Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hội nghị chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô và các cây rau màu khác tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
(Ngày đăng: 07/05/2014)

Ngày 6/5, tại Tp Mỹ Tho (Tiền Giang), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô và các cây rau màu khác tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng Cao Đức Phát dự và chủ trì Hội nghị.

 Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày một bức thiết nhằm giúp cho nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống theo hướng đa dạng cơ cấu sản xuất. Nhất là sau thời điểm dịch hại “vàng lùn, lùn xoắn lá” bùng phát trên cây lúa thì nhu cầu về chuyển đổi sản xuất được đặt nặng hơn bao giờ hết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem đây là mối quan tâm hàng đầu, là một trong những giải pháp tái cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt tại Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững.

Bên cạnh việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo thì việc chuyển một phần diện tích gieo trồng lúa sang trồng ngô và cây rau màu khác ở những vụ, vùng đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, tạo ra sản phẩm hàng hóa mới đáp ứng nhu cầu trong nước đặc biệt đối với một số nông sản đang phải nhập khẩu như: ngô, đậu tương...Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng không làm mất đi các điều kiện thích hợp để trồng lúa trở lại khi cần thiết cũng là cách phá thế độc canh ở Đồng bằng sông Cửu Long, giúp chủ động, linh hoạt hơn khi ứng phó với thị trường, biến đổi khí hậu cũng như sử dụng có hiệu quả quỹ đất trồng lúa.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thực hiện định hướng và kế hoạch trên, trong năm qua, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện chuyển đổi sản xuất trên 87.000 ha trong đó tỉnh có diện tích chuyển đổi lớn nhất là Đồng Tháp với trên 30.000 ha. Qua khảo sát lợi nhuận của một số mô hình so với cây lúa qua vụ sản xuất hè thu 2013 tại tỉnh Đồng Tháp cho thấy lãi từ cây lúa chỉ đạt 2,45 triệu đồng/ ha trong khi cây mè đạt 25,3 triệu đồng/ ha, cây đỗ tương trên 16,5 triệu đồng, cây ngô lai trên 11,2 triệu đồng và cây sen đạt kỷ lục trên 46,2 triệu đồng. Còn tại Tp Cần Thơ, mô hình luân canh lúa + mè + ngô đạt lợi nhuận gần 75 triệu đồng/ năm trong khi trồng 3 vụ lúa /năm chỉ đạt trên 56,4 triệu đồng/ha/ năm...Tương tự, các địa phương khác cũng có những mô hình chuyển đổi sản xuất trên nền đất lúa phù hợp và hiệu quả.

Từ kết quả trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến đến năm 2015, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi 112.000 ha đất gieo trồng lúa sang trồng ngô, kết hợp trồng lúa với nuôi trồng thủy sản hoặc các cây màu khác. Đến năm 2020, diện tích chuyển đổi sản xuất đạt trên 204.000 ha trong đó riêng cây ngô chiếm 26%, tương đương 53.000 ha...Để đạt kết quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề ra một số giải pháp chủ yếu cần triển khai thực hiện. Đó là hoàn thiện về thể chế và các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sản xuất trên nền đất lúa; Hoàn thành quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Hoàn thiện hạ tầng đặc biệt là thủy lợi; Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, khuyến nông; Gắn tổ chức sản xuất với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa sản xuất.../.

Minh trí
Tin liên quan