiện thành công 2 mô hình “Công nghệ sinh thái” dựa trên nền tảng cộng đồng nông dân để tiến hành “IPM”, “3 Giảm 3 Tăng”, “Gieo sạ đồng loạt và né rầy”, “Trồng những loài hoa có mật và phấn hoa trên bờ ruộng” tại hai huyện Cai Lậy và Cái Bè, mỗi mô hình là 50ha. Chọn 5 loại hoa có màu, có mật và phấn hoa, chịu sự dẫm đạp, chịu hạn, sức sống cao, ít chăm sóc và có thể cho hoa quanh năm để trồng trên bờ ruộng, dễ tái sinh: Hoa trâm ổi (Lantana camara), Đậu phộng dại (Arachis pintoi), Sao nhái (Cosmos bipinnatus cav), Xuyến chi (Bidens pilosa), Mè (Sesamum indicum). Quy trình ứng dụng “công nghệ sinh thái” đã được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế “IRRI” đánh giá cao; đồng thời đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT chính thức phát động áp dụng rộng rãi trong sản xuất lúa hiệu quả, bền vững tại các tỉnh, thành phía Nam, bắt đầu từ vụ Đông Xuân 2010-2011 (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng  chủ trì buổi lễ phát động được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang, ngày 10/9/2010).

Từ đó đến nay, đã có hơn 125 lượt mô hình với tổng diện tích ứng dụng là 4.240 ha tham gia 5.293 nông hộ (mỗi mô hình từ 10 ha đến 50 ha) thực hiện ở 22 tỉnh, thành phía Nam, ứng dụng nhiều nhất là ở An Giang và Tiền Giang. Mô hình “Công nghệ sinh thái” hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan rất đẹp trong nông thôn mới. Ở những khu vực ứng dụng chương trình này mà có nuôi ong mật thì ở bờ hoa và ruộng rất nhiều ong, sản lượng mật ong tăng lên rõ mà chưa có một mô hình nào đi phun xịt đàn ong khi lúa trổ hay nông dân phản ảnh nói rằng ong mật làm hư hại lúa.  

Tóm lại, đứng về khía cạnh BVTV thì ong mật là loài rất có ích, không có hại cho cây trồng, ong mật không phải là nguyên nhân làm giảm năng suất lúa, nó không phải là dịch hại. Do đó, cần có thông tin tuyên truyền phổ biến đến nông dân những kiến thức về lợi ích cũng như vai trò của ong mật và các loài ong nói chung trong tự nhiên, có chiến lược bảo vệ đàn ong là tác nhân thụ phấn rất quan trọng cho cây trồng, đồng thời làm phong phú các loài ong và các họ hàng của ong để tăng cường khả năng “Dịch vụ sinh thái” trong tự nhiên, góp phần tạo nên nền nông nghiệp bền vững, đa dạng hóa sinh học hỗ trợ được người dân nuôi ong mật.

 

Hồ Văn Chiến và Lê Quốc Cường - Trung Tâm Bảo Vệ Thực Vật Phía Nam
Tin liên quan