Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Sản xuất trái cây không đảm bảo chất lượng - Nhà vườn: nên giận hay thương?
(Ngày đăng: 29/05/2012)

Cùng với thực trạng trong chăn nuôi - thịt heo “siêu nạc”, trái cây nhiễm hóa chất, không an toàn hiện cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm, e ngại. Người sản xuất trái cây phớt lờ nhu cầu thị trường, không theo hoặc từ bỏ các mô hình sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP (gọi tắt là GAP), phải chăng họ vì lợi nhuận, bất chấp?

“Giận thì giận mà thương thì thương”

Nghịch lý trên thị trường trái cây hiện nay là người tiêu dùng có nhu cầu lớn về loại trái cây an toàn trước thực trạng trái cây không rõ nguồn gốc tràn lan, trong khi đó nhà vườn lại không mặn mà hoặc không tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để trái cây đạt an toàn. TS. Nguyễn Hữu Huân, phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (BVTV) nhìn nhận, trái cây Việt Nam chẳng những người tiêu dùng trong nước e ngại mà hoạt động xuất khẩu cũng đang gặp khó, nhiều thị trường cảnh báo nếu tiếp tục vi phạm các tiêu chí an toàn sẽ cấm nhập rau quả Việt Nam...

PGS.TS. Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lý giải, nhà vườn không theo mô hình GAP là vì chi phí quá cao, họ không có tiền làm chứng nhận. Trong khi đó, thuốc BVTV, tăng trưởng, chất cấm ngoài danh mục... bán khắp nơi. Sản xuất trái cây còn thiếu ổn định, ẩn chứa nhiều rủi ro là do tồn tại hoạt động sản xuất manh mún, trồng nhiều chủng loại trên cùng diện tích, thiếu sự liên kết người trồng để thống nhất quy trình. Nông dân còn “mạnh ai nấy trồng” và vô tư mua phân, thuốc về sử dụng hoặc chuyển tay nhau chất không rõ xuất xứ ứng dụng cho cây trồng hay xử lý làm chín, bảo quản... Điều này làm cho chất lượng trái cây sụt giảm, kém an toàn khiến người tiêu dùng quay lưng. Ngược lại, nếu tuân thủ sản xuất theo GAP thì giá bán bấp bênh, không có sự chênh lệch xứng đáng so với đầu tư nên nhà vườn không theo, thậm chí từ bỏ sau một thời gian ứng dụng...

Nhiều người cho rằng, thời gian qua, người sản xuất trái cây đã “tự bơi” và... “tự thua” trên thị trường. Vấn đề nằm ở chỗ ngành sản xuất trái cây chưa có sự điều phối mang tầm chiến lược. Việc này thì tự bản thân nhà vườn không thể giải quyết được. Người ta cũng đã nói nhiều đến quy hoạch, hỗ trợ sản xuất nhưng cách làm của từng địa phương thì manh mún, “đánh trống bỏ dùi”... Chịu thiệt tất nhiên là người tiêu dùng nhưng người sản xuất “tự bơi”, luẩn quẩn, thua lỗ, họ cũng thật đáng thương.

Bài toán quy hoạch - cần có đáp số

Theo Cục trồng trọt, một số tỉnh đã quan tâm đến công tác quy hoạch vùng trồng cây ăn trái, tuy nhiên chỉ quy hoạch đến cấp huyện mà chưa chi tiết đến cấp xã. Có chọn ra cây chủ lực nhưng lại chọn khá nhiều loại cây, dàn trải, chưa tập trung, thiếu đầu tư hạ tầng, kỹ thuật canh tác. Tỉnh không trọng điểm về cây ăn trái, chỉ trồng được một vài loại trái cây đặc thù thì đầu ra tương đối thuận lợi so với tỉnh có nhiều cây ăn trái vì không đầu tư dàn trải. PGS.TS. Trần Văn Hâu (ĐH Cần Thơ) lưu ý, đã nhiều năm qua, người trồng cây ăn trái và doanh nghiệp thu mua quay vòng luẩn quẩn “Anh mua tôi làm và anh làm được thì tôi mua” nên không gắn kết với nhau...

TS. Võ Mai, phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho rằng, quy hoạch phải đi trước và gắn với nhu cầu thị trường. Các tỉnh căn cứ điều kiện của mình sản xuất loại trái cây phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu chứ không nên quy hoạch theo cảm tính mà không xem xét cung cầu, ngay cả phải tìm hiểu nguồn cung sản phẩm cùng loại của các nước khác. Xác định nhu cầu đúng thì quy hoạch và điều phối sản xuất cấp vùng sẽ mang hiệu quả cao hơn.

Trước thực trạng sản xuất trái cây hiện nay, thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng đề nghị UBND các tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn trái chủ lực để được hỗ trợ đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và ứng dụng công nghệ cao. Hiện chưa tỉnh nào ở ĐBSCL có quy hoạch cho vùng trồng cây ăn trái chủ lực vì vậy cần sớm xây dựng quy hoạch; quy hoạch đến cấp xã, có điều kiện quy hoạch đến cấp nông hộ. Khuyến khích nông dân sản xuất VietGAP, tiến tới GlobalGAP khi có điều kiện và yêu cầu. Sản xuất GAP gắn với thị trường, nơi chưa có điều kiện thì sản xuất theo hướng GAP. Theo thứ trưởng Bùi Bá Bổng, trong vòng 15 ngày nữa sẽ có phê duyệt quy hoạch trái cây vùng Nam bộ, trong đó có chú trọng sản xuất GAP, xu hướng phát triển cần sản xuất GAP. PGS.TS. Nguyễn Minh Châu đề xuất, chứng nhận tiêu chuẩn GAP cần giao cho đơn vị nhà nước thực hiện và không thu tiền để khuyến khích nông dân tham gia. Đồng thời phải có logo chung cho sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP giúp người tiêu dùng “nhận dạng” sản phẩm an toàn.

Theo dự thảo của Bộ NN&PTNT về đẩy mạnh sản xuất GAP trong sản xuất cây ăn trái, GlobalGAP áp dụng đối với trái cây đặc thù, có giá trị kinh tế cao và khi có hợp đồng bao tiêu chắc chắn trong đó có yêu cầu đạt GlobalGAP. Sản xuất VietGAP có hai mức độ, trước mắt ở mức độ tối thiểu là áp dụng quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, không bắt buộc phải thuê chứng nhận. Người sản xuất có thể tự đánh giá và công bố sản phẩm an toàn. Khi nào cần thuê cấp chứng nhận, quy mô... thì căn cứ theo yêu cầu thị trường. Mức độ cao, khuyến khích áp dụng đầy đủ tiêu chuẩn VietGAP, từng bước nâng cấp VietGAP tương đương các GAP quốc tế để được thừa nhận trên thị trường quốc tế.

PGS.TS. Phạm Văn Dư, cục phó Cục trồng trọt cho rằng: Rất sợ và không dám ăn trái cây bán dọc đường vì không biết nguồn gốc từ đâu? Nếu trong chăn nuôi đang bức xúc vì chất tạo nạc không an toàn thì trong sản xuất, bảo quản, làm chín... trái cây còn sử dụng nhiều chất hóa học nguy hiểm hơn. Một loại trái cây đôi khi phải “gánh” nhiều loại thuốc BVTV, chất tăng trưởng, chất bảo quản... nếu sản xuất không an toàn. Vấn đề không chỉ là lỗi của nhà vườn mà còn có phần của kinh doanh hóa chất nông dược tràn lan không kiểm soát được.

PHƯƠNG DUY
khoahocphothong.com.vn
Tin liên quan