Ánh minh họa |
Đến thời điểm này, Bộ đã nhận được báo cáo giải trình của gần 30 trường và nhận được đề nghị được tuyển sinh trở lại của khoảng 100 ngành đào tạo.
Trên nguyên tắc nhận báo cáo đến đâu, xử lý đến đó, hiện tại đã Bộ GDĐT đã cho phép 62 ngành được tuyển sinh lại do đã bổ sung đủ các điều kiện theo quy định.
Những ngành được tuyển sinh trở lại đa số thuộc khối ngành văn hóa, nghệ thuật và ngôn ngữ nước ngoài. Đây là nhóm ngành có số lượng bị đình chỉ tuyển sinh lớn.
Trước đó, Bộ VHTTDL đã có công văn gửi Bộ GDĐT đề nghị có những giải pháp linh hoạt đối với khối ngành này.
Căn cứ trên cơ sở thực thực tế thiếu hụt giảng viên nghệ thuật, Bộ GDĐT đã cho phép các trường nghệ thuật có các thầy đã nghỉ hưu là thạc sĩ, tiến sĩ có hợp đồng dài hạn được tính là giảng viên cơ hữu - cách tính giảng viên cơ hữu giống như dành cho khối các trường ngoài công lập.
Đồng thời, cho phép các trường nghệ thuật có thể mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành, đang công tác tại các viện nghiên cứu tham gia giảng dạy. Những ngành không thể mời được tiến sĩ, thạc sĩ đúng chuyên ngành có thể thay thế bằng giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ ở ngành gần, nhưng phải đảm bảo ít nhất có 2 công trình nghiên cứu đã công bố liên quan đến ngành, chuyên ngành giảng dạy.
Đối với các ngành ngôn ngữ nước ngoài, nếu có giảng viên là người nước ngoài có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ký hợp đồng 1 năm hoặc giáo sư, tiến sĩ ngành gần cũng được tính là giảng viên cơ hữu.
Ngoài các ngành khối văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ nước ngoài, một số trường đã sắp xếp, quy hoạch lại đội ngũ giảng viên giữa các ngành đào tạo hoặc tuyển dụng bổ sung giảng viên có trình độ theo yêu cầu, như ĐH Hà Tĩnh, Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tuyển bổ sung được 1 tiến sĩ; một số trường dân lập cũng mời được giảng viên là phó giáo sư, tiến sĩ. Có trường có sai sót trong báo cáo đợt trước, báo cáo lại và được Bộ GDĐT xác minh.
Tuy nhiên, trong quá trình rà soát lại, Bộ đã phát hiện báo cáo bổ sung của một số trường là "ảo" khi có hiện tượng 1 giáo sư, tiến sĩ có trong danh sách giảng viên cơ hữu của 2-3 trường.
Nhận định về vấn đề này, ông Tuấn cho biết, tất cả các giải pháp này chỉ là biện pháp Bộ GDĐT hỗ trợ các trường trong giai đoạn quá độ 2015-2017. Dừng tuyển sinh 207 ngành không phải là mục tiêu, mà đó chỉ là "liều thuốc đắng" để chữa bệnh nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.
Về lâu dài, các trường vẫn phải chuẩn bị lực lượng giáo viên cơ hữu đạt trình độ đúng như Bộ đã yêu cầu. Nếu sau một thời gian các trường vẫn chưa đáp ứng được các chuẩn cơ hữu, Bộ sẽ tiếp tục cho dừng đào tạo những nhóm ngành không đủ giảng viên cơ hữu.
Từ năm 2010, Bộ GDĐT đã tổ chức rà soát đào tạo trình độ tiến sĩ; năm 2012 rà soát với đào tạo thạc sĩ; năm 2013 với đại học và 2014 sẽ là các trường cao đẳng. Sau quá trình thực hiện, Bộ đã xử lý một loạt chuyên ngành đào tạo tiến sĩ (thu hồi giấy phép). Trong đó, 58 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ đã bị thu hồi quyết định đào tạo; 161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ bị dừng tuyển sinh do không đủ điều kiện về đội ngũ giảng dạy. Năm 2014, Bộ cũng đã quyết định dừng đào tạo 207 ngành đại học.