Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
5 điểm mới nổi bật của Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi tạo điều kiện chăm sóc tốt sức khoẻ nhân dân
(Ngày đăng: 04/07/2014)

Ngày 13/6/2014, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế với 82,73% đại biểu tán thành, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.
Hình minh họa.

Đây cũng là dự thảo Luật được dư luận xã hội quan tâm vì có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội.

Theo đó, so với Luật BHYT hiện hành (năm 2008), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có một số điểm quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và tính bền vững của quỹ BHYT để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Thứ nhất, quy định bắt buộc tham gia BHYT. Đây là một trong những giải pháp đột phá hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT.

Thứ hai, quy định khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm dần mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi; đến người thứ 5 trở đi chỉ đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người có bệnh hay bệnh nặng mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.

Thứ ba, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT. Việc sửa đổi bổ sung Luật lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách.

Cụ thể: Bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Quy định cụ thể nâng mức hưởng BHYT đối với các trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến và bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Thứ tư, mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Cùng với việc cải cách thủ tục, quy trình khám chữa bệnh, đây là quy định hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

 Từ ngày 01/01/2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.

Từ ngày 01/01/2021, quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng cho người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.

Thứ năm, quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT. Luật vẫn thống nhất nguyên tắc Quỹ phải quản lý tập trung, thống nhất ở cấp quốc gia để tập trung nguồn lực, điều tiết chung trong phạm vi cả nước, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu chia sẻ rủi ro giữa các đối tượng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, do chưa có sự đồng đều về tỷ lệ tham gia BHYT và dịch vụ khám chữa bệnh giữa các tỉnh (có nơi đạt gần 100%, nhưng có tỉnh mới đạt 50-60% dân số tham gia BHYT - Tiền Giang mới đạt 58%; có tỉnh đầy đủ kỹ thuật y tế hiện đại nhưng có tỉnh còn thiếu nhiều trang thiết bị y tế) nên Luật cho phép các địa phương có kết dư quỹ BHYT được sử dụng 20% để lại nhằm hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT.

Từ ngày 01/01/2021, khi tỷ lệ tham gia BHYT của các địa phương đã ở mức cao, chất lượng dịch vụ y tế đã khá đồng đều, không còn sự khác biệt nhiều về kết dư hay bội chi quỹ BHYT giữa các tỉnh sẽ thực hiện quản lý quỹ BHYT theo hướng quản lý tập trung hoàn toàn, thống nhất và điều tiết chung trong phạm vi cả nước.

Ngoài những điểm mới quan trọng trên, để khắc phục những bất cập trong tổ chức thực hiện, Luật bổ sung đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an tham gia BHYT, bổ sung quyền lợi đối với trẻ em dưới 6 tuổi...

Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong tổ chức thực hiện chính sách, đó là:

- Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý Quỹ BHYT, tư vấn chính sách BHYT, quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các hình thức và cơ cấu đầu tư số tiền nhàn rỗi của Quỹ BHYT trên cơ sở đề nghị của BHXH Việt Nam.

- Đặc biệt là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế - phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả, ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

- Giảm thủ tục và thời gian chờ đợi để cơ quan BHXH tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh.

- Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong việc triển khai thực hiện BHYT.

- Giao trách nhiệm UBND cấp xã trong việc tổng hợp lập danh sách để cấp thẻ BHYT cho các đối tượng, lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em đồng thời với việc cấp giấy khai sinh; trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc kiểm tra, rà soát để tránh trùng thẻ BHYT cho các đối tượng, tổ chức để người dân có thể tiếp cận và đóng BHYT theo hộ gia đình được thuận lợi tại tất cả các địa bàn trên phạm vi cả nước.

- Giao trách nhiệm BHXH Việt Nam trong việc kiểm tra, rà soát để tránh cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng.

- Chính phủ báo cáo Quốc hội về quản lý, sử dụng quỹ BHYT hằng năm.

- Tăng chế tài xử lý đối với những trường hợp không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT theo quy định của pháp luật (phạt gấp 02 lần bằng lãi suất quy định tại ngân hàng nhà nước với số tiền nợ BHYT).

Tất cả các điều chỉnh từ cả phía thu và chi cũng như cơ chế quản lý Quỹ BHYT sẽ làm cho chính sách BHYT ngày càng hấp dẫn và thu hút đông đảo người dân tham gia.

Để nội dung sửa đổi bổ sung Luật BHYT đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao, Ngành Y tế và BHXH tỉnh sẽ phối hợp can thiệp cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhất là cấp uỷ và chính quyền địa phương.

Ngành Y tế đề xuất các Ngành, các cấp phối hợp triển khai các việc sau:

- Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định mới về BHYT để người dân, cán bộ y tế hiểu, chấp hành và cùng nhau tham gia BHYT.

- Khẩn trương triển khai ngay việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT để đáp ứng lộ trình mở thông tuyến huyện/xã trong khám chữa bệnh BHYT từ ngày 01/01/2016. Vì đây là tuyến được BHYT chi trả cả KCB nội và ngoại trú nên sẽ rất khó kiểm soát chống lạm dụng trong khám bệnh ngoại trú ở các xã và tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Nếu không kiểm soát tốt, có thể một số ít người sẽ lợi dụng quy định này đi khám tại 02 đến 03 xã/ngày; 02 đến 03 cơ sở y tế tuyến huyện/ngày để lấy thuốc. Tất nhiên, số này có thể không nhiều nhưng cần có biện pháp để ngăn ngừa sự lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.

- Triển khai hướng dẫn để UBND cấp xã thực hiện tốt chức năng luật định, lập danh sách để trình cơ quan thẩm quyền duyệt và cấp BHYT; danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình.

- Ngành Y tế và Cấp ủy Chính quyền địa phương tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng KCB; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về KCB nói chung và KCB BHYT.

- Cấp ủy và Chính quyền địa phương triển khai các giải pháp hữu hiệu để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt quan tâm các địa phương và các nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp; đưa chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT vào Nghị quyết của HĐND về phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và dành ngân sách địa phương hỗ trợ cho nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT; tăng cường đầu tư, phát triển mạng lưới KCB tuyến cơ sở, đầu tư phát triển loại hình khám chữa bệnh kết hợp tư vấn và quản lý sức khoẻ theo Y học Gia đình, đưa KCB BHYT và Bác sĩ Gia đình đến gần dân hơn và bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng cùng tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Chắc chắn sau lộ trình 05 năm tới, với việc đa dạng hoá các loại hình KCB ban đầu BHYT, đặc biệt là triển khai mô hình Bác sĩ Gia đình có giải quyết BHYT, nâng cao chất lượng KCB BHYT tại các cơ sở KCB, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, mở thông tuyến huyện, tỉnh với tất cả các trường hợp điều trị nội trú..., chính sách BHYT của chúng ta sẽ hoàn thiện và ngày càng hấp dẫn người dân, đạt mục tiêu BHYT toàn dân mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

 

TS BS Nguyễn Hùng Vĩ - PGĐ Sở Y tế Tiền Giang
Tin liên quan