Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Bác Hồ với việc dùng người
(Ngày đăng: 05/07/2014)

Mỗi thế hệ cán bộ sinh ra và trưởng thành trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau, mỗi người đều có sở trường và sở đoản, cái mạnh và cái yếu nhất định, tuyệt nhiên không ai giống ai. Sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc nhở các vị làm tổ chức phải thấy cái giới hạn khắc nghiệt của thời gian để tạo nguồn thay thế, bổ sung cho tổ chức những lớp người mới, đủ sức lực và tài năng đảm đương các nhiệm vụ theo những yêu cầu mới.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học sinh động về việc dùng người. Trong ảnh: Bác nói chuyện với các đại biểu dự Hội nghị Giáo viên toàn miền Bắc năm 1958.

          

Theo Người, cần cán bộ già đồng thời cũng cần nhiều cán bộ trẻ... Công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt Đảng phải đào tạo, dìu dắt những đồng chí trẻ. Một mặt, "đảng viên già phải cố gắng mà học". Việc đổi mới cán bộ phải rất khách quan, công minh, cần lấy việc hoàn thành nhiệm vụ làm căn cứ; phải tổng kết từ phong trào thực tiễn, phát hiện những nhân tố mới, những cán bộ trẻ có đức có tài để trao nhiệm vụ cho họ. Mặt khác cũng cần tạo điều kiện cho số cán bộ lớn tuổi đã công tác quá lâu trong các văn phòng có điều kiện thâm nhập thực tế để khỏi lạc hậu với thực tế. Vấn đề luân chuyển cán bộ hiện nay là chủ trương đúng, phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Với Bác Hồ, nhân dân mới chính là người chủ sở hữu của quyền lực chính trị, bởi vậy con người vừa là mục đích vừa là động lực và sức mạnh của mọi sự nghiệp chính trị. Bác nói: Có lúc đường lối, chính sách đúng nhưng chúng ta quên rằng "vô luận việc gì, đều do con người làm ra và từ nhỏ tới to, từ gần tới xa, đều thế cả". Và Người kết luận: "Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý...".

Động cơ thôi thúc Bác là tiến hành sự nghiệp vĩ đại: Giải phóng dân tộc, xã hội, con người, trong đó có độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào; làm cho mọi người ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Chính động cơ ấy đã trở thành triết lý nhân sinh, thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ chính sách dùng người ở Bác.

Các Mác từng nói: Muốn mọi người đối xử với mình thế nào thì hãy đối xử với mọi người như vậy. Ngay sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác đã gửi thư tới các cấp phê phán thói "Kiêu ngạo, tưởng mình ở trong cơ quan nhà nước là thần thánh rồi, coi khinh dân gian, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng" lên. Không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin của dân, hại đến uy tín của Chính phủ". Người căn dặn cán bộ, công chức các cấp: "Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta"... Người không những có sức cảm hóa những người có cùng chí hướng và những người có cảm tình với cách mạng mà còn cả những người không có cùng chính kiến, thậm chí cả kẻ thù của mình. Sở dĩ như vậy là vì ở Người luôn toát lên sự thẳng thắn, trung thực, tôn trọng lẽ phải, tôn trọng con người và luôn ứng xử với nguyên tắc "Lý lẽ phân minh, nghĩa tình trọn vẹn", luôn giải quyết công việc "có lý, có tình", xuất phát từ thực tế.

Xưa nay, các vĩ nhân làm nên sự nghiệp lớn đều có chung một tư tưởng "biết mình biết người", "biết địch biết ta". Sự "biết" ấy chính là bí quyết của thành công. Bác nói: "Muốn biết sự phải trái của người ta thì trước hết phải biết sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình thì chắc chắn không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu".

Bác đã chỉ ra một số căn bệnh cơ bản làm cho người cán bộ không tự biết được mình. Đó là: Bệnh cậy thế kiêu ngạo, bệnh ưa người ta phỉnh nịnh mình. Bệnh "tư túng", bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, máy móc, giáo điều. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý mắc những bệnh ấy, không hiểu được cái mạnh, cái yếu của mình nên không thể biết được người khác. Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng. Trên cơ sở tự hiểu mình, cần phải có phương pháp xem xét để hiểu cán bộ một cách thấu đáo, "không nên chỉ xét mặt ngoài, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ".

Theo Bác, muốn dùng cán bộ đúng thì người cán bộ lãnh đạo cần phải:

1. "Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ không bị bỏ rơi".

2. "Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gũi những người mình không ưa".

3. "Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ".

4. "Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn nịnh bợ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt"; "phải có thái độ vui vẻ thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gũi mình".

5. Nếu dùng cán bộ mà để họ "hoang mang sợ hãi, buồn rầu uất ức hoặc công việc không phù hợp, chắc không thành công được. Vì vậy muốn cán bộ làm được việc, phải khiến cho họ yên tâm làm việc, vui thú làm việc".

6. "Phải mạnh dạn cất nhắc cán bộ".

Bác Hồ đặc biệt chú trọng đến việc làm, đến hoạt động thực tiễn của cán bộ. Nhiều lần Người cho rằng, không chỉ tin vào việc viết hay, nói giỏi, mà phải xem một tổ chức, một cán bộ bất cứ ở cấp bậc nào, họ có "nói đi đôi với làm" hay không. Đây là một tư tưởng đã trở thành nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh.


Nguyễn Tấn Tuấn - An ninh thế giới

Vusta
Tin liên quan