Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Trí thức Tiền Giang: sau 03 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X
(Ngày đăng: 29/05/2012)
Qua 03 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sau một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IX, đội ngũ trí thức tỉnh nhà đã có những đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực khoa học và công nghệ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Tính đến cuối năm 2011, tỉnh nhà có trên 22 nghìn trí thức khoa học, trong đó có 48 nghiên cứu sinh (đã bảo vệ luận án tiến sĩ 26 vị từ năm 1997), hơn 584 học viên cao học (đã bảo vệ luận văn thạc sĩ 499 vị), có 310 bác sĩ chuyên khoa I, 32 bác sĩ chuyên khoa II.

Ở trình độ Đại học 9.884 và Cao đẳng 11.566 được đào tạo từ nhiều nguồn, đang làm việc trong các ngành kinh tế, chính trị, khoa học – công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng…Trong đó, trí thức trực tiếp làm việc trên lĩnh vực khoa học và công nghệ trên 20 nghìn người, chiếm tỉ lệ 93%. Số sinh viên, học sinh Tiền Giang đang du học ở nước ngoài trên 500 người.

Cùng với dân tộc, trí thức Tiền Giang đã thể hiện tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội có bản lĩnh vững vàng, năng lực, tri thức tốt, có thể làm chủ kỹ thuật mới, muốn được làm việc, được cống hiến, muốn có điều kiện nghiên cứu, sáng tạo góp phần tạo sự phát triển mới của tỉnh.

Phần lớn trí thức sau khi đào tạo đã được bố trí công việc phù hợp với chuyên môn, phát huy được kiến thức nên đã tạo được phong trào học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo có hiệu quả. Số trí thức nghỉ hưu vẫn tiếp tục lao động trong nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình khoa học được ứng dụng rộng rãi trong thực tế đời sống xã hội.

15 Trí thức được tôn vinh tại buổi Họp mặt trí thức khoa học
và công nghệ tỉnh Tiền Giang đầu Xuân Nhâm Thìn 2012

 

 

 

 

Hiện nay, Tỉnh đang tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để trí thức phát huy vai trò của mình trong nghiên cứu khoa học, trong sáng tạo và cống hiến; tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; thực hiện nhiều đề án, đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng có giá trị về khoa học – kỹ thuật và văn hóa, nghệ thuật; đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo giải quyết được những vấn đề mới phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định những chủ trương, chính sách.

Một bộ phận trí thức tham gia công tác lãnh đạo, quản lý đã phát huy tốt vai trò và khả năng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và trình độ quản lý của chính quyền các cấp.

Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Một số trí thức Việt kiều, người Tiền Giang về tham gia một số chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác trí thức được Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm thể hiện việc coi trọng vị trí, vai trò của trí thức, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, các hội trí thức hoạt động và phát triển.

* Về những mặt cần hướng tới:

Tuy số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức có tăng lên nhưng hiện nay, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo xu hướng hội nhập kinh tế thế giới:

- Trí thức nghiên cứu khoa học cơ bản và chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, chưa quy tụ đông đảo đội trí thức nên chưa có tập thể khoa học mạnh, có uy tín; sự đóng góp của trí thức vào những chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của địa phương chưa ngang tầm so với yêu cầu.

- Việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ và học vị bậc đại học những năm qua, nhìn chung tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, thể hiện trong tư duy và năng lực, hiệu quả hoạt động trong các ngành kinh tế và các lĩnh vực khác. Hệ quả là hiện nay, ở tỉnh ta rất thiếu cán bộ trẻ kế cận có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, có năng lực triển khai công nghệ, tìm tòi, sáng tạo ra công nghệ mới; thiếu vắng trí thức ở nông thôn – nơi thực sự có nhiều yêu cầu về khoa học – kỹ thuật để hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

- Trí thức trong tỉnh ít có điều kiện đi sâu, vươn xa để nghiên cứu, học tập nên chưa có nhiều công trình sáng tạo lớn có khả năng thực hành và ứng dụng cao; nặng tính mô phỏng theo mô hình cũ; chưa tương xứng với nhu cầu phát triển và đời sống, nhất là phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp; kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin còn yếu. Rất ít công trình nghiên cứu, đề tài khoa học do các nhà khoa học trẻ thật sự làm khoa học làm chủ nhiệm đề tài.

- Công tác nghiên cứu khoa học trong tỉnh chưa liên kết chặt chẽ với thế mạnh của các Viện nghiên cứu, các trường đại học trong khu vực và trong tỉnh; đa số sinh viên, cán bộ, công chức trong tỉnh, sau khi đã đạt được bằng cấp, học vị, ít tiếp tục nghiên cứu công trình mới. Một số trí thức chuyển sang làm công tác quản lý kinh doanh, làm chính trị nên ít đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

- Công tác phản biện xã hội của Mặt Trận Tổ Quốc; công tác giám định xã hội cùa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các Hội thành viên đối với các công trình, đề án, dự án lớn trong tỉnh, huyện chưa được thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ phản biện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn Trung ương…

- Khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu lý luận, khả năng dự báo còn yếu, làm hạn chế việc tham mưu định hướng và đề ra mục tiêu dài hạn; chưa tạo điều kiện để đội ngũ trí thức tỉnh nhà đóng góp tích cực vào những vấn đề do thực tiễn quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đặt ra.

- Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các Hội thành viên và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chưa đủ mạnh để quy tụ và phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong nhu cầu mới.

- Công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý đội ngũ trí thức, nhất là khâu đánh giá, sử dụng trí thức dư luận chung còn nhiều điểm chưa hợp lý, thiếu cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức yên tâm nghiên cứu, cống hiến, sáng tạo ra những kết quả tốt trong hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp; tỉnh chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút trí thức Tiền Giang đang sống và làm việc ở ngoài tỉnh và nước ngoài tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc của tỉnh và tạo điều kiện để trí thức trong tỉnh được giao lưu, hợp tác làm việc ở các trung tâm khoa học và văn hóa lớn trên thế giới.

Nhìn chung, hoạt động khoa học trong tỉnh đã có bước phát triển nhưng chưa thực sự xuất phát từ những nhu cầu và gắn bó mật thiết với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Trong không khí mừng Đảng, mừng xuân 2012, phát huy truyền thống “Đoàn kết – Sáng tạo – Phát triển” cùng đội ngũ trí thức cả nước, đội ngũ trí thức Tiền Giang sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp khoa học – công nghệ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước./.

Trần Hoàng Diệu

 Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang

 

 

 

Tin liên quan