Khoa học và công nghệ (KH&CN) là nền tảng, là công cụ thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện tốc độ tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua, tuy nhiên KH&CN Việt Nam vẫn còn hạn chế, cần có giải pháp tháo gỡ để phát triển hơn nữa. | |
Ảnh minh họa. Nguồn: chinhphu.vn |
Nền tảng cho khoa học phát triển
Tiềm lực KH&CN của Việt Nam đang tăng lên đáng kể, với việc đã hoàn thiện được nền tảng pháp lý cho hoạt động KHCN. Trong đó có những chính sách đột phá mang tính chất của nền kinh tế thị trường và đặc thù của hoạt động KH&CN, nổi bật là Luật KH&CN quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải dành một tỷ lệ nhất định trong thu nhập trước thuế để đầu tư cho KH&CN. Như vậy, nguồn tài chính cho KH&CN trong thời gian tới có thể sẽ tăng đột biến và sẽ lớn hơn nguồn đầu tư từ ngân sách.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cho KH&CN đã đạt được mức độ nhất định với hệ thống gần 600 viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu của Nhà nước, hơn 1.000 tổ chức KH&CN của các thành phần kinh tế khác…Tiềm lực phát triển KHCN đang dần lớn mạnh tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2008 - 2014, các chương trình khoa học và công nghệ cấp thành phố đã triển khai 616 đề tài nghiên cứu và 56 dự án sản xuất thử nghiệm. Trong đó lĩnh vực khoa học công nghệ là 481 đề tài, khoa học xã hội và nhân văn là 135 đề tài.
Tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài khoảng trên 70% và dự án là 100%. Kết quả và sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã được triển khai và ứng dụng thành công vào thực tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, quy hoạch kiến trúc, giao thông vận tải, xây dựng, y tế, công nghệ thông tin, tài nguyên môi trường...
Cùng với Hà Nội, cơ cấu kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển biến tích cực nhờ ứng dụng rộng rãi các thành tựu nghiên cứu khoa học. Tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ cao (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất và chế biến tinh lương thực thực phẩm) đang tăng dần qua các năm. Trong đó, ngành công nghiệp công nghệ thông tin đã góp phần đưa thành phố trở thành trung tâm hàng đầu về phát triển công nghệ thông tin của cả nước với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm đạt gần 46,2%. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng được chú trọng đầu tư để phát triển xứng tầm với các lĩnh vực khác.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực KHCN, với những kết quả đã đạt được dự báo trong 5 năm tới trình độ phát triển KH&CN Việt Nam sẽ nằm trong tốp các nước dẫn đầu của khu vực ASEAN. Đây cũng chính là mục tiêu của chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 của Việt Nam.
Đổi mới về chính sách cho KHCN
Mặc dù đã có bước phát triển đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên các chuyên gia trong lĩnh vực KHCN cũng chỉ ra rằng tiềm lực KHCN Việt Nam vẫn còn hạn chế cần phải khắc phục.
Cụ thể, về cơ chế chính sách và tài chính trong KHCN ở Việt Nam chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Nhân lực có trình độ cao tuy nhiều nhưng chủ yếu làm công tác chuyên môn và giảng dạy. Số cán bộ chuyên làm công tác nghiên cứu khoa học chiếm tỷ lệ thấp dẫn tới số lượng đề tài lớn, mang tầm bao quát và ảnh hưởng sâu rộng chưa nhiều. Kinh phí đầu tư đề tài còn nhiều hạn chế, chế độ thủ tục quyết toán sau khi hoàn thành kết quả nghiên cứu còn nhiều điểm bất hợp lý. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường đầu tư tài chính công, cấp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KHCN theo hình thức quỹ phát triển khoa học và công nghệ, cần huy động nguồn lực ngoài ngân sách. Đặc biệt cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho lực lượng tham gia truyền thông, hỗ trợ phương tiện làm việc; bồi dưỡng kiến thức chuyên môn khoa học và công nghệ, niềm say mê khoa học công nghệ... cho học sinh, sinh viên.
Để thúc đẩy các hoạt động KHCN phát triển trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, về chính sách sẽ tập trung dành kinh phí và biên chế thỏa đáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, việc thành lập các trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ trong trường đại học sẽ được triển khai như là cầu nối giữa người nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp, hỗ trợ nuôi dưỡng các ý tưởng mới, hoàn thiện và thương mại hóa các ý tưởng, sáng kiến, kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, chính sách xác định phân chia lợi nhuận đối với tác giả, những người nghiên cứu khoa học cũng đang được xây dựng nhằm bảo đảm quyền lợi bản quyền chuyển giao một cách đích đáng cho người nghiên cứu. Với những chính sách đột phá mới về phát triển KH&CN, tin tưởng sẽ tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học với nhiều thành tựu, ứng dụng mới.
Các chuyên gia trong lĩnh vực KHCN cũng cho rằng, cần thúc đẩy quá trình nghiên cứu khoa học trong trường đại học, tạo động lực thu hút người trẻ say mê với khoa học. Bên cạnh đó, chính sách bổ nhiệm cán bộ cần quan tâm thỏa đáng đến các nghiên cứu có tính ứng dụng và giá trị thực, giải quyết được những vấn đề của đời sống xã hội. Chính sách ưu đãi nên tập trung vào hỗ trợ về thuế, tài chính cho các doanh nghiệp có những ứng dụng, chuyển giao khoa học mới. Đồng thời, mở rộng các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế giữa các trường đại học nhằm kế thừa và trao đổi các thành quả nghiên cứu khoa học, học hỏi kinh nghiệm hoặc cùng giải quyết các vấn đề chung của đời sống.