Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiền Giang: Nỗ lực trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản
(Ngày đăng: 11/03/2014)

Hơn 15 năm qua, tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực rất lớn trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó việc thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản là công tác trọng tâm. Tuy nhiên, thời gian qua công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản vẫn còn hạn chế và cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đạt kết quả cao hơn.
Cao điểm đánh bắt nguồn lợi thủy sản

Kiện toàn bộ máy quản lý

Thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 1723/QĐ-UB ngày 25/6/1998 về việc Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản (gọi tắt là BCĐ) và Chỉ thị số 09/1998/CT-UB ngày 18/5/1998 về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở này, các địa phương tổ chức thành lập các BCĐ phòng, chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường.

                                   Tàu kiểm ngư

Năm 2006, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 09/2006/QĐ-UBND ngày 15/3/2006 về việc Ban hành Quy chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Quyết định số 4276/QĐ-UBND ngày 14/11/2006 về việc kiện toàn BCĐ chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thay thế Quyết định số 1723/QĐ-UBND do thành phần trong Ban chỉ đạo trước đây không còn phù hợp với tình hình thời điểm này.

Tháng 6/2007, BCĐ chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản ra Quyết định số 2269/QĐ-BCĐ ngày 11/6/2007 Ban hành quy chế hoạt động của BCĐ phòng, chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tháng 7/2007, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai quyết định thành lập, quy chế làm việc và kế hoạch hoạt động của BCĐ. Sau đó các huyện, thành, thị trong tỉnh cũng lần lượt thành lập lại BCĐ đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện tại địa phương.

Năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 05/9/2011 về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thay thế Quyết định số 09/2006/QĐ-UBND. Ngoài ra, Ban chỉ đạo của tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo cho lực lượng Thanh tra chuyên ngành, BCĐ các huyện xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra

Trên cơ sở thông tư Liên tịch của Bộ Thủy sản và Bộ Công an số 01/1999/ TTLT/BTS-BCA ngày 26/11/1999 hướng dẫn về việc phối hợp công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ và trật tự an toàn ngành Thủy sản, Sở Thủy sản - Công an tỉnh Tiền Giang đã ký văn bản liên ngành số 758/CV-LN ngày 21/12/2000 về việc Ban hành tài liệu tuyên truyền về "Bảo vệ nguồn lợi thủy sản" trên địa bàn tỉnh để phổ biến đến mọi người dân trong tỉnh, thông qua tổ nhân dân tự quản, tổ chức sinh hoạt để cung cấp thông tin pháp luật cho nhân dân.

Năm 2002 ngành Thủy sản - Công an Tiền Giang đã ký tiếp văn bản liên ngành số 436/KH-LN ngày 06/12/2002 về Quy chế phối hợp bảo vệ ANCT - NB và TTAT ngành Thủy sản, in 12.000 tài liệu bướm tuyên truyền thông qua tổ tự quản. Trên cơ sở đó, các phòng nghiệp vụ của 2 ngành thường xuyên phối hợp nhắc nhở tuyên truyền nội dung các văn bản trên trong toàn tỉnh. Song song với việc ký kết liên ngành với Công an, Ngành thủy sản còn ký kết Quy chế phối hợp với Bộ đội Biên Phòng Tiền Giang về công tác Thanh tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động nghề cá trên biển.

Trên cơ sở văn bản thỏa thuận phối hợp giữa Bộ Thủy sản và Bộ Tư Lệnh Bộ đội Biên Phòng về quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các hoạt động nghề cá trên vùng biển Việt Nam số 208/2003/BTT-BTS-BTLBĐBP ngày 23/01/2003, hàng năm hai ngành đều có kế hoạch phối hợp tuyên truyền cho ngư dân trong tỉnh các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, về tình hình an ninh trật tự và phòng chống lụt bão -  tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Chi cục Thủy sản phối hợp cùng với Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tổ chức 9.276 lớp tuyên truyền với 96.237 người tham dự, xây dựng 23 phóng sự, 136 lượt phát thanh, phát 59.300 tờ bướm. Thông qua Hội nghề cá ở các xã, ngành triển khai Chỉ thị thị 01/1998/CT-TTg và Nghị định 128/2005/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để quán triệt và làm nồng cốt trong công tác đấu tranh, tố giác những hành vi vi phạm Chỉ thị thị 01/1998/CT-TTg với trên 1.000 hội viên tham dự.

Qua các cuộc hội thảo, tập huấn khuyến ngư đối với các cụm ngư dân, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh còn lồng ghép các thông tin về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg và Nghị định 128/2005/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Ngoài ra, ngành còn nhận từ BCĐ Bộ Thủy sản 150 bộ tài liệu tuyên truyền với nội dung “Chúng tôi cam kết không đánh bắt cá bằng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản”; “Hộ gia đình chúng tôi cam kết không đánh bắt cá bằng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản...” 1.000 tài liệu tuyên truyền về Nghị định 128/2005/NĐ-CP tiến hành cấp phát đến ngư dân…

Về công tác kiểm tra xử lý, từ năm 1998 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không có trường hợp nào sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản. Đối với việc sử dụng xung điện, đã phát hiện 1.096 trường hợp vi phạm và làm 05 người chết. Trong đó, bị xử phạt hành chính là 737 trường hợp với tổng số tiền xử phạt là 591,75 triệu đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 3 trường hợp sử dụng chất độc để khai thác thủy sản, bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 11 triệu đồng và tịch thu 0,2 kg hóa chất độc.

