Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Ngày quốc tế Đa dạng sinh học và Công nghệ sinh thái.
(Ngày đăng: 28/05/2014)

Ngày 22 tháng 5 được Quốc tế chọn là ngày “Đa dạng hóa về Sinh học” do Liên Hiệp Quốc đề ra năm 1993 nhằm xúc tiến các vấn đề đa dạng sinh học như: đa dạng về di truyền, đa dạng về loài, đa dạng về hệ sinh thái và sự tương tác giữa chúng với nhau và mỗi năm đều có mang một chủ đề.

 Riêng năm 2014 với chủ đề là “ Đa dạng sinh học biển đảo”, trên toàn thế giới có hơn 400.000 hòn đảo với hơn 600 triệu cư dân sinh sống trên đảo, nghĩa là chiếm một phần mười của dân số thế giới. Đặc biệt trên các hòn đảo có hệ động, thực vật rất đa dạng và phong phú cùng sinh sống và phát triển. Nhờ tính “Đa dạng sinh học” này, chúng ta đã khai thác du nhập loài Ong Ký sinh Asecodes hispinarum ở quần đảo Samoa thuộc Thái Bình Dương về Việt Nam nhân nuôi phóng thích để kiểm soát bọ cánh cứng hại dừa rất thành công.

Sự quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái và ứng dụng trong thực tiễn sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.

 Đa dạng sinh học là một thành phần rất quan trọng trong tất cả các hệ sinh thái xung quanh cuộc sống chúng ta. Trong thực tiễn sản xuất, hệ sinh thái là yếu tố cuối cùng của đa dạng sinh học, nó có sự tiến hóa qua suốt một thời gian dài. Đây là sự hiển nhiên, nếu chúng ta nhìn vào cánh rừng Nhiệt đới hay rừng sát có nhiều cây Đước đã qua hàng triệu năm trong đó các loài sinh sống có sự tương tác rất phức tạp và dĩ nhiên con người cũng có tác động vào hệ sinh thái. Đặc biệt là trong ruộng lúa có lịch sử lâu đời, hàng ngàn năm con người đã trồng đi trồng lại cây lúa ở hầu hết các Quốc gia Châu Á. Nó cũng rất là lâu nhưng các tiến trình xảy ra khá chậm chạp của các quần xã động thực vật và kết quả của các tiến trình này là cân bằng hệ sinh thái một cách tốt đẹp. Sự hiện diện của các loài dịch hại trên cây lúa được cân bằng bởi các loài thiên địch của chúng. Đa dạng càng cao thì thiên địch kiềm chế dịch hại càng tốt vì thế sẽ không có dịch hại bùng phát xảy ra. Nếu đa dạng càng cao thì duy trì được nhiều hệ sinh thái khác nhau trong một sinh cảnh. Càng có nhiều hệ sinh thái ruộng lúa thì nó sẽ điều chỉnh được sự biến đổi khí hậu. Đa đạng càng cao là những bước đệm chống lại các biến cố khốc liệt dưới những điều kiện biến đổi khí hậu.

“Công nghệ sinh thái - dịch vụ sinh thái” trong đa dạng sinh học

Trong ruộng lúa có rất nhiều thành phần mà chúng sẽ giúp cho con người chúng ta có được nhiều lợi ích. Thí dụ như hoa của cây trồng sẽ cung cấp mật hoa và phấn hoa cho Ong mật. Ong mật lại cho nhiều mật ong, mật ong rất tốt cho sức khỏe của chúng ta. Mặt khác Ong mật giúp cho nhiều loại cây trồng được thụ phấn, đặc biệt nhất là cây ăn trái. Nếu như không có Ong mật thì bông xoài rất khó thụ phấn và chúng ta sẽ không có trái xoài. Tương tự cho những cây ăn trái khác và rau màu. Hoa cũng cung cấp mật hoa, phấn hoa và là nơi cư trú “giống như là nhà” của nhiều loài ong nhỏ hơn ong mật, các loài này cũng thụ phấn hoa trong đó có một số loài ong tấn công trứng và ấu trùng của sâu hại rất tốt. Đây là 2 dịch vụ có trong tự nhiên rất quan trọng. Cũng có rất nhiều động vật nhỏ khác sống trong đất và nước chúng phân hủy các loài thực vật trong đất thành các khoáng dinh dưỡng cho các loài cây trồng trong đó có cây lúa và cây ăn trái. Cũng có rất nhiều vi sinh vật sống trong đất nhưng tiến trình hoạt động hay dịch vụ của chúng giúp cây trồng khỏe và duy trì độ màu mỡ cho đất. Có nhiều động vật sống trong nước là nhóm bắt mồi ăn thịt. Chúng giống như những con cá mập chờ cho sâu hại đến đồng ruộng. Khi gió thổi làm lắc lư cây lúa sâu hại rớt xuống nước thì chúng tấn công một cách nhanh chóng. Những động vật sống trong nước này chúng cung cấp dịch vụ rất lớn cho người nông dân. Tuy nhiên, thuốc trừ sâu sẽ dễ dàng tiêu diệt tất cả dịch vụ này và vì thế chúng ta phải rất thận trọng khi sử dụng thuốc độc hại trong ruộng lúa!

Ngày “Quốc tế Đa dạng Sinh học” nhắc nhở chúng ta nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo tồn sự đa dạng sinh học trong tự nhiên; giảm sử dụng hóa chất, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, cải thiện môi trường sống và nâng cao lợi nhuận cho người nông dân.

 

Th.s Lê Quốc Cường - P.Giám đốc TTBVTV phía Nam
Tin liên quan