Cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, giá tôm thẻ chân trắng (TCT) liên tục nằm ở mức cao, người dân có nuôi tôm thu lợi nhuận hấp dẫn nên đã thu hút một số nông dân thả nuôi tôm TCT trong vùng nước ngọt. Tuy nhiên, đây chỉ là hành động có lợi trước mắt nhưng hậu quả rất to lớn và lâu dài nên các địa phương cần quan tâm quản lý nuôi tôm TCT trong vùng nước ngọt. | |
Nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt chỉ có lợi trước mắt nhưng hậu quả rất to lớn và lâu dài nên các địa phương cần quan tâm quản lý nuôi tôm TCT trong vùng nước ngọt (ảnh chụp Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, TG) |
Tự phát nuôi tôm TCT vùng nước ngọt
Theo Tổng cục Thủy sản, từ cuối năm 2013, sau thời điểm giá tôm tăng cao ở một số địa phương vùng ĐBSCL, người dân đã tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) ở vùng nước ngọt (diện tích chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt có thể từ nuôi cá tra không hiệu quả, ao nuôi tôm càng xanh, đào ao trong vùng đất trồng lúa và một số diện tích đất canh tác khác kém hiệu quả như đất trồng dừa…). Diện tích nuôi tôm TCT nước ngọt và vùng nhiễm mặn tại một số tỉnh ĐBSCL ước khoảng 1.192 ha.
Qua kết quả kiểm tra thực tế một số ao nuôi tại Đồng Tháp, Long An và báo cáo khoa học trong và ngoài nước cho thấy, nước trong các ao nuôi tôm TCT trong vùng nước ngọt có độ mặn 1-3%. Trong quá trình nuôi người dân đã sử dụng một số cách khác nhau như: bơm nước ngầm, dùng muối xử lý nền đáy ao, pha thêm nước biển hay đưa xuống ao một số khoáng có hàm lượng muối để duy trì độ mặn và khoáng trong môi trường nước ao nuôi.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, việc người nuôi tự ý đưa tôm TCT nuôi trong vùng nước ngọt có nguyên nhân rất lớn đến từ các đơn vị, công ty kinh doanh tôm giống, thức ăn và chế phẩm sinh học, thuốc sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Nhân viên kinh doanh các công ty này đã tổ chức, giới thiệu và đưa dân đi thăm các mô hình ở địa phương khác nhau sau đó cung cấp vật tư, con giống cho dân nuôi.
Một số nơi như Đồng Tháp do việc tiêu thụ tôm càng xanh thương phẩm trong thời gian vừa qua gặp khó khăn kèm theo là giống tôm cang xanh khan hiếm nên khi được giới thiệu thì người nuôi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Một số diện tích đất trồng lúa một vụ, trồng cây nông nghiệp khác kém hiệu quả, năng suất thấp bước đầu được một số người người dân chuyển sang nuôi tôm TCT có hiệu quả, do đó đã lôi kéo một số hộ khác làm theo.
Nhiều tồn tại, bất cập
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, những kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là kết quả nghiên cứu và bài học kinh nghiệm của Thái Lan khi đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trong môi trường nước ngọt từ những năm 1990, các nhà khoa học, các chuyên gia, người quản lý và người dân đều thấy việc đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trong vùng nước ngọt có nhiều tồn tại, bất cập.
Quan trọng nhất là gây tác động rất lớn đối với môi trường và đa dạng sinh học, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh. Năng suất, sản lượng, chất lượng TTCT thương phẩm nuôi trong nước ngọt kém hơn nuôi trong nước lợ, giá bán thấp hơn, và khi nhu cầu xuống thấp, giá tôm không ổn định người nuôi có nguy cơ không tiêu thụ được sản phẩm và thua lỗ.
Đồng thời, phá vỡ quy hoạch nuôi tôm đã được phê duyệt do đó khó kiểm soát được tình hình sản xuất thực tế. Cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm không phù hợp và người dân chưa có kinh nghiệm nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, chi phí trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bênh trong mọi thời điểm và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro cho người nuôi. Các mầm bệnh mới từ TTCT có thể lây lan sang cho các đối tượng nuôi truyền thống như tôm càng xanh hay các loài thủy sản khác.
Để đảm bảo nuôi tôm theo quy hoạch, hiệu quả và bền vững, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp tại địa phương không chủ trương nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt và thực hiện đúng theo quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch hoặc quy định của địa phương.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm nuôi tôm TCT và không cho người dân tự ý thả nuôi tôm TCT trong vùng nước ngọt. Đối với những địa phương đã thả nuôi tôm TCT trong vùng nước ngọt trước đây, yêu cầu người nuôi thực hiện nghiêm các cam kết bảo vệ môi trường, sau khi thu hoạch không thả nuôi trở lại, không để phát sinh thêm diện tích nuôi mới.
Quan trọng hơn, cần tuyên truyền để người dân nắm được những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm TCT trong vùng nước ngọt, ngăn chặn kịp thời những tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân