Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hãy hành động vì một thế giới không thuốc lá
(Ngày đăng: 30/05/2014)

Hút thuốc lá là một thói quen lâu đời của nhiều người. Các nhà khoa học đã chứng minh khói thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe không chỉ cho chính bản thân người hút mà còn nguy hiểm cho người khác; bởi lẽ khói thuốc chứa khoảng 7.000 độc chất hóa học (trong đó có hơn 70 chất gây ra ung thư) có thể gây độc cho cơ thể người hút và cả người hút thuốc thụ động, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em, người già và phụ nữ.
Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

                Những chất độc trong khói thuốc đã gây ra những bệnh trên hầu hết các cơ quan của cơ thể như hệ hô hấp, tim mạch, nội tiết, sinh sản, cơ xương khớp, thần kinh…90% số ca bệnh ung thư phổi, 30% trong tổng số ca bệnh ung thư, 75% số ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% số ca bệnh tim do thiếu máu cục bộ và 62% trong tổng số ca bệnh và trường hợp tử vong tại bệnh viện là do những chất độc trong khói thuốc đã gây ra. Các căn bệnh không truyền nhiễm cũng đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam, ước tính chiếm trên 62% trong tổng số ca bệnh và trường hợp tử vong tại bệnh viện.

Cộng đồng hưởng ứng môi trường không khói thuốc

Theo thống kê, hàng năm, thế giới có 6 triệu người chết vì thuốc lá, với 2/3 trong số đó thuộc các nước đang phát triển, trong đó  hơn 600.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động (người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc của người khác). Vào năm 2020, tỷ lệ tử vong do thuốc lá sẽ là 10 triệu, cao hơn do HIV/AIDS, bệnh lao phổi, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại. Ở Việt Nam mỗi năm thuốc lá gây tử vong 40.000 người và ước tính con số ngày sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030.

Việt Nam là quốc gia có số người hút thuốc cao thứ 3 trong khu vực Asean, chỉ sau IndonesiaPhilippines. Trong đó, tỉ lệ nam giới hút thuốc là 47,4% và nữ giới là 1,4%, chủ yếu là độ tuổi 25-50. Do tỷ lệ người hút thuốc rất cao nên số người hút thuốc thụ động (tức người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc) cũng rất nhiều, phần lớn là phụ nữ và trẻ em thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động ở nhà, tại nơi làm việc và những nơi công cộng. Trên 50% số người hút thuốc thụ động ít nhất 30 phút/ngày.

Ngoài tác hại đối với sức khỏe, thuốc lá còn gây cho xã hội tổn thất về kinh tế rất lớn. Tại Việt Nam, mỗi năm, một người có hút thuốc ở Việt Nam chi gần 700.000 đồng cho thuốc lá. Với 12 triệu người hút, một năm chúng ta tốn hơn 8.200 tỷ đồng cho mặt hàng này. Số tiền đó đủ để mua lương thực nuôi sống 10,6 triệu người. Tiền chi cho thuốc lá chiếm một phần không nhỏ trong ngân quỹ vốn đã eo hẹp của họ và ảnh hưởng đến các chi tiêu về quần áo, giáo dục, y tế. Theo các nghiên cứu ở Việt Nam trong năm 2011 cho thấy, chi phí điều trị nội trú, ngoại trú và tự điều trị cho 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá là gần 9 nghìn tỷ đồng, Trong đó chi phí điều trị nội trú cho một đợt nằm viện, Chính phủ chi 40%, bảo hiểm chi 19% và người bệnh chi 41%.

