Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Lợi ích lớn từ mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh lúa chất lượng cao
(Ngày đăng: 08/07/2014)

Thâm canh lúa theo khoa học chính là con đường ngắn nhất để nông dân khắc phục được những hạn chế trong quá trình sản xuất, nâng được lợi nhuận và bà con có cuộc sống ổn định hơn trong điều kiện và hoàn cảnh nhiều khó khăn về thị trường, giá cả lâu nay hay đưa đến điệp khúc “được mùa, mất giá”. Triệt để áp dụng mô hình ba giảm, ba tăng và các tiến bộ khoa học mới là cách làm hay của ông Trần Văn Lập, một nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, Tiền Giang đang canh tác 2,8 ha đất quay vòng 3 vụ sản xuất/ năm.

Quê ông nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, điều kiện canh tác gặp rất nhiều khó khăn, nhất là phải đối mặt lũ lụt đe dọa hàng năm. Những năm lũ lụt lớn trước đây, thiệt hại đến sản xuất và đời sống rất lớn. Cuộc sống người dân sở tại hết sức vất vả. Để khắc phục khó khăn trên, ngoài việc thực hiện chủ trương Nhà nước “chung sống với lũ” theo hướng bố trí lại hợp lý về mùa vụ sản xuất để né lũ gây hại cho lúa vụ ba trong năm, ông Lập còn tham gia nhiều lớp tập huấn kiến thức thâm canh theo khoa học với những tiến bộ mới ứng dụng hiệu quả vào sản xuất: IPM, ba giảm ba tăng, bón phân theo bảng so màu lá lúa...

Cụ thể, ông thay đổi tập quán sản xuất, không dựa vào kinh nghiệm cổ truyền mà thay vào đó áp dụng triệt để các tiến bộ kỹ thuật được cán bộ khoa học chuyển giao. Đó là xuống giống theo lịch thời vụ né rầy gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa, sử dụng công cụ sạ hàng và sạ thưa theo hướng giảm lượng giống, bón phân theo qui trình đã được hướng dẫn và dùng phổ biến các loại phân đạm, DAP, kali với mức độ vừa phải thay cho sử dụng các loại phân NPK trộn sẵn khác. Cách bón phân như thế giảm được chi phí đồng thời còn điều chỉnh được nồng độ, tỉ lệ phân phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa trong đó phân đạm bón đúng theo bảng so màu lá lúa.

Đặc biệt, theo ông, qui trình canh tác khoa học ba giảm ba tăng mang lại cho nông gia nhiều mối lợi lớn. Đó là tiết kiệm được lượng giống, ít sâu bệnh, lúa ít đổ ngã, ít tốn phân bón, giảm được nhiều chi phí trong khi chất lượng lúa khi thu hoạch rất tốt, chắc hạt và hạt tốt được thương lái ưa chuộng để mua. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất còn phải quan tâm các khâu vệ sinh đồng ruộng, san phẳng mặt ruộng, bắt và thu gom ốc bươu vàng, dùng giống xác nhận,...Cách làm trên được ông thực hiện thành công trong nhiều năm nay. Cụ thể trong năm vừa qua, ông quay 3 vòng lúa năng suất cao: vụ đông xuân, vụ hè thu sớm, vụ hè thu chính vụ với kết quả rất mỹ mãn. Trong vụ đông xuân ông đạt năng suất 10 tấn/ ha, sản lượng thu hoạch 28 tấn lúa hàng hóa, bán với giá 4.3550 đ, thu gần 122 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 85 triệu đồng. Vụ hè thu sớm năng suất đạt 7,6 tấn/ ha, sản lượng trên 21 tấn, bán giá 4.200 đ/kg thu trên 89 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 47 triệu đồng. Vụ hè thu chính vụ, ông đạt năng suất 7,6 tấn lúa tươi, sản lượng trên 21 tấn, bán giá 4.200 đ/kg, thu được trên 89 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí còn lãi trên 47 triệu đồng.

Tổng cộng qua ba vụ sản xuất liên tiếp trong năm, ông Trần Văn Lập đạt giá trị sản xuất trên 300 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí cần thiết, ông còn lãi trên 180 triệu đồng. Nói về hiệu quả sản xuất, ông Trần Văn Lập không giấu niềm hãnh diện về thành tựu thu được từ sự nhạy bén, năng động của một nông gia Đồng Tháp Mười. Ông bảo: Ngày nay, nông dân không thể không đoạn tuyệt với tập quán canh tác cũ đã lỗi thời, lạc hậu thay vào đó cần học tập cách tổ chức sản xuất theo khoa học mang lại hiệu quả cao về kinh tế vừa giảm được những nguy cơ ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.  Ông cũng cho hay, với sự thành thạo về kỹ thuật canh tác, thâm canh theo khoa học nhiều năm nay, ông rất tự tin trước viễn cảnh tươi sáng của hạt gạoViệt Nam trên thị trường trong ngoài nước trong đó tổ chức lại sản xuất theo hướng làm ăn tập thể kiểu mới, mở rộng liên kết 4 nhà, trồng lúa theo tiêu chí VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc chính là hướng đi tất yếu, là mục tiêu mà nông dân cần hướng tới trên con đường dựng cơ nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông, từ những nông dân đi tiên phong nòng cốt trong việc tổ chức sản xuất theo khoa học để đạt hiệu quả thâm canh caonhư ông Trần Văn Lập, những tiến bộ kỹ thuật mới: ba giảm, ba tăng, IPM trên cây lúa, bón phân theo bảng so màu lá lúa...đang được phổ cập rộng rãi trong nông dân địa phương. Hiện nay, Tiền Giang có đến 80% diện tích canh tác đã áp dụng theo ba giảm ba tăng và IPM. 90% tổng diện tích áp dụng lịch thời vụ xuống giống đồng loạt né rầy, 100% diện tích đã được cơ giới hóa các khâu làm đất, bơm tát..../. 

Minh Trí
Tin liên quan