Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tình hình bệnh sởi tại Tiền Giang
(Ngày đăng: 05/05/2014)

Năm 2013, các quốc gia trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Australia đều có số ca mắc sởi gia tăng so với năm 2012. Riêng năm 2013, khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận số mắc sởi cao gấp 3 lần so với năm 2012.
Phát ban đỏ của bệnh sởi

              Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay 03/5/2014 ghi nhận gần 7000 ca sốt phát ban trong đó có 3.982 trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi, trong đó có 133 trường hợp tử vong do biến chứng của sởi và bệnh cảnh đi kèm. Các khu vực miền Nam, miền Trung và Tây nguyên chưa ghi nhận có ca tử vong do sởi. Kết quả giám sát sởi của ngành Y tế tại các tỉnh, thành phố cho thấy, lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (75,9%), đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chiếm trên 60%. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do chưa được tiêm vaccine sởi hoặc chưa được đủ số mũi tiêm.

Tại Tiền Giang, tính từ đầu năm đến ngày 03/5/2014 đã ghi nhận 30 trường hợp mắc sởi, với phân bố ca mắc theo địa phương như sau:

 

Địa phương

Số ca bệnh sốt phát ban

Số ca XN (+) với sởi

Số ca chết

Cái Bè

20

6

0

Cai Lậy

40

4

0

Châu Thành

12

3

0

Thành phố Mỹ Tho

17

3

0

Chợ Gạo

32

7

0

Gò Công Tây

4

1

0

Gò Công Đông

8

1

0

TX. Gò công

6

3

0

Tân Phước

3

1

0

Tân Phú Đông

12

1

0

Tổng cộng

154

30

0

 Bệnh xảy ra rải rác khắp các huyện và trong các tháng của năm, không thành ổ dịch tại một địa điểm (tức không có 02 ca bệnh tại một điểm). Trong đó, tỷ lệ mắc sởi trẻ em chiếm 60%, người lớn chiếm 40%. Tỷ lệ mắc sởi trên đối tượng không tiêm ngừa và tiêm không đầy đủ chiếm 70%. Có 06/30 trường hợp tại các trường trên địa bàn Tiền Giang, trong đó 02 ca học Trường mầm non (thị trấn Cái Bè, Bình Xuân – Thị xã Gò Công), 04 ca học Tiểu học (Vàm Láng – Gò Công Đông, Hoà Hưng, Tân Thanh – Cái Bè; Bình Phục Nhứt – Chợ Gạo).

 Sởi (measles) là một bệnh nhiễm virus cấp tính với các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu như ho khan, chảy mũi nước, viêm kết mạc mắt, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp. Phát ban đỏ ngoài da là triệu chứng đặc trưng của sởi xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay.

Phát ban đỏ của bệnh sởi

             Ngoài phát ban đỏ ngoài da ra, còn nổi nội ban hay hạt Koplik là dấu hiệu chỉ điểm của bệnh sởi. Nội ban xuất hiện ở vòm họng, là những hạt nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà, xung quanh có viền đỏ. Hạt thường xuất hiện và biến mất nhanh trong vòng 12 đến 24 giờ.

Hạt Koplik ở vòm họng

               Đa số các ca bệnh sởi sẽ diễn tiến lành tính và bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn mà không để lại bất kỳ di chứng gì cả. Chỉ một số ít trường hợp có thể bị biến chứng (có thể biến chứng nặng) do sởi. Khi mắc sởi, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra xảy thai, đẻ non.

Bệnh lây truyền qua không khí do những giọt nước bọt nhỏ bắn ra khi ho và hắt hơi. Sởi cũng có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi hoặc họng của người bệnh, và qua đụng chạm vào những đồ vật hoặc bề mặt có dính dịch này. Trước đây bệnh xảy ra rất thường xuyên và có tỷ lệ lây nhiễm cũng như tử vong rất cao nhưng thời gian sau này không còn phổ biến nhờ vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Nguyên nhân gây bệnh là virus sởi. Đây là một loại virus ARN thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae.

Tại sao, trong một thời gian khá dài không có dịch sởi, nhưng hiện nay các tỉnh có dịch bệnh sởi tăng cao? Thật ra, để xác định nguyên nhân chính xác, cần có những nghiên cứu, khảo sát sâu để đánh giá. Tuy nhiên, các yếu tố nguyên nhân thường được đề cập đến là: (1) Do chưa được tiêm phòng sởi (do ngoài diện tuổi tiêm vaccine sởi, hoặc thuộc diện chống chỉ định tiêm vaccine sởi; hoặc do người nhà không đưa trẻ đi tiêm chủng (vì lo ngại phản ứng sau tiêm, vì bận rộn...); hoặc (2) do chưa được tiêm chủng đủ 2 mũi (Sau tiêm mũi 1, khả năng bảo vệ chỉ đạt 85%; vẫn còn 15% có nguy cơ mắc bệnh), hoặc (3) do hiệu lực của vaccine chỉ đạt tỷ lệ bảo vệ 95-98% nên dù trẻ đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vẫn có thể bị sởi dù tỷ lệ này rất thấp; hoặc (4) do cơ thể trẻ “trơ” với vaccine (không tạo đáp ứng miễn dịch sau tiêm). Ngoài ra, theo Bộ Y tế, có thể do biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi.

Tại Tiền Giang, đã thực hiện khá tốt việc tiêm vaccine sởi trong Chương trình tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lúc 18 tháng tuổi. Ngoài ra, còn tổ chức tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ 9 – 24 tháng tuổi vào tháng 3 – 4/2014 lồng ghép vào tiêm chủng thường xuyên hàng tháng tại 100% xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 601/QĐ-BYT ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Bộ Y tế về việc thực hiện “Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi" trong tháng 3-4/ 2014 (đảm bảo dứt điểm trong tháng 4/ 2014). Tính đến hết ngày 29/4/2014, toàn tỉnh đã thực hiện tỷ lệ tiêm vét mũi 1 đạt 98,12% và mũi 2 đạt 99,4%; tỷ lệ tiêm vét sởi chung đạt 98.8%. Kết quả Tiền Giang là một trong 12 tỉnh, thành thực hiện tiêm vét vaccine sởi đạt tỷ lệ cao nhất trong cả nước.

Để phòng ngừa bệnh sởi, mọi người cần tuân thủ theo các khuyến cáo của ngành Y tế như sau:

- Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Y tế, đặc biệt là các địa phương xảy ra dịch sởi. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi vaccine. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vaccine sởi lúc 9 - 11 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vaccine sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

- Cho trẻ bú sữa mẹ theo khuyến cáo của ngành Y tế.

- Phát hiện sớm trẻ mắc bệnh, đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn theo dõi, điều trị và cách ly phòng lây lan cộng đồng. Khi phát hiện trẻ có sốt, phát ban, cần thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Nên cách ly trẻ mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban.

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể.

BS CKII Trần Thanh Thảo.
Tin liên quan