Trải qua gần 100 năm từ khi cây sơ ri bén rễ và phát triển trên vùng đất Gò Công (Tiền Giang), nghề trồng sơ ri ở vùng đất này có những lúc thịnh lúc suy chủ yếu do tác động của giá cả thị trường. Hiện nay, bà con nông dân trồng cây sơ ri vùng đất này lại đứng trước cơ hội mới về giá cả và khả năng tiêu thụ sản phẩm nhưng bên cạnh đó cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ. | |
Trải qua thời gian phát triển khá lâu nhưng nghề trồng sơ ri đặc sản ở Tiền Giang vẫn còn nhiều khó khăn. |
Mở ra cơ hội mới
Những năm trước đây, nông dân trồng sơ ri Gò Công chủ yếu canh tác dưới dạng nông hộ, quy mô nhỏ và trái sơ ri thu hoạch chủ yếu bán ra thị trường dưới dạng trái tươi phục vụ cho tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, một phần sơ ri của nông dân được thu mua độc quyền bởi Công ty TNHH Thịnh Phát để sơ chế trái tươi và chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản, Sin-ga-po, Hồng Kông…
Đầu năm 2014, Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Nichirei Suco Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) chính thức đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sơ ri xuất khẩu ngay trên vùng đất Gò Công đã mở ra cơ hội mới cho nông dân trồng loại cây đặc sản này. Để đáp ứng yêu cầu thu mua nguyên liệu khắt khe của Công ty Nichirei Suco buộc nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất cũ, sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật để tạo ra trái sơ ri chất lượng cao và đồng đều.
Ông Dương Văn Hoanh, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông cho biết, hiện nay nhiều nông dân nơi đây đã chuyển sang trồng sơ ri theo quy trình kỹ thuật của Nhật Bản để đáp ứng yêu cầu thu mua trái sơ ri nguyên liệu của Công ty thay vì sản xuất theo kiểu truyền thống như trước đây. Mặt khác, khi trồng sơ ri theo kỹ thuật canh tác của Nhật cũng cho trái sơ ri đồng đều hơn, chất lượng cao hơn và nhất là cung cấp trái sơ ri đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Theo ông Hoanh, khi nông dân trồng sơ ri đăng ký cung cấp trái sơ ri nguyên liệu thì công ty Công ty Nichirei Suco VN sẽ cho nhân viên kỹ thuật đến từng hộ nông dân hướng dẫn kỹ thuật từ khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao cho bảo đảm an toàn, hiệu quả. Vườn trồng sơri cũng phải được cắt tỉa thông thoáng, xung quanh vườn phải đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn sinh học. Hàng tuần, Công ty đều cho nhân viên đến ghi chép thông tin về chăm sóc, bón phân, xịt thuốc rất chi tiết.
Đại diện Công ty Nichirei Suco VN cho biết, hiện công ty thu sơ ri của nông dân qua đại lý với giá 4.300 đồng/kg, chất lượng trái thu mua tiêu chuẩn của Công ty. Quy trình canh tác sơ ri của Nhật cũng có những công đoạn, yêu cầu như đối với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. Đến thời điểm này, Công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ với 410 hộ trồng sơ ri trên diện tích khoảng 70 ha, chủ yếu tập trung ở xã Bình Ân và Tân Đông thuộc huyện Gò Công Đông.
Còn nhiều khó khăn
Qua thực tế sản xuất cho thấy, việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sơ ri của nông dân trong những năm qua còn nhiều khó khăn, cụ thể là giá cả bấp bênh, thu nhập của nông dân trồng sơ ri ngày càng thấp, từ đó nông dân không quan tâm chăm sóc dẫn đến chất lượng không ổn định, năng suất giảm… . Cũng chính vì vậy mà những năm gần đây diện tích trồng cây sơ ri ở vùng đất Gò Công này ngày càng hẹp lại. Số liệu thống kê gần đây cho thấy diện tích trồng sơ ri trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 300 ha với sản lượng trên 6.000 tấn, tức là đã giảm hơn phân nửa so với thời “hoàng kim” của cây sơ ri.
Ông Nguyễn Thanh Sang, nông dân trồng sơ ri ở xã Long Thuận, TX Gò Công cho biết tâm tư: Mặc dù gia đình thừa hưởng vườn sơ ri gần 5.000m2 của ông bà để lại nhưng thu nhập từ cây sơ ri rất bấp bênh nên việc đầu tư, chăm sóc cho vườn sơ ri không được chú trọng. Những năm qua, giá sơ ri có lúc lên tới trên 4.000 đồng/kg, việc thu hoạch sơ ri đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, tuy nhiên thời gian dài giá sơ ri nằm ở mức thấp, thậm chí có lúc giá sơ ri chỉ vào trăm đồng mỗi kg, không đủ trả tiền công hái.
Theo bà Châu Thị Tuyết, Chủ nhiệm HTX Sơ ri Gò Công (xã Long
Nguyên nhân là do trước đây việc tiêu thụ sơ ri của nông dân ở TX Gò Công và huyện Gò Công Đông chỉ do Công ty TNHH Thịnh Phát đóng trên địa bàn TX Gò Công thu mua nên sơ ri chỉ có một mức giá. Sau khi Công ty Nichirei Suco Việt Nam đi vào hoạt động thì Công ty này chỉ thu mua sơ ri nguyên liệu ở khu vực huyện Gò Công Đông với giá 4.700 đồng/kg, rồi xuống 4.300 đồng/kg đến nay.
Còn đối với Công ty TNHH Thịnh Phát, gần đây chỉ thu mua sơ ri của nông dân khi có đơn đặt hàng nên số lượng thu mua rất hạn chế, giá cả lại thấp hơn, dẫn đến nông dân trồng sơ ri ở TX Gò Công gặp khó khăn. Trước tình hình này, lãnh đạo TX. Gò Công và xã Long Thuận đã đến Công ty Nichirei Suco VN để đặt vấn đề hợp đồng tiêu thụ sơ ri cho HTX sơ ri Gò Công nhưng phía công ty từ chối do lo ngại không tiêu thụ hết và cho biết từ năm 2015 mới nâng sản lượng thu mua khi công ty đi vào hoạt động ổn định.
Dù vậy, trên thực tế các đại lý của Công ty Nichirei Suco VN lại thu mua sơ ri trực tiếp của nông dân. Do đó, hiện nay thực chất HTX gần như không còn xã viên nửa, bởi hầu hết các xã viên ký hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với Công ty Nichirei Suco VN mà không thông qua HTX.
Theo ngành nông nghiệp Tiền Giang, sơ ri Gò Công đã được tỉnh xác định là một trong bảy loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Tiền Giang. Trái sơ ri ở vùng đất mặn Gò Công này được thiên nhiên ưu ái ban tặng đầy đủ hương vị đặc sắc của trái sơ ri mà không vùng đất nào có thể so sánh được. Do đó, sơ ri cũng được xem là một trong những loại cây ăn trái đặc sản của địa phương, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn đầy tiềm năng để phục vụ chế biến xuất khẩu. Đến năm 2015, tỉnh phấn đấu mở rộng diện tích trồng sơ ri lên trên 500 ha, sản lượng đạt trên 10.000 tấn/năm.