Còn một số hạn chế nhất định

Dù đã nỗ lực rất nhiều trong công tác tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và đạt được một số kết quả đáng kể, tuy nhiên hiện nay công tác này vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến chưa đạt kết quả như mong muốn.

Những hình thức xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, chưa nghiêm nên chưa đủ sức răng đe, giáo dục. Mặc khác, sau khi vi phạm bị các cơ quan chức năng xử phạt hoặc tịch thu công cụ thì chi phí cho việc trang bị lại công cụ để tiếp tục hành nghề vẫn thấp hơn nhiều so với thu nhập đem lại.

Chính quyền cấp huyện, xã chưa thực sự quan tâm đối với các chủ phương tiện thường xuyên hoạt động khai thác vi phạm trong lĩnh vực thủy sản để có biện pháp quản lý, vận động tuyên truyền hiệu quả. Thực hiện Công điện 141 của Chính phủ, đến nay việc đăng ký các phương tiện nhỏ trên sông, rạch để quản lý còn nhiều vấn đề bất cập, nên đến nay chưa đăng ký được 100% theo chủ trương đề ra của tỉnh.

Các BCĐ ở địa phương thường xuyên thay đổi, không ổn định (nhất là cấp xã) nên công tác tuyên truyền, giáo dục việc chấp hành Chỉ thị đến người dân gặp nhiều khó khăn. Mặc khác, phần lớn các thành viên trong BCĐ thường là kiêm nhiệm, nghiệp vụ chuyên môn không đúng nên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của các BCĐ tại địa phương.

Lực lượng thanh tra viên còn mỏng nên không thể thường xuyên hoạt động hết trên địa bàn rộng lớn để thực hiện kiểm tra, xử lý, ngăn ngừa vi phạm. Bên cạnh đó, do các chủ phương tiện lưới kéo điện gắn máy xe có công suất lớn, tốc độ cao khi bị phát hiện thường bỏ chạy hoặc chống đối lại người thi hành công vụ, gây khó khăn cho lực lượng Thanh tra thi hành công vụ.

Việc áp dụng chính sách thiếu tính đồng bộ giữa các địa phương. Hoạt động quản lý khai thác trên sông rạch, ven bờ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa thật sự thống nhất cao trong biện pháp kiểm tra và xử lý vi phạm. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm tại địa phương của các BCĐ chưa thường xuyên. Bên cạnh đó còn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đây là công việc của cơ quan chuyên ngành nên phần nào ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại địa phương.

Nhìn chung, tình hình sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chưa xảy ra nhiều và có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp vi phạm do người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, một phần do cuộc sống còn khó khăn chưa được đào tạo để chuyển đổi nghề, nên hiện nay tình hình sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiếp diễn.

Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị thị 01/1998/CT-TTg, theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần sớm đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các hộ có phương tiện nhỏ hoạt động các nghề cấm chuyển đổi nghề nghiệp, trong đó quy định rõ số lượng phương tiện, công cụ hỗ trợ, nguồn kinh phí, các chính sách hỗ trợ…

Về phía địa phương, BCĐ phải thường xuyên tổ chức quán triệt cho nội bộ và nhân dân thông suốt các quy định, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản là bảo vệ môi trường, là bảo vệ tài nguyên quốc gia. Từ đó mọi người phải có ý thức, trách nhiệm trong việc khai thác thủy hải sản trên cơ sở phải duy trì và bảo vệ tốt điều kiện sống, sinh trưởng và phát triển của các loài thủy sản phục vụ yêu cầu khai thác lâu dài để tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu.

Thông qua công tác tuyên truyền giáo dục, các ngành chức năng và các địa phương, nhất là cấp xã phải quản lý chặt chẽ việc khai thác thủy hải sản, nghiêm cấm việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để đánh bắt thủy hải sản, phát động quần chúng tham gia công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát hiện và ngăn chặn mọi hình thức sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và các hình thức gây hủy diệt môi trường sống của các loài thủy sản để có biện pháp xử lý cụ thể.

BCĐ tiếp tục tập trung hướng dẫn các huyện, TP Mỹ tho, Thị xã Gò Công chỉ đạo các phòng Nông nghiệp/phòng Kinh tế chủ động phối hợp với Thanh tra chuyên ngành thành lập lực lượng nồng cốt tiến hành thường xuyên hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm về sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.

Đôn đốc BCĐ cấp huyện, xã xác định rõ trách nhiệm và đề cao vai trò của mình trong thực hiện Chỉ thị thị 01/1998/CT-TTg, phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn trọng điểm, rà soát lại các đối tượng đang tiếp tục hành nghề khai thác thủy hải sản của địa bàn mình quản lý, đề ra biện pháp chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý đối với các đối tượng.

Kết hợp với BCĐ các địa phương hoàn chỉnh danh sách hộ khai thác thủy sản vi phạm Chỉ thị thị 01/1998/CT-TTg, đề xuất các giải pháp cụ thể để xử lý từng trường hợp. Bên cạnh công tác vận động giáo dục, kiểm tra xử lý phải được thực hiện thường xuyên, đối với các đối tượng cố tình vi phạm cần phải được đưa ra xử lý nghiêm theo pháp luật hiện hành.

Xây dựng quy chế phối hợp với các tổ chức đoàn thể: Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh..., thông qua các đơn vị này tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Định kỳ họp BCĐ các cấp để đánh giá hoạt động của BCĐ, rút kinh nghiệm đề ra phương hướng hoạt động thời gian tới một cách thiết thực.

KS Nguyễn Quang Trí
Tin liên quan