Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
“Doanh nghiệp Việt nên học Philippines”
(Ngày đăng: 01/08/2014)

Trao đổi với phóng viên đài truyền hình Đồng Nai trong một cuộc phỏng vấn mới đây qua điện thoại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chỉ ra nhiều bài học và hướng đi trong việc hạn chế sự phụ thuộc về kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

 

Điều bà Lan nhấn mạnh trong cuộc trao đổi này, bên cạnh sự điều chỉnh chính sách của Chính phủ về nhiều mặt, thì điều quan trọng là tâm thế và sự chủ động của mỗi doanh nghiệp. Website BSA xin đăng nguyên văn cuộc trao đổi.

PV: Thưa bà, nếu trong thời điểm hiện nay chúng ta đặt vấn đề “hạn chế sự phụ thuộc của Việt Nam đối với Trung Quốc về mặt kinh tế”, là một chuyên gia kinh tế lâu năm, bà nghĩ như thế nào, đặc biệt là về góc độ luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế? 

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ ngay trong điều kiện bình thường thì Việt Nam cũng phải thường xuyên rà soát lại quan hệ kinh doanh, quan hệ kinh tế nói chung giữa nước mình với các nước khác nhau. Đồng thời điều chỉnh những bước đi cần thiết để tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế, cũng như tranh thủ những lợi ích lớn hơn cho bản thân mình.  

Riêng trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc thì Việt Nam đã rơi vào tình trạng bị lệ thuộc về một số mặt. Đặc biệt trong quan hệ xuất – nhập khẩu và đầu tư theo nghĩa giao cho Trung Quốc rất nhiều dự án quan trọng của Việt Nam, kể cả những dự án không hoàn toàn thu hút đầu tư vốn nước ngoài mà sử dụng vốn của Việt Nam đã có, hoặc các nguồn vốn ODA tài trợ cho Việt Nam. Và điều này rất cần điều chỉnh. Trong điều kiện bình thường cũng cần điều chỉnh. Trong điều kiện căng thẳng của biển Đông hiện nay thì việc điều chỉnh càng cần thiết hơn.  

Có những việc cần làm. Thứ nhất là về xuất khẩu: Việt Nam nên tích cực tìm kiếm thêm những thị trường mới để có thể bán hàng của mình. Lâu nay những hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những hàng về nguyên liệu và nông sản, thì Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc với một mức độ rất lớn. Xuất khẩu nguyên liệu nói chung tương đối dễ. Như khoáng sản xuất thô rất nhiều và có rất nhiều nước muốn mua, nên Việt Nam có thể tìm thị trường khác. Nếu như chưa có thị trường khác thì Việt Nam cũng nên hạn chế việc khai thác khoáng sản và bán thô như hiện nay. Vì bán thô là thua thiệt rất nhiều cho nền kinh tế và không có được tài nguyên để cho những lúc sau này – khi Việt Nam có điều kiện tốt hơn, có thể khai thác và mang lại giá trị gia tăng cao hơn hoặc là phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của các ngành công nghiệp của chính bản thân mình. 

Về nông sản, cách quan trọng nhất là hiện nay, Việt Nam phải làm sao để tăng cường được chất lượng của các mặt hàng nông sản, có thể chế biến hoặc tăng thêm về chất lượng cho đạt với yêu cầu với các thị trường khác. Tôi nghĩ riêng về việc xuất khẩu nông sản, chúng ta nên học bài học của Philippines. Cách đây 2 năm, khi nước này bị Trung Quốc ép bằng cách không mua chuối của Philippines nữa, thì người dân Philippines đã chuyển rất mạnh sang thị trường khác (như Hoa Kỳ, Nhật Bản…). Các thị trường khác đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng và khi Philippines tập trung vào chất lượng thì kết quả cuối cùng là không những họ xuất khẩu được nhiều hơn mà thu nhập cao hơn đáng kể so với xuất sang Trung Quốc. Việt Nam nên học cách đó.  

Thứ hai là về nhập khẩu. Việt Nam nhập rất nhiều từ Trung Quốc các mặt hàng mang tính nguyên liệu hoặc phụ liệu, các sản phẩm trung gian cho các ngành của mình, kể cả cách ngành kinh tế nội địa cũng như ngành xuất khẩu. Về mặt này, Việt Nam rất cần phải thực hiện chương trình đã đề ra từ lâu là phát triển công nghiệp phụ trợ. Chúng ta đề ra chính sách lâu rồi nhưng trên thực tế chưa có những chính sách thật cụ thể để thực sự khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, hoặc nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư cho các ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam. Bây giờ chúng ta phải làm liền việc này để giảm dần sự phụ thuộc đầu vào từ Trung Quốc đối với tất cả các mặt hàng. 

Tôi cũng xin nói thêm là có nhiều người lo lắng. Đối với một số dự án đầu tư nước ngoài của các công ty đa quốc gia, thì có lẽ cũng không quá lo cho họ. Bởi vì các công ty đa quốc gia như Samsung, hoặc các hãng lớn làm đồ điện tử… nhập các đầu vào từ Trung Quốc và lắp ráp cho các dự án của họ tại Việt Nam. Họ là các công ty đa quốc gia và quen theo cách tổ chức sản xuất theo chuỗi (trong đó có một số sản phẩm đặt ở nước này, một số sản phẩm đặt ở nước khác, và khâu lắp ráp cuối cùng có thể ở một nước khác). Ở đây họ cũng có vị thế để mặc cả với các nơi cung cấp, chứ không phải dễ dàng có thể chèn hoặc gây khó cho họ được. 

Nhưng phần các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu để rồi xuất khẩu thì có thể gặp khó khăn. Như đối với ngành hàng dệt may, da giầy, vốn lâu nay đã phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung Trung Quốc. Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam cần sớm đưa ra những chính sách để thật sự hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Và tôi tin, vào lúc này nền kinh tế Việt Nam cũng đã có sự trưởng thành nhất định, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã ở tư thế sẵn sàng hơn cho những đầu tư vào các ngành mới, như công nghiệp hỗ trợ, chứ không chỉ là những công việc đầu cuối như gia công hay lắp ráp để xuất khẩu.  

Một khía cạnh khác, ngoài vấn đề xuất – nhập khẩu, mà Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc, chính là các dự án tổng thầu. Đây không thực sự là đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Vì với tư cách đầu tư nước ngoài, Trung Quốc có thị phần tương đối nhỏ ở Việt Nam. Hiện nay, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam trong các dự án đầu tư theo dạng FDI không nhiều, cỡ khoảng 7 tỷ USD. Nhưng Trung Quốc lại là người thắng thầu trong các dự án làm tổng thầu ở Việt Nam. Trong các dự án tổng thầu đó, lợi thế chính của Trung Quốc là thường bỏ thầu với giá rẻ và được phía Việt Nam chấp nhận. Nhưng trên thực tế thì rất nhiều dự án của Trung Quốc lại bị kéo dài về thời gian, kéo dài về tiến độ. Và như vậy, giá dần dần tăng lên và tăng cao hơn rất nhiều so với giá của các đối thủ khác đã chào hàng. Vấn đề chính là Việt Nam phải điều chỉnh lại cách bỏ thầu của mình. Hiện nay luật đấu thầu mới của Việt Nam đã chuyển theo cách tập trung coi yêu cầu số một là những người bỏ thầu phải đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật, về mặt công nghệ; thứ hai mới là yêu cầu về giá cả. Nếu xét theo đúng quy định như vậy, tôi tin Việt Nam có thể điều chỉnh để chọn được những nhà thầu tốt hơn, có chất lượng hơn Trung Quốc, để có thể đảm bảo được các yêu cầu về kỹ thuật, tính hiệu quả về kinh tế nói chung đối với tổng thể các dự án ở Việt Nam. 
 
Mặt khác, cũng nên khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia các dự án thầu đó, không nhất thiết cái gì cũng bỏ thầu thành những gói thầu lớn và dành tất cả cơ hội đó cho nhà đầu tư nước ngoài mà nên để cho các doanh nghiệp trong nước tham gia. Ví dụ bằng cách đưa ra yêu cầu ràng buộc sử dụng nhân công trong nước đến đâu, trong nước có thể cung cấp được đến đâu cho các gói thầu đó… Cách này có thể cải thiện được chất lượng của các dự án thầu, vừa có thể tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các dự án quan trọng và góp phần phát triển đất nước. 

PV: Đối với những khó khăn của nông sản Việt Nam hiện nay (như khi hàng của Việt Nam xuất nhiều sang Trung Quốc, trong khi Trung Quốc không có nhu cầu hoặc họ vì một vấn đề nào đó mà ngưng không nhập hàng nữa, làm các nhà sản xuất nông sản Việt Nam không trở tay kịp), phải chăng vấn đề giao dịch biên giới nói riêng và giao dịch thương mại nói chung giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có những quy định, luật lệ ký kết thống nhất với nhau? 

