Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Triển khai mô hình Bác sĩ gia đình tại Tiền Giang
(Ngày đăng: 14/07/2014)

Theo Thông tư 16/2014/TT- BYT do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký ngày 22/5/2014, từ ngày 15/7/2014, 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang sẽ triển khai thí điểm mô hình Bác sĩ gia đình. Đây là những địa phương đầu tiên áp dụng thí điểm mô hình Bác sĩ gia đình, trong đó thực hiện khám cho cả người có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT).
Phòng khám Bác sĩ gia đình - ảnh minh họa.

 

Bác sĩ gia đình sẽ giúp giảm quá tải bệnh viện, người dân đặc biệt là người dân có tham gia BHYT sẽ hài lòng hơn vì không chỉ được bác sĩ được đào tạo chuyên ngành Y học Gia đình khám chữa bệnh mà còn được tư vấn và quản lý sức khỏe lâu dài.

Thông tư hướng dẫn thí điểm về Bác sĩ gia đình và phòng khám Bác sĩ gia đình mà Bộ Y tế vừa ban hành còn quy định rõ: Bác sĩ gia đình là người được cấp chứng chỉ hành nghề, khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình.

Bác sĩ gia đình có nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục, lồng ghép và phối hợp cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; tư vấn sức khỏe, phòng bệnh, phòng chống các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe nhằm nâng cao năng lực của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong việc tự bảo vệ và nâng cao sức khoẻ và các nhiệm vụ khác phù hợp với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề.

Phòng khám Bác sĩ gia đình phải có hồ sơ quản lý toàn diện về sức khỏe của cá nhân, hộ gia đình; có trách nhiệm giữ bí mật thông tin cá nhân của người đăng ký quản lý sức khỏe theo quy định của pháp luật.

Thông tư này cũng quy định cụ thể điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề Bác sĩ gia đình đối với người Việt Nam, người nước ngoài.

Theo quy định của Bộ Y tế, phòng khám Bác sĩ gia đình có thể là phòng khám tư nhân độc lập do cá nhân Bác sĩ gia đình thành lập và đăng ký hoạt động; có thể thuộc phòng khám đa khoa công lập hay tư nhân và các Trạm Y tế.

Nếu phòng khám là của cơ sở công lập thì giá dịch vụ khám chữa bệnh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị tư nhân được quyền quyết định giá nhưng phải niêm yết công khai. Phòng khám cũng được phép thực hiện việc khám, chữa bệnh BHYT.

Đề án Bác sĩ gia đình là một trong những hoạt động Bộ Y tế kỳ vọng giúp giảm tải tại các bệnh viện. Hệ thống phòng khám này cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

*  Tiền Giang triển khai mô hình “Bác sĩ gia đình” như thế nào?

Từ ngày 15/7/2014, Sở Y tế Tiền Giang sẽ triển khai thí điểm mô hình “Bác sĩ gia đình” theo Thông tư 16 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện mô hình Bác sĩ gia đình.

* Khi nào “Bác sĩ gia đình” ở các phòng khám này bắt đầu hoạt động?

- Đối với những bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề Bác sĩ gia đình và đã được cấp giấy phép hoạt động thì bắt tay làm ngay, không phải tập huấn nữa.

- Đối với những bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề Bác sĩ gia đình và chưa được cấp giấy phép hoạt động thì Sở Y tế sẽ phối hợp với Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức khóa tập huấn chuyên sâu về “Bác sĩ gia đình” từ cuối tháng 7 đến tháng 11/2014.

Sau khi tập huấn chuyên ngành Y học Gia đình, Sở Y tế sẽ xem xét cấp phép hoạt động cho các bác sĩ đủ điều kiện. Tiếp theo, Ngành sẽ triển khai điểm để rút kinh nghiệm rồi nhanh chóng nhân ra khắp tỉnh. Quan điểm của Ngành là triển khai chắc để đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khoẻ cộng đồng sau đó sẽ nhanh chóng rút kinh nghiệm để nhân rộng toàn tỉnh.

Mục tiêu của Ngành khi triển khai mô hình này là can thiệp quyết liệt để sớm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở - bao gồm các phòng khám đa khoa tuyến huyện, khu vực và nhất là các Trạm y tế xã, phường có đủ điều kiện và nhân lực và trang thiết bị. Từ đó, chắc chắn sẽ giải được bài toán khó hiện nay, đó là tình trạng quá tải tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh.

