Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết để hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết
(Ngày đăng: 16/06/2014)

Hơn nửa thế kỷ qua, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã trở thành một trong những bệnh nguy hiểm hàng đầu do virus gây ra. Bệnh SXH không chỉ là nỗi lo lắng lớn của người dân nước ta mà cả một số nước trên thế giới. Thống kê cho thấy có 2,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ tại hơn 100 quốc gia (cao nhất ở vùng Đông Nam Châu Á), với số ca mắc SXH là 50-100 triệu trường hợp mỗi năm, trong đó có 500.000 ca nhập viện, 20.000 ca tử vong. Gần 75% số ca bệnh là ở Châu Á và khu vực Thái Bình Dương, bệnh có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là ở các quốc gia Đông Nam Á.
Muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết

Tại tỉnh Tiền Giang, SXH là dịch bệnh lưu hành địa phương với số ca mắc bình quân từ 4.000 đến 8.000 và có tử vong; đặc biệt năm 2007, Tiền Giang xảy ra dịch lớn SXH với hơn 12.000 ca mắc (cao nhất trong cả nước), 12 ca tử vong.  Tính đến ngày 08/6/2014 (tuần thứ 23), tổng số ca mắc SXH tại Tiền Giang là 262, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong vòng 3 năm trở lại đây, bệnh SXH tại Tiền Giang có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào, nhất là mùa mưa đang đến; lại thêm bệnh tay chân miệng và các bệnh thủy đậu, quai bị, sởi… có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan trong công tác phòng chống bệnh SXH cũng như các loại dịch bệnh khác.

Bệnh Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do một loại virus có tên gọi là Dengue thuộc họ Flaviviridae. Virus Dengue truyền từ người bệnh sang người lành do một loại muỗi đốt gọi là muỗi vằn (có tên khoa học là Aedes aegypti). Loại muỗi này sống trong và xung quanh nhà, thích đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, nước mưa. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng số mắc tập trung vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11).

           Bệnh rất nguy hiểm vì tốc độ lan truyền nhanh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine. Bệnh có thể gây ra biến chứng trên nhiều cơ quan trong cơ thể và có thể gây ra tử vong nếu như bệnh nặng, có biến chứng mà không được phát hiện, điều trị kịp thời. Mặt khác, một người có thể bị mắc nhiều lần trong đời và những lần nhiễm sau nguy hiểm hơn những lần nhiễm trước.

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể xảy ra đối với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em từ 3 đến 10 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bệnh thường có biểu hiện sốt cao, sốt đột ngột, sốt từ 38 – 39 độ, nhưng thường không đi kèm theo các triệu chứng như ho, sổ mũi. Sau đó, có dấu hiệu xuất huyết, xuất hiện các chấm đỏ trên mặt, da hoặc chảy máu cam, đi cầu ra máu. Ngoài ra, có thể kèm theo nôn mửa, đau bụng, đau dữ dội, đau ở vùng dưới sườn bên phải. Với trẻ lớn hơn thì cũng có dấu hiệu sốt nhưng sốt nhẹ, đau đầu, nhức mắt, đau khớp, nhức mỏi toàn thân và cũng có các dấu hiệu xuất huyết. Tuy nhiên, một số trường hợp không có triệu chứng điển hình như trên, hoặc chỉ có sốt cao, hoặc có xuất huyết da niêm hay nội tạng. Cho nên, khi một người trong vùng dịch SXH vào mùa mưa có biểu hiện sốt hoặc xuất huyết bất thường thì nên nghi ngờ bệnh SXH và đưa đến ngay các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh chủ quan để quá trễ có thể gây hậu quả nghiêm trọng, có thể gây tử vong nếu như chậm trễ, có nhiều biến chứng.

 

 

 Bệnh sốt xuất huyết có thể gây tử vong

Trước đây, SXH được chia làm 4 độ, gồm độ 1, 2 là nhẹ, độ 3, 4 là nặng, có shock nguy hiểm, có thể tử vong. Hiện nay, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế ban hành Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/02/2011 về việc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SXH Dengue; theo đó, bệnh SXH Dengue chia làm 3 độ là (1) SXH Dengue tương đương với độ 1 và 2 theo phân loại cũ, (2) SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo tương đương với SXH có nguy cơ và các dấu hiệu có thể gây shock và (3) SXH Dengue nặng tương đương với SXH độ 3 và 4 theo phân loại cũ.

Công tác phòng chống bệnh SXH đã thực hiện xuyên suốt hơn 50 năm qua, nhưng hiệu quả chưa cao và cứ mỗi 10 năm thì số ca mắc bệnh SXH lại tăng gấp đôi, mặc dù các nước đã tốn rất nhiều tiền của và công sức. Những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong quá trình phòng chống sốt xuất huyết, ngoài vấn đề chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, còn là: (1) kinh phí chương trình mục tiêu từ Trung ương phân bổ về địa phương khá trễ (khoảng giữa năm hoặc hơn); (2) kinh phí cho các hoạt động phòng dịch phải xuất ngay từ đầu năm do địa phương tự đảm nhiệm, nhưng hầu hết đều không có hoặc rất ít; (3) người dân chính là lực lượng chính cho công tác phòng chống sốt xuất huyết, lý ra mọi người phải thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng và làm vệ sinh môi trường xung quanh hàng tuần, nhưng những hành vi trên chưa tạo được thành thói quen, chưa thực sự tạo thành phong trào rộng khắp, nhiều người dân vẫn còn chủ quan với bệnh, cho rằng đây chỉ là trách nhiệm của ngành y tế; (4) công tác truyền thông vẫn còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu truyền thông thay đổi hành vi; (5) việc xử phạt những hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường chưa nghiêm, chưa tạo được ý thức phòng chống dịch đúng đắn trong người dân, từ đó nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao và lan rộng trong cộng đồng.