Bà Phạm Chi Lan: Trước hết là về khuôn khổ chính sách hoặc quan hệ giữa hai nhà nước với nhau. Xem xét rà soát mối quan hệ, chúng ta có nhiều trường hợp không đưa ra được những quy định chặt chẽ để giúp chính quyền hai bên có thể kiểm soát được. Và chúng ta thường rơi vào thế bị động: khi nào Trung Quốc tạo thuận lợi thì hàng Việt Nam xuất được, khi nào họ cố tình gây khó như đưa ra những vấn đề về hàng rào kỹ thuật thì chúng ta chịu thua.  

Tôi nghĩ, ngoài việc trong quan hệ chính thức, chúng ta không đưa ra đủ các công cụ và không đấu tranh đủ để bảo vệ lợi ích cho mình, thì còn có một mặt khác nữa là, trong quan hệ với Trung Quốc, nhiều khi các doanh nghiệp Việt Nam thiếu tỉnh táo, kể cả Chính phủ nhiều khi cũng ở thế bị động, để cho họ gây ra những tình huống (đôi khi tôi nghĩ đó là những cái bẫy), những thủ thuật của họ mà chúng ta không đủ sức chống lại. Và vì vậy không bảo vệ được lợi ích chính đáng các ngành xuất khẩu của mình.  

Ngoài ra trong quan hệ buôn bán, chúng ta còn để cho quan hệ xuyên biên giới (quan hệ không chính thức) chi phối nhiều. Trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, phần đi qua biên giới một cách không chính thức (tiểu ngạch, biên mậu) chiếm một thị phần lớn. Đây cũng chính là phần khó kiểm soát nhất, gây ra thua thiệt cho Việt Nam về mặt sản xuất và xuất khẩu. Kể cả việc thương lái Trung Quốc sang và mua những mặt hàng rất khó hiểu, thực chất là mang tính chất phá hoại đối với nền kinh tế, như mua rễ cây/sừng – móng trâu bò… Mặt khác, hệ thống buôn bán giữa hai bên có một phần đáng kể không đưa được vào con đường chính thức mà để thông qua quan hệ mang tính chất tiểu ngạch, gây thất thu thuế cho ta.  

Về nhập khẩu, cũng trong buôn bán qua biên giới, nhiều khi chúng ta để cho các hàng chất lượng kém từ Trung Quốc vào, thậm chí hàng có những nhân tố độc hại. Như trong thời gian gần đây, các cơ quan nhà nước đã phát hiện ra các lô hàng lớn về các loại rau củ quả Trung Quốc có các hóa chất bảo quản và có tiềm năng gây ra ung thư. Vậy mà chúng ta vẫn để lọt qua biên giới. Đây là điều chúng ta rất cần kiểm soát lại. Mặc dù hai nước chung biên giới với nhau, nhưng các nước khác có chung biên giới cũng vẫn có thể buôn bán với nhau một cách đường đường chính chính chứ không chỉ buôn bán tiểu ngạch hay gây khó cho nhau.
 
PV: Khi đặt ra vấn đề “giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc”, nếu chúng ta thực hiện nhanh quá và đột ngột, sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Việt Nam, cũng như doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt khi thay đổi như vậy, theo bà, chúng ta nên đi theo hướng nào, và bắt đầu từ sự điều chỉnh về pháp lý hay thay đổi hẳn sang thị trường khác (trong khi việc buôn bán với Trung Quốc diễn ra từ lâu và đã trở thành một đối tác truyền thống, mặc dù theo nghĩa hết sức khó khăn, bị động cho Việt Nam)? 

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đến mức độ như hiện nay, nhiều khi không phải là một tính toán, hoặc là một chiến lược đầy đủ của Việt Nam từ ban đầu, mà là cả quá trình phát triển, nhiều khi nó tự phát và mình không điều chỉnh được kịp thời. Mặt khác, cũng có những dự án (của nhà nước, của các nhà đầu tư lớn) bị rơi vào tay Trung Quốc nhiều quá. Làm tổng thầu chính là trách nhiệm rất lớn của các cơ quan nhà nước hoặc của các đơn vị được nhà nước giao cho đầu tư đã không quan tâm đầy đủ đến các khía cạnh quan trọng khác của nền kinh tế. Tôi nghĩ các cơ quan nhà nước cần chủ động điều chỉnh và chúng ta đã bước đầu điều chỉnh bằng luật.  

Luật đấu thầu được Quốc hội thông qua vào cuối năm ngoái – tức là trước khi xảy ra những tình hình phức tạp như biển Đông hiện nay. Tôi nghĩ đây là một điều đúng đắn và Việt Nam điều chỉnh Luật đấu thầu này để làm sao cho nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển đúng hướng hơn và phù hợp với yêu cầu Việt Nam đang hội nhập quốc tế như tham gia TPP với những yêu cầu phải mở ra khu vực mua sắm công. 

Tôi nghĩ việc chủ động điều chỉnh như vậy mang ý nghĩa tích cực và hoàn toàn không gây ra khó khăn gì cho Trung Quốc về nguyên tắc. Tức là không phải đặt ra vấn đề Việt Nam tự nhiên quay lại và tẩy chay Trung Quốc. Miễn là các công ty Trung Quốc đạt được các yêu cầu chặt chẽ của luật pháp Việt Nam, thì họ vẫn có thể trúng thầu được. Là hai nước cạnh nhau, bản thân Trung Quốc cũng là một cơ hội rất lớn nếu Việt Nam đặt quan hệ một cách đúng mức. Không để lệ thuộc, nhưng tính tùy thuộc lẫn nhau thì vẫn có thể có trong quan hệ thương mại hoặc quan hệ hợp tác kinh tế trên thế giới hiện nay giữa các quốc gia với nhau.  

Nói chung, Việt Nam đã tham gia WTO, cũng như tham gia nhiều hiệp định mậu dịch tự do, trong đó có những hiệp định mà Trung Quốc là một thành viên. Ví dụ như cơ chế ASEAN + Trung Quốc, đang phát triển thành khu vực thương mại RCEP giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác với cơ chế tự do hóa dần. Vấn đề chính là Việt Nam không đưa ra những gì mới để phân biệt đối xử với Trung Quốc, nhưng Việt Nam phải điều chỉnh để làm sao quan hệ với các nước khác được cân bằng hơn và tranh thủ được lợi ích tốt hơn của quá trình hội nhập, kể cả trong quan hệ với Trung Quốc.  

Tôi nghĩ với điều kiện như vậy và làm một cách chính đáng, thì Việt Nam không sợ đụng tới những vấn đề pháp lý trong việc điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc. Trước nay không hề có một văn bản pháp lý nào của Việt Nam ràng buộc Việt Nam phải mua hàng Trung Quốc với mức độ này, phải xuất khẩu sang Trung Quốc mặt hàng kia. Nhưng thực tế diễn ra, và chúng ta không kiểm soát được. Bây giờ chúng ta phải kiểm soát và sắp xếp các quan hệ đối ngoại của mình cho tốt hơn, nó sẽ dẫn đến việc chúng ta đỡ bị lệ thuộc Trung Quốc và tăng cường được lợi ích của nền kinh tế. 

Tôi nghĩ điều này hoàn toàn có thể làm được. Cũng không ngại về phía Trung Quốc có thể phàn nàn gì. Vì thực ra lâu nay trong quan hệ, họ đã giành được rất nhiều lợi ích và họ cũng sẽ phải thấy quan hệ kinh tế hai bên chỉ có thể phát triển tốt được nếu như đảm bảo đôi bên cùng có lợi. Tôi nghĩ đó là điều thiết yếu.  

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, tôi cho rằng không nên e ngại các điều chỉnh đột ngột bởi vì chúng ta đâu có điều chỉnh điều gì đột ngột. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thấy là khi mình để lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định, dù là thị trường nào, thì cũng có những lúc mình bị bất lợi.  

Ví dụ như về nông sản, để như hiện nay xuất khẩu 30% trái cây sang Trung Quốc, thì rõ ràng bất lợi thuộc về mình. Chúng ta nên học cách như của Philippines. Phải biết chủ động để có thể phát triển được các thị trường khác, và nếu các thị trường khác khó tính hơn, thì mình phải nâng cấp sản phẩm của mình lên, mình sẽ bán được với điều kiện có lợi hơn dù trước mắt có một số khó khăn.  

Mặt khác, hiện nay cả nước đang trong giai đoạn tái cơ cấu kinh tế, trong đó đòi hỏi tất cả các ngành và từng doanh nghiệp phải hướng về hiệu quả, về chất lượng, về năng lực cạnh tranh, về năng suất lao động. Bởi vì việc tái cơ cấu đòi hỏi tất cả doanh nghiệp đều phải điều chỉnh để tự nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này giúp họ với sang nhiều thị trường khác nhau, chứ không nhất thiết là Trung Quốc. Đồng thời họ sẽ nâng được năng lực của mình để thay thế bớt cho việc phải nhập khẩu quá nhiều những sản phẩm từ bên ngoài, mà nhiều khi những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc cũng không phải là những cái quá khó, quá cao cấp đến mức người Việt Nam không tự sản xuất được.  

Đây là cơ hội cho bản thân doanh nghiệp và các ngành để điều chỉnh mình theo tinh thần chung, theo định hướng chung về tái cơ cấu kinh tế mà mình đã đưa ra.

 

Theo: tiasang.com (BSA ghi)
Tin liên quan