Gặp GS.TS Mai Trọng Khoa – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, ông vui mừng thông báo, bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện trung ương quân đội 108 vừa thực hiện thành công phương pháp mới để điều trị bệnh nhân ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ. | |
Hiệu quả điều trị cao và an toàn
GS Mai Trọng Khoa cho biết, đã có bốn bệnh nhân được điều trị bằng hạt vi cầu phóng xạ. Sau điều trị sức khỏe bệnh nhân chuyển biến tốt, các chỉ số đều tốt hơn rất nhiều.
Bệnh nhân Nguyễn Văn C. (68 tuổi) là một trong những bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng phương pháp này tại Bệnh viện Bạch Mai. Thạc sĩ Phạm Văn Thái, TT Y học hạt nhân và ung bướu thông tin, trước điều trị, bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, đau tức hạ sườn phải. Khối u có kích thước 62x58 mm. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư gan nguyên phát và viêm gan B. Sau khi được điều trị nút mạch gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90, kích thước của khối u giảm còn 45x58 mm, bệnh nhân hết mệt, không còn đau đớn. Qua một tháng theo dõi, bệnh nhân có thể sinh hoạt và đi lại bình thường, không có biến chứng, tai biến của phương pháp điều trị.
Ảnh chụp cắt lớp vi tính đa dãy trước và sau điều trị một tháng.
“Điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ có kích thước nhỏ, những hạt này sẽ được đưa vào động mạch gan đến đúng vị trí nuôi khối u. Những hạt này phát ra tia bức xạ beta với tên gọi là hạt vi cầu phóng xạ Y-90. Khi hạt vi cầu đến khối u sẽ phát tia phóng xạ và tiêu diệt tế bào ung thư một cách chọn lọc và tại chỗ do khả năng đâm xuyên của các tia bức xạ này chỉ khoảng vài milimét trong tổ chức. Các hạt vi cầu cũng đồng thời sẽ khiến việc lưu thông dẫn máu vào bị cản trở, nghẽn tắc làm cho khối u ít được tưới máu hơn. Đây là phương pháp điều trị vi cầu phóng xạ chọn lọc, các tế bào ung thư gan được tiêu diệt chọn lọc nhất, nhưng các tế bào lành xung quanh được bảo vệ một cách tối u nhất”, GS Mai Trọng Khoa cho biết.
Cơ hội cho bệnh nhân ung thư gan không thể phẫu thuật
Theo GS Mai Trọng Khoa, ung thư gan ở Việt Nam có tỷ lệ cao nhất trong các loại bệnh ung thư ở cả hai giới cộng lại. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ viêm gan vi rút B và tỷ lệ ung thư gan nguyên phát cao trong khu vực. Điều trị ung thư gan hiện nay có nhiều phương pháp khác nhau: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, các phương pháp điều trị khác, như tiêm cồn tuyệt đối, nút mạch, đốt sóng cao tần.... So với các loại ung thư khác, việc điều trị ung thư gan gặp nhiều khó khăn.
Phẫu thuật cắt gan trong điều trị ung thư gan nguyên phát hoặc thứ phát có hoặc không phối hợp với hóa chất, xạ trị... vẫn là một trong các phương pháp có hiệu quả để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân, tuy nhiên ung thư gan thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khối u đã lớn nên trong nhiều trường hợp không còn chỉ định phẫu thuật. Trong những trường hợp đó người ta thường áp dụng các phương pháp điều trị khác như gây độc tế bào... để làm khối u chậm tiến triển sẽ cải thiện tiến trình của bệnh.
Những năm gần đây, tiến bộ kỹ thuật cũng như tiến bộ công nghệ đã cho phép áp dụng hai kỹ thuật hóa tắc mạch với hạt vi cầu phóng xạ, tắc mạch xạ trị trong thực hành lâm sàng và được coi như là những phương pháp can thiệp qua đường động mạch mới trong điều trị bệnh ung thư gan.
Nếu cung cấp đủ liều bức xạ có thể gây chết các mô ung thư. Tế bào gan bình thường có khả năng chịu tác động thậm chí ít hơn tác động bức xạ so với mô u. Đối với ung thư gan, điều trị bằng xạ trị chiếu ngoài có nhiều hạn chế, do khả năng dung nạp tia xạ kém của gan xơ mà kết quả là thường gây tổn thương gan do tia xạ (viêm gan do tia xạ). Bên cạnh đó, ung thư gan là loại ung thư kém đáp ứng với tia xạ.
Không giống như nguồn phát xạ ngoài, các hạt vi cầu mang Y-90 là nguồn phát xạ lân cận ngay cạnh mô hay trong lòng mạch bên trong khối u. Chính nhờ vào đặc điểm thuận lợi này mà nó phù hợp để tạo ra nguồn xạ trị rất cao giúp tiêu diệt mô u trong khi mức độ bức xạ đối với nhu mô gan bình thường vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận được. Bởi vậy, kỹ thuật này rất có ý nghĩa đối với những bệnh nhân ung thư gan nguyên phát giai đoạn không thể phẫu thuật, hoặc những bệnh nhân ung thư gan thứ phát đáp ứng kém với những phương pháp điều trị hiện tại.
Tiến hành bơm hạt vi cầu gắn Y-90 qua catheter vào khối u gan.
Giảm bớt chi phí điều trị
GS Mai Trọng Khoa cho biết, điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ là kỹ thuật khó và mới, trên thế giới chỉ có một số nước có thể làm được. Ở Việt Nam, hiện có hai bệnh viện thực hiện thành công là Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện trung ương quân đội 108.
Để thực hiện can thiệp này đòi hỏi có sự phối kết hợp của rất nhiều chuyên khoa như: ung bướu, y học hạt nhân, chẩn đoán hình ảnh… “Nếu như dàn nhạc giao hưởng cần sự kết hợp của nhiều nghệ sĩ tài năng thì điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ cũng vậy. Để thực hiện can thiệp bằng hạt vi cầu phóng xạ cần rất nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, có tay nghề cao của các chuyên khoa nói trên mới có thể tiến hành được”, GS Khoa nhấn mạnh.
Trước khi chính thức thực hiện kỹ thuật đối với bệnh nhân, bệnh viện đã cử cán bộ ra nước ngoài học hỏi và thực tập cũng như các chuyên gia nước ngoài đã nhiều lần đến Việt Nam để chuyển giao công nghệ.
Theo GS Khoa, chi phí cho một ca tắc mạch xạ trị tại Việt Nam khá đắt, trong đó, Ytrium-90 là chất phóng xạ nên phải nhập từ nước ngoài và chỉ các cơ sở y học hạt nhân, xạ trị ung thư thì mới được sử dụng và tiến hành.
Ông cũng cho biết, so với thu nhập ở nước ta thì chi phí này còn hơi cao. Nhưng thực tế, hiện nay rất nhiều bệnh nhân ung thư gan ra nước ngoài để làm phương pháp này, dù đắt đỏ gấp nhiều lần. Vì vậy, việc ứng dụng thành công kỹ thuật điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ ở Việt Nam đã góp phần giảm chi phí điều trị và đi lại cho bệnh nhân, bệnh nhân sẽ được theo dõi thường xuyên sau các ca can thiệp. “Hy vọng kỹ thuật điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ sớm được triển khai ở nhiều cơ sở khác, khi đó nhiều người bệnh sẽ được tiếp cận với công nghệ kỹ thuật cao này”, GS Mai Trọng Khoa nói.