Để chủ động phòng chống và đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này, Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế lần thứ 10 các nước ASEAN ở Singapore vào tháng 7/2010 đã quyết định chọn ngày 15 tháng 6 hàng năm là ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết. Với thông điệp “Các nước ASEAN chung tay vì một cộng đồng không còn bệnh sốt xuất huyết”, nhằm nỗ lực giải quyết những thách thức trong phòng chống dịch bệnh này ở khu vực.

Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết là hành động thiết thực, thể hiện cam kết quyết tâm của Hội nghị  Bộ trưởng Bộ Y tế của các nước ASEAN nhằm giải quyết những thách thức trong phòng, chống sốt xuất huyết trong khu vực. Sự kiện hàng năm này nhằm nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết, huy động nguồn lực để phòng ngừa và kiểm soát bệnh sốt xuất huyết và chứng minh quyết tâm chống lại căn bệnh của khối ASEAN. Ngày ASEAN Phòng, chống Sốt xuất huyết là dịp để tổ chức các chiến dịch vận động cho việc phòng chống và kiểm soát bệnh sốt xuất huyết. Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp cùng các nước ASEAN đề ra các thông điệp  lõi về phòng, chống sốt xuất huyết như sau:

-         Kêu gọi tất cả mọi người cùng hành động.

-         Thay đổi từ đối phó thành phòng bệnh chủ động.

-         Củng cố khả năng phòng chống bệnh hiệu quả.

-         Đoàn kết chống sốt xuất huyết.

Các thông điệp lõi được lồng vào các phương tiện và hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, Các hoạt động truyền thông đều nhằm khuyến khích và nâng cao sự tham gia của cộng đồng vào công cuộc phòng chống sốt xuất huyết. Mỗi năm, ngày ASEAN Phòng chống sốt xuất huyết có một chủ đề riêng để tập trung sự chú ý của mọi người. Chủ đề Ngày ASEAN Phòng chống sốt xuất huyết năm 2014 là: “Đoàn kết vì một thế giới không còn bệnh sốt xuất huyết”.

Để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, mọi người hãy tiếp tục thực hiện thật tốt khẩu hiệu “không có muỗi, không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết”. Có nghĩa là, mỗi người tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình, góp phần cho cả cộng đồng cùng phòng chống sốt xuất huyết, thông qua hành động thiết thực là thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng. Để diệt muỗi, mỗi nhà có thể sử dụng nhang muỗi hoặc thuốc xịt muỗi thường xuyên (hàng ngày hoặc hàng tuần tùy theo mật độ muỗi). Làm rèm che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà. Đối với trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh, phải cho ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc áo quần dài, hoặc thoa thuốc tránh muỗi đốt. Để diệt lăng quăng, mỗi người dân phải tự giác súc rửa lu, bình bông và thay nước hàng tuần, nhất là thời điểm mùa mưa. Làm nắp đậy kín các lu khạp chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng. Bỏ muối hoặc bỏ dầu vào các chén nước chống kiến ở chân tủ thức ăn. Bên cạnh đó, có thể diệt lăng quăng bằng cách dọn dẹp hoặc lật úp các vật dụng phế thải có thể đọng nước mưa như ly, chén bể, miểng dừa, vỏ xe, chậu nước…Nơi nào có điều kiện thì nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng. Ngoài ra, khi thấy trẻ sốt bất thường thì nhanh chóng mang trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi và phát hiện, điều trị kịp thời bệnh sốt xuất huyết (nếu có).

 

 

Kiểm tra lăng quăng để phòng chống bệnh sốt xuất huyết

 

Điều mà chúng tôi muốn khuyến cáo đặc biệt đến người dân là hãy tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, bằng cách thường xuyên, liên tục có các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng hàng tuần (thậm chí hàng ngày tại nơi có mật độ muỗi cao) chứ không phải làm theo chiến dịch hoặc thỉnh thoảng mới quan tâm thực hiện thì hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết sẽ không cao. Đừng để xảy ra tình trạng khi trong gia đình có người bệnh sốt xuất huyết hoặc có tử vong thì dù có ân hận do chúng ta lơ là trong việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết cũng đã quá muộn, hậu quả không thể khắc phục được nữa.

          Để tác động vào ý thức và trách nhiệm của người dân thì một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định là ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp cơ sở (xã, ấp, khu phố) là cấp ủy và chính quyền xã, ấp phải nâng cao ý thức trách nhiệm, huy động lực lượng, phân công người phụ trách địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát để đôn đốc, nhắc nhở các hộ gia đình diệt muỗi, diệt lăng quăng hàng tuần và xử lý các hộ gia đình không thực hiện  diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết tại địa bàn dân cư. Và chỉ có như vậy thì công tác phòng chống sốt xuất huyết tại địa bàn dân cư mới đạt hiệu quả cao và bền vững được. Từ đó, công tác phòng chống sốt xuất huyết có hiệu quả, góp phần ổn định xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương./.

 

BS CKII Trần Thanh Thảo.
Tin liên quan