Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tận dụng nguồn lực địa phương vì sự phát triển bền vững vùng rau VietGAP tại Tiền Giang
(Ngày đăng: 13/02/2014)

Hiện nay nhu cầu tiêu thụ rau an toàn của người tiêu dùng ngày càng tăng cao tạo điều kiện cho nguồn cung phát triển. Mỗi ngày hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP. HCM tiêu thụ bình quân 217 tấn rau, trong đó rau VietGAP là hơn 98 tấn. Trong năm 2014, dự báo tổng sản lượng tiêu thụ rau VietGAP ở TP.HCM sẽ tăng 39% so với nhu cầu hiện tại và đạt mức bình quân 137 tấn/ngày. Đến năm 2020, lượng rau VietGAP tiêu thụ mỗi ngày của thành phố có thể đạt tới 962 tấn (Nguồn: website www.VietGAP.gov.vn của Cục Trồng trọt). Trong khi đó, toàn thành phố hiện tại chỉ mới có hơn 145,7 ha diện tích đất sản xuất rau VietGAP với sản lượng khoảng 42,84 tấn/ngày (Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. HCM). Do đó, dễ nhận thấy rằng đầu ra cho các sản phẩm rau VietGAP ở TP.HCM vẫn còn khá lớn và không ngừng gia tăng trong thời gian tới.

Tận dụng lợi thế vị trí gần TP.HCM (một thị trường lớn hứa hẹn đầu ra ổn định cho sản phẩm rau VietGAP), từ năm 2013, Tiền Giang bắt tay xây dựng dự án “Xây dựng và nhân rộng vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP tỉnh Tiền Giang” do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì với dự kiến vùng trồng rau đạt chứng nhận VietGAP của tỉnh rộng khoảng 450 ha với 45 hợp tác xã/tổ hợp tác (HTX/THT) trên địa bàn Châu Thành,  Mỹ Tho, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công, Gò Công Đông.

Sản xuất rau theo VietGAP ngoài nâng cao giá trị sản xuất và lợi nhuận cho người trồng rau trên cùng một diện tích còn mang lại lợi ích xã hội to lớn cho việc bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, sức khoẻ người lao động, giảm ô nhiễm môi trường, giữ vững cân bằng sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Để xây dựng, duy trì và phát triển bền vững vùng rau VietGAP trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, một số điểm mấu chốt sau cần được quan tâm:

 (1) Tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL)

Sản xuất theo VietGAP sẽ gia tăng chi phí đầu tư bao gồm: chi phí đánh giá chứng nhận 2 năm/lần và chi phí vận hành hệ thống quản lý chất lượng thường xuyên (tiền lương cho nhân sự quản lý; chi phí lấy mẫu, phân tích mẫu định kỳ; chi phí đi lại hội họp, hướng dẫn, nhắc nhở; chi phí kiểm tra, giám sát; chi phí văn phòng phẩm…).

Nếu trên diện tích 450 ha tổ chức xây dựng 45 HTQLCL và đánh giá chứng nhận VietGAP riêng lẻ cho từng HTX/THT thì chi phí vận hành 45 HTQLCL và đánh giá chứng nhận 45 HTQLCL là rất lớn. Thêm vào đó khả năng duy trì, tái chứng nhận sẽ rất khó khăn vì nếu 01 HTX/THT chỉ sản xuất 10 ha rau thì không đủ khả năng chi trả chi phí phát sinh thêm do VietGAP.

Như vậy, các HTX/THT cần phải liên kết lại theo kiểu “Mô hình GAP do doanh nghiệp điều hành” (Hình 1). Trong mô hình này, các HTX/THT tập trung hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất và tổ chức thu gom sản phẩm từ các nông hộ giao cho doanh nghiệp (giống như một phân xưởng sản xuất công nghiệp); Ngần ấy công việc là phù hợp với năng lực, trình độ của Ban quản lý HTX/THT; Phần quản lý, điều hành chung về HTQLCL thuộc trách nhiệm doanh nghiệp (đứng đầu là Giám đốc). Doanh nghiệp chi trả chi phí vận hành và chứng nhận HTQLCL, là chủ sở hữu của giấy chứng nhận VietGAP và sản phẩm VietGAP.

 

 
      Hình 1. Sơ đồ tổng quát mô hình quản lý vùng nguyên liệu rau đạt

chứng nhận VietGAP trên địa bàn nhiều huyện của 01 tỉnh

 

Chỉ một hệ thống quản lý chất lượng theo VietGAP này có khả năng quản lý cả vùng nguyên liệu rộng lớn và quản lý trên địa bàn cả tỉnh. Chi phí vận hành và chứng nhận một hệ thống quản lý chất lượng quy mô lớn do doanh nghiệp điều hành tiết kiệm nhiều lần so với vận hành và chứng nhận nhiều hệ thống quản lý chất lượng quy mô nhỏ.  Ví dụ, nếu đánh giá chứng nhận VietGAP riêng lẻ cho 45 THT/HTX trên vùng nguyên liệu 450 ha thì chi phí chứng nhận 2 năm/lần khoảng 1,575 tỷ đồng (35.000.000 đồng/HTX x 45) nhưng nếu 45 HTX/THT này liên kết lại dưới quyền điều hành chung của 01 doanh nghiệp thì chi phí đánh giá chứng nhận trên toàn bộ diện tích 450 ha chỉ khoảng 50 triệu đồng.