Khói thuốc lá gây ra nhiều bệnh lý cho trẻ em

Nhằm đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức và quần chúng đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chọn ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không hút thuốc lá. Mục tiêu của Ngày thế giới không thuốc lá là để bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do sử dụng thuốc lá mà còn tránh khỏi các hậu quả về  kinh tế, môi trường và xã hội gây ra do việc sử dụng thuốc lá và hút thuốc thụ động. Ngày thế giới không thuốc lá, nhằm thông tin rộng rãi về các nguy cơ sức khỏe do sử dụng thuốc lá, kêu gọi sự ủng hộ đối với các chính sách hiệu quả nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu lẽ ra có thể phòng tránh được. Sử dụng thuốc lá hiện gây ra 10% trong số các ca tử vong có thể tránh được ở người trưởng thành trên toàn thế giới. Mỗi năm có một chủ đề khác nhau nhằm tập trung sự chú ý và nguồn lực của xã hội để từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc đặt ra. Chủ đề Ngày Thế giới không hút thuốc lá năm 2014 là “Tăng thuế thuốc lá”.

Tăng thuế thuốc lá giúp giảm tiêu thụ thuốc lá và cứu sống con người
Theo Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC), các nước cần thực hiện chính sách thuế và giá đối với các sản phẩm thuốc lá để giảm tiêu thụ thuốc lá. Nghiên cứu cho thấy việc tăng thuế rất có hiệu quả trong việc giảm sử dụng thuốc lá ở nhóm thu nhập thấp và ngăn chặn những người trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc. Khi tăng thuế thuốc lá sao cho giá thuốc lá tăng thêm 10%, sẽ giúp giảm tiêu thụ thuốc lá khoảng 4% ở các nước có thu nhập cao và khoảng 8% ở hầu hết các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Hơn nữa, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá được coi là biện pháp kiểm soát thuốc lá có hiệu quả cao và chi phí thấp nhất. Báo cáo Y tế Thế giới năm 2010 ước tính ở 22 quốc gia thu nhập thất nhất, khi tăng 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ giúp ngân sách các quốc gia này có thêm hơn 1,4 tỷ USD mỗi năm từ khoản thu thuế thuốc lá. Nếu dành phần tăng thêm này cho y tế, thì nguồn chi cho y tế của chính phủ ở các nước này có thể tăng lên đến 50%.

Tỷ lệ thuế thuốc lá của Việt Nam chiếm 41,6% trên giá bán lẻ. Việt Nam là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất so với các nước trong khu vực (Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore  71%, Malaysia 57%, Philippine 53%, Indonesia 51%, Lào 43% ) và rất thấp so với các nước phát triển (Pháp 80%, Đức 73%, Úc 60%.)

Tại Việt Nam, các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ. Có tới 21,6% nam thanh niên từ 16 đến 24 tuổi là người hút thuốc. Nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh độ tuổi 13-15 năm 2007 cũng cho thấy tỷ lệ học sinh nam hút thuốc trước 10 tuổi là 17 %.  10,3 % học sinh nam và 4% học sinh nữ độ tuổi 13-15 trả lời có ý định sẽ hút thuốc trong tương lai. Khi lựa chọn sử dụng thuốc lá, hầu hết các em không nhận thức đầy đủ những nguy cơ gây nghiện, nguy cơ mắc bệnh và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Trong khi đó, giá thuốc lá tại Việt Nam rất rẻ, đã tạo điều kiện để thanh thiếu niên nhanh chóng trở thành người hút thuốc. Nhiều người trong số các em sẽ phải gánh chịu những hậu quả tàn phá về sức khỏe do sử dụng thuốc lá. Vì vậy, tăng thuế chính là biện pháp để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc, một hành vi chứa đựng nguy cơ tử vong sớm lớn nhất mà thanh thiếu niên mắc phải.

Để giảm tỷ lệ mắc và chết do sử dụng các sản phẩm thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xây dựng và ban hành Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (gọi tắt là FCTC), với nội dung liên quan đến sản xuất, buôn bán và tiêu thụ thuốc lá. Việt Nam là nước thứ 47 phê chuẩn Công ước khung và  Công ước khung có hiệu lực tại nước ta từ 17/3/2005.

