Ngày 22/5, Viện Cây ăn quả Miền Nam (Sofri) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (1994 – 2014) và đón nhận phần thưởng cao quí: Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng về những thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu, phát triển tiềm năng cây ăn quả tại các tỉnh phía Nam trong thời gian qua. | |
Ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang tặng cờ lưu niệm cho Viện Cây ăn quả Miền Nam tại buổi lễ |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, Sofri, được thành lập và đi vào hoạt động chính thức vào ngày 15/4/1994 với nhiệm vụ nghiên cứu chọn lọc, lai tạo và nhân giống cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh; nghiên cứu xây dựng qui trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến hướng đến xuất khẩu; điều tra qui hoạch xây dựng vùng chuyên canh; đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học chuyên ngành; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học trên cây ăn quả nói chung...trong hai mươi năm qua (1994 – 2014), Viện Cây ăn quả Miền Nam đã đạt được những thành tích rực rỡ trên nhiều lĩnh vực: giống cây ăn quả, sản phẩm công nghệ, qui trình công nghệ, tiêu chuẩn hóa về giống..., góp phần phát huy tốt tiềm năng kinh tế vườn các tỉnh phía Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn, tích cực đóng góp xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Qua đó, Viện cũng làm hạt nhân thúc đẩy nhà vườn các tỉnh thành phía Nam thay đổi tập quán canh tác thay vào đó ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thâm canh nhằm tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học chuyên ngành có trình độ cao; có mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực cây ăn quả với nhiều nước trên khắp thế giới...Từ đó, thiết thực mở ra một bước ngoặt mới cho kinh tế vườn các tỉnh phía Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong quá trình 20 năm hình thành và phát triển, Viện Cây ăn quả Miền Nam đã đưa ra được 11 giống cây ăn quả, rau, hoa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận; 14 giống và cây đầu dòng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành trong khu vực công nhận; nhiều giải pháp kỹ thuật và qui trình canh tác khoa học được nhà vườn áp dụng có hiệu quả trong quá trình thâm canh: Quy trình trồng ổi xen cây có múi nhằm xua đuổi rầy chổng cánh phòng chống bệnh vàng lá Greening, Quy trình canh tác chuối già cui bằng phương pháp cấy mô sạch bệnh, Quy trình sản xuất các loại cây ăn trái theo tiêu chí VietGAP; giải pháp kỹ thuật bao trái để tăng chất lượng, mẫu mã và giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra...
Viện cũng đã xây dựng được 134 mô hình trồng cam sành xen ổi ở 5 tỉnh trọng điểm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Sóc Trăng; 32 mô hình sản xuất rau quả theo tiêu chí VietGAP hoặc GlobalGAP...Ngoài ra, Viện cũng đã cùng với tổ chức CABI xây dựng 10 bệnh xá cây trồng ở 2 tỉnh thí điểm là Tiền Giang và Bến Tre. Đặc biệt, Viện Cây ăn quả Miền Nam chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nghiên cứu, phát triển kinh tế vườn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa thời kỳ đổi mới đất nước. Nhờ vậy, từ chỗ khi mới thành lập cách đây 20 năm chỉ có 1 Tiến sĩ và 2 Thạc sĩ thì đến nay Viện Cây ăn quả Miền Nam đã có lực lượng cán bộ khoa học gồm: 1 Phó Giáo sư – Tiến sĩ, 9 Tiến sĩ, 30 Thạc sĩ và hiện đang tiếp tục đưa đi đào tạo Tiến sĩ trong ngoài nước hàng chục trường hợp trong nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ đảm đương những trọng trách đưa kinh tế vườn các tỉnh phía Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn có nhiều đóng góp trong xây dựng đất nước giàu đẹp và thịnh vượng./.