Hiện nay, Tiền Giang đang triển khai mô hình luân canh cá + lúa ở xã Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè) và Tân Phú (Cai Lậy) nhằm thúc đẩy chuyển dịch sản xuất theo hướng “chung sống với lũ” tại các huyện đầu nguồn, tạo điều kiện để nhân dân ổn định sản xuất và đời sống. | |
Tham quan mô hình luân canh cá + lúa |
Tổng cộng có 12 hộ nông dân tham gia trên tổng diện tích đất sản xuất khoảng 6 ha áp dụng mô hình luân canh cá + lúa trong đó có 2 ha mặt nước thả nuôi 200.000 con cá nước ngọt giống với đối tượng cá sặc rằn là chính. Kinh phí đầu tư cho dự án gần 400 triệu đồng và thời gian kéo dài từ năm 2013 đến vụ Đông xuân 2013 – 2014.
Tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn cách làm bờ bao, đào ao mương thả cá xung quanh thửa ruộng có qui cách phù hợp, bố trí lịch thời vụ sản xuất theo mô hình mới. Bên cạnh đó, còn được hỗ trợ 100% lượng con giống thả nuôi và 30% chi phí về thức ăn. Các loại cá nước ngọt được chọn thả nuôi trong mô hình ghép với cá sặc rằn: cá rô đồng, cá điêu hồng, cá mè... Đối với sản xuất lúa, nông dân được hướng dẫn áp dụng “ba giảm, ba tăng” và các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến khác, giúp giảm phân bón và thuốc trừ sâu nên giảm được chi phí. Hiện nay, cá nuôi trên 9 tháng tuổi, bà con đang tuyển chọn cá lớn thu hoạch trước một số cho thấy kết quả rất khả quan. Dự kiến sau vụ đông xuân 2013 – 2014 sẽ thu hoạch toàn bộ cá nuôi trên ruộng.
Đơn cử như hộ ông Trần Văn Đẹp, cư ngụ tại ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh có 1 ha đất sản xuất tham gia mô hình cá + lúa trong đó diện tích mặt nước 4.000 m2 (0,4 ha). Ông thả tổng cộng gần 100 kg cá giống: sặc rằn, rô đồng, mè....Ông Đẹp đã thu hoạch lứa đầu tiên 150 kg cá mè và cá rô đồng thương phẩm, bán được gần 4 triệu đồng. Còn ông Nguyễn Văn Thưng , cư ngụ tại ấp Mỹ Trinh A, Hậu Mỹ Trinh, Cái Bè tham gia mô hình trên diện tích sản xuất gần 0,6 ha trong đó có gần 1.000 m2 (0,1 ha) mặt nước nuôi cá. Trong mô hình trên, ông Thưng thả 100 kg cá giống các loại. Cá trên ruộng đã được 9 tháng tuổi, đang lớn nhanh. Ông Thưng đánh giá, phần lúa trên ruộng vụ đông xuân năng suất 80 tạ/ ha, còn sản lượng cá dưới ao không dưới 1 tấn cá thịt.
Còn anh Trương Văn Xóm, cư ngụ tại xã Tân Phú (Cai Lậy) là một trong những nông dân tích cực tham gia mô hình cho biết, anh được tập huấn kỹ thuật, được hướng dẫn cách làm bờ bao, phân bố lịch thời vụ sản xuất theo mô hình mới. Vào vụ nuôi cá, anh được cấp 12.000 con cá sặc rằn giống, 2.250 con cá rô đồng và 750 con cá mè vinh thả nuôi trên diện tích 1.500 m2 đất lúa. Đến kỳ thu hoạch, trọng lượng bình quân cá rô đồng đạt 170 g đến 200 g/ con, mè vinh 150 – 200 gr/con, cá sặc rằn đạt 75 – 80 gr/con. Năng suất thu hoạch ước trên 7 tấn cá thương phẩm.
Theo Kỹ sư Mai Thành Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, qua khảo sát, cá đồng nuôi trong mô hình luân canh cá + lúa đạt năng suất bình quân trên 7 tấn/ ha mặt nước. Đối với cây lúa, qua theo dõi các vụ sản xuất hè thu chính vụ đã thu hoạch năng suất cao hơn 8 – 10% so với ruộng bình thường. Ngoài ra, nhờ áp dụng các biện pháp thâm canh khoa học, nông dân còn giảm chi phí sản xuất lúa bình quân từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/ ha nên cũng tăng thêm nguồn thu đáng kể. Nhìn chung, lợi nhuận trong mô hình tăng thêm khoảng 30% so với trồng lúa độc canh.
Đó là những cơ sở khoa học giúp ngành chức năng kết luận luân canh cá + lúa là mô hình sản xuất mới cho triển vọng kinh tế cao hơn hẳn kiểu sản xuất lúa độc canh truyền thống tại các địa bàn vùng ngập lũ phía tây tỉnh Tiền Giang: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước. Trước triển vọng trên, trong năm 2014, Tiền Giang có kế hoạch tổ chức thêm một số điểm trình diễn sản xuất cá + lúa với qui mô khoảng 2 ha mặt nước tại các huyện trọng điểm trong nỗ lực nhân rộng ra cộng đồng. Đây là cách thiết thực nhất giúp nông dân vùng lũ Tiền Giang tháo gỡ khó khăn để vươn lên làm giàu thông qua chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi.– Kỹ sư Mai Thành Lộc cho biết./.