- Dự kiến đầu tháng 1/2015, sau khi đã hoàn tất việc ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang, Ngành sẽ triển khai mô hình thí điểm tại các Phòng khám đa khoa và Trạm Y tế đã được cấp trên phê duyệt, bao gồm Phòng khám đa khoa TTYT Gò Công Đông, Trạm y tế phường 2 và Phòng khám đa khoa Dân An tại TP Mỹ Tho.

Tiếp theo là Phòng khám đa khoa Thủ Khoa Huân ở thị xã Gò Công và các Phòng khám đa khoa khác tại các địa phương đang xảy ra hiện tượng quá tải khám chữa bệnh BHYT.

Bên cạnh đó, Ngành sẽ yêu cầu các Phòng khám đa khoa còn lại, cả công lập và ngoài công lập tích cực chuẩn bị cơ sở phòng ốc, trang thiết bị và nhất là bác sĩ chuyên khoa Y học Gia đình để tham gia triển khai diện rộng khắp tỉnh, nhằm nhanh chóng đem dịch vụ y tế tiên tiến phục vụ sức khoẻ người dân.

*  Xin nói rõ hơn về mô hình “Bác sĩ gia đình” tại Phòng khám đa khoa?

- Phòng khám đa khoa thực hiện mô hình “Bác sĩ gia đình” là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân ở địa phương, tương đương bệnh viện tuyến huyện vì có đầy đủ trang thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị tương đương bệnh viện tuyến huyện.

Tuy nhiên, cái hay của “Bác sĩ gia đình” là người bệnh ngoài việc được khám chữa bệnh như các Phòng khám đa khoa hiện nay, còn được bác sĩ  chuyên ngành Y học Gia đình quản lý thông tin sức khỏe toàn diện như: nhóm máu, các bệnh mà bệnh nhân từng mắc, tiền sử bệnh, các kết quả xét nghiệm, bệnh lý của gia đình, quá trình sử dụng thuốc, dị ứng thuốc và có thể đến nhà khám chữa bệnh cho bệnh nhân nếu người nhà yêu cầu.

Theo kinh nghiệm của thế giới, mô hình “Bác sĩ gia đình” đem lại hiệu quả chăm sóc sức khỏe cao nhất mà ít tốn kém nhất.

Qua mô hình này, điều quan trọng nhất là người dân được chăm sóc sức khỏe có chất lượng cao nhất so với các mô hình đã và đang áp dụng trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, lại còn giúp giảm tình trạng quá tải ở tuyến trên và còn giúp giảm nguy cơ “thủng” quỹ BHYT!

* Điều mà người bệnh băn khoăn nhất có lẽ là chi phí khám chữa bệnh của mô hình “Bác sĩ gia đình”. Theo Thông tư 16, người bệnh được BHYT thanh toán, cụ thể là như thế nào?

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với phòng khám Bác sĩ gia đình:

a) Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT: Áp dụng theo quy định của Luật BHYT. Người có thẻ BHYT sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức quy định của pháp luật về BHYT, phần chênh lệch giữa chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và mức thanh toán của quỹ BHYT do người bệnh tự thanh toán cho phòng khám.

b) Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có BHYT:

- Phòng khám Bác sĩ gia đình của Nhà nước: áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Phòng khám Bác sĩ gia đình tư nhân: được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Ví dụ: Đối với Phòng khám đa khoa có triển khai mô hình Bác sĩ gia đình, BHYT thanh toán tiền công khám 5.000 đồng/lần, còn phòng khám thực hiện mô hình bác sĩ Gia đình - cả công lập và tư nhân- có giá dịch vụ khám chữa bệnh theo y học gia đình là 20.000 đồng/lần thì bệnh nhân chỉ trả thêm 15.000 đồng/lần để được khám và hưởng đầy đủ dịch vụ Bác sĩ gia đình và quyền lợi BHYT.

* Có nhiều người thắc mắc “Bác sĩ gia đình” có sẵn sàng đến nhà khám cho bệnh nhân?

- Những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt có thể yêu cầu bác sĩ phòng khám đa khoa nơi bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cử bác sĩ đến tận nhà khám. Tuy vậy, đây không phải là họat động bắt buộc của mô hình, do vậy thường khi yêu cầu dịch vụ này, gia đình phải trả thêm chi phí thực tế. Chi phí này do các đơn vị quy định và báo trước cho gia đình.

 

Ts Bs Nguyễn Hùng Vĩ - PGĐ Sở Y tế Tiền Giang
Tin liên quan