Ngày 21/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1315/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện công ước khung về kiểm soát thuốc lá; từng bước hoàn thiện các quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, tiến tới cấm hút thuốc lá tại tất cả những nơi công cộng trong nhà.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phòng chống tác hại thuốc lá ở địa phương. Hàng năm xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách và giám sát kiểm tra sử dụng ngân sách đúng mục đích cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Ngày 25/5/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ra Chỉ thị số 21/CT-UBND về việc tăng cường các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá để chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng tránh khỏi những tác hại do thuốc lá gây ra. Các Sở, ngành có liên quan cũng tích cực hưởng ứng, đã thực hiện cấm hút thuốc lá ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. Ngành Y tế đã triển khai dự án Truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá tại Tiền Giang giai đoạn 2004-2006 do tổ chức Rockefeller viện trợ và thực hiện đạt được một số kết quả nhất định. Tỉnh Tiền Giang cũng đã tiếp nhận và thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình môi trường không thuốc lá” từ năm 2010 đến năm 2012 ” tại 106 đơn vị của  3 khối hành chính, giáo dục và y tế, với mục tiêu chung là : Tăng cường việc triển khai các chính sách về môi trường không khói thuốc lá tại tỉnh Tiền Giang thông qua việc xây dựng môi trường không khói thuốc tại công sở, trường học, bệnh viện.

Trong những năm qua, Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá. Thực hiện dự án xây dựng môi trường không khói thuốc, toàn tỉnh đã có 106 đơn vị xây dựng môi trường không khói thuốc, tại các đơn vị này đã treo pano, biển “cấm hút thuốc”, tổ chức truyền thông, vận động cán bô, công chức, viên chức bỏ thuốc. Năm 2012 dự án đã kết thúc, nhưng UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các đơn vị tiếp tục duy trì môi trường không khói thuốc.

Để hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2014, chúng tôi kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học, bệnh viện và một số nơi công cộng theo quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá, thực hiện nghiêm các quy định cấm bán thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ các sản phẩm thuốc lá, kêu gọi mọi người cùng nhau xây dựng môi trường sống và làm việc trong lành không khói thuốc vì sức khỏe của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Ai cũng biết rằng hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe cho chính mình và người khác, bởi trong khói thuốc lá có các hóa chất độc hại. Tuy nhiên, hút thuốc là một thói quen lâu đời của rất nhiều người và vì trong khói thuốc lá có chất gây nghiện, rất khó từ bỏ, nên công tác phòng chống tác hại thuốc lá có kết quả còn hạn chế trong thời gian qua.

Quá trình thực hiện các hoạt động về phòng chống tác hại thuốc lá tuy có nhiều thuận lợi vì có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương nhưng thực tế cũng còn không ít những khó khăn, thách thức, phức tạp và rất lâu dài. Đó là tỷ lệ người hút thuốc tuy có giảm, nhưng chưa nhiều và vẫn còn ở mức cao (kể cả trong ngành y tế, giáo dục…); số người hút mới, nhất là trong lứa tuổi học sinh vẫn còn; không ít những trường hợp còn hút thuốc lá nơi đông người, nơi cấm một cách tự nhiên mà không bị một phản ứng hay xử lý nào…mặc dù các văn bản chỉ đạo không thiếu, có thể nói là rất nhiều, nhưng việc thực thi còn hạn chế nhất là trong người dân.

  Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực thi hành 2 năm nay. Để thực hiện nghiêm túc Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, chúng tôi hy vọng người đang hút thuốc hãy suy nghĩ bỏ thuốc vì trách nhiệm với gia đình và cộng đồng; hoặc có hút thuốc thì hút xa nơi đông người; còn những người không hút thì chủ động, mạnh dạn bày tỏ ý kiến đối với người hút thuốc vi phạm quy định, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác. Từ đó, mỗi người đã góp một phần vào việc xây dựng một thế giới trong lành không có khói thuốc độc hại, thể hiện được trách nhiệm đối với việc bảo vệ sức khỏe của nòi giống dân tộc và đối với thế hệ con cháu mai sau./.

 

BS CKII Trần Thanh Thảo
Tin liên quan