(2) Ứng dụng công nghệ sinh học

Mặc dù, hệ thống quản lý chất lượng theo GAP có thiết lập và duy trì thường xuyên các biện pháp kiểm soát chất lượng (đặc biệt là dư lượng hoá chất) trên sản phẩm nhưng khó mà triển khai đạt hiệu quả triệt để. Đặc biệt khi áp dụng VietGAP trên diện rộng hàng trăm hecta với hàng ngàn nông hộ nhỏ lẻ tham gia, khó đảm bảo sự tuân thủ tuyệt đối các quy định về sử dụng hoá chất BVTV và sự lạm dụng hoá chất nếu xảy ra sẽ gây rủi ro khôn lường về dư lượng trên sản phẩm. Để giảm thiểu rủi ro hoá học đến mức thấp nhất, ngoài áp dụng quy trình VietGAP còn cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học cho vùng sản xuất như: sử dụng giống kháng, giống cấy mô, phân bón hữu cơ sinh học, thuốc sinh học hoặc có nguồn gốc sinh học, biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp thay thế dần các biện pháp sử dụng hoá chất trong phòng trừ dịch hại.

Việc áp dụng các biện pháp sinh học trên diện tích nhỏ sẽ không hiệu quả nếu toàn bộ diện tích nuôi trồng chung quanh đều sử dụng thuốc hoá học. Ứng dụng công nghệ sinh học trên diện rộng sẽ mang lại hiệu quả ngăn ngừa dịch hại như mong muốn đồng thời có ý nghĩa lớn về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giữ vững cân bằng sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện theo Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh uỷ và Kế hoạch  82/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

(3) Tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có tại địa phương

Theo Quyết định 26/2013/QĐ-UBND ngày 19/06/2013 của UBND tỉnh Tiền Giang, giao Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thực hiện tư vấn và chứng nhận VietGAP cho các cơ sở tham gia sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh. Thực hiện theo Quyết định này sẽ tận dụng được nguồn lực sẵn có tại địa phương để phát triển bền vững vùng rau VietGAP của tỉnh nhà:  Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học - đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Khoa học & Công nghệ Tiền Giang tọa lạc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nên các chi phí đi lại, xăng xe trong quá trình thực hiện tư vấn và chứng nhận VietGAP sẽ rất thấp; tận dụng được nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về VietGAP tại địa phương; tận dụng được máy móc, trang thiết bị, dụng cụ thử nghiệm mẫu VietGAP sẵn có của tỉnh, không phải mua mới hay thuê mướn từ bên ngoài.

Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực tư vấn GAP ở vùng Đông Nam bộ (ĐNB) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ năm 2008 cho đến nay, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học đã xây dựng trên 20 đề cương đề tài, dự án VietGAP/GLOBALG.A.P;  tư vấn, hướng dẫn xây dựng thành công trên 26 mô hình VietGAP/GLOBALG.A.P cho sản phẩm lúa, rau, quả tươi của các tỉnh Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang, Long An; trở thành đơn vị tư vấn VietGAP/GLOBALG.A.P có uy tín, thương hiệu mạnh nhất ở khu vực ĐNB và ĐBSCL. Với  nhiều kinh nghiệm về tổ chức tư vấn, hướng dẫn nông dân thực hành VietGAP, đặc biệt là các mô hình VietGAP/GLOBALG.A.P quy mô lớn hàng trăm hecta, Trung tâm hiện đang liên kết tư vấn VietGAP cho nhiều tỉnh/thành ở vùng ĐNB và ĐBSCL.

 Ngày  24/12/2013, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học được Cục Trồng trọt chỉ định là Tổ chức chứng nhận VietGAP trồng trọt (TCCN VietGAP) cho sản phẩm rau, quả tươi, lúa theo Quyết định số  597/QĐ-TT-QLCL. Để được chỉ định là Tổ chức chứng nhận VietGAP, Trung tâm đã tích cực gửi nhiều lượt cán bộ tham dự các khóa đào tạo nghiệp vụ do Cục Trồng trọt tổ chức; xây dựng, vận hành hệ thống quản lý và có năng lực hoạt động chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7457:2004; được Đoàn đánh giá TCCN VietGAP của Cục Trồng trọt thẩm định về: (i) Cơ sở vật chất ; (ii) Nguồn nhân lực ; (iii) Hệ thống quản lý chất lượng ; (iv) Quy trình lấy mẫu, phân tích mẫu VietGAP; (v) Quy trình đánh giá chứng nhận VietGAP.

Phòng thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học có bề dầy kinh nghiệm hơn 30 năm được công nhận phù hợp theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 với hàng ngàn mẫu thử nghiệm mỗi năm. Phòng thử nghiệm có lực lượng kiểm nghiệm viên được đào tạo bài bản về công tác lấy mẫu và kiểm nghiệm mẫu VietGAP; có đầy đủ các máy móc, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác lấy mẫu và kiểm nghiệm mẫu VietGAP.

Ngoài ra, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học còn có thế mạnh trong việc kết hợp thực hành nông nghiệp tốt (GAP) với ứng dụng công nghệ sinh học. Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh Bioroot của Trung tâm đã được thử nghiệm thành công trên diện tích 200 ha rau màu của tỉnh Tiền Giang trong dự án “Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất rau an toàn” và ứng dụng thành công trên vùng rau VietGAP của tỉnh Long An trong đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP tại 3 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hoà tỉnh Long An” năm 2012-2014 ./.

TS. Nguyễn Hồng Thuỷ
Tin liên quan