Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hiệu quả kép từ việc sử dụng máy ép củi trấu.
(Ngày đăng: 11/02/2014)

Anh Nguyễn Văn Đức - chủ DNTN Kim Tài (ấp Tân Hòa, xã Tân Hương, Châu Thành, Tiền Giang) nói về những khó khăn trong việc xử lý lượng trấu thải ra từ nhà máy xay xát của mình: "Mỗi ngày nhà máy xay trung bình 60 tấn lúa, lượng trấu thải ra khoảng 12 tấn. Mùa nắng việc tiêu thụ trấu tương đối thuận lợi, nhưng đến những tháng mưa, không có ghe đến mua làm trấu nghẹt ứ gây nhiều khó khăn cho hoạt động của nhà máy, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến môi trường".
Anh Đức đang vận hành máy ép củi trấu tại doanh nghiệp

 Đầu năm 2009, anh tìm đến một cơ sở cơ khí ở huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) đặt mua 3 chiếc máy ép trấu với giá 35 triệu đồng/máy để phục vụ cho việc ép trấu làm củi. Máy ép củi trấu có cấu tạo khá đơn giản, gồm một phểu chứa trấu, một môtơ truyền động công suất 15 mã lực, dây cuaro truyền động, hộp giảm tốc, trục vít ép trấu, nòng thép đường kính 80 cm (để định dạng thanh củi) với nòng nhiệt bao bọc bên ngoài, đốt nóng bằng điện tới 220oC để sấy và ép trấu thành cây. Sau đó, do nhu cầu thị trường tiêu thụ củi trấu gia tăng, anh tiếp tục mua thêm 2 máy và tiến hành cải tiến 3 máy ép hiện có theo hướng tăng công suất. Hiện tại, mỗi giờ, mỗi máy có thể sản xuất từ 180-200 kg củi trấu thành phẩm (tỷ lệ trấu hao hụt khoảng 0,5%). Với giá bán 1.300 đồng/kg, sản xuất mỗi kg củi trấu anh thu lãi trên 400 đồng. Sản phẩm củi trấu hiện được một số nhà máy, cơ sở sản xuất trong, ngoài huyện sử dụng nhiều do thân thiện với môi trường, đồng thời, tiết kiệm chi phí nhiên liệu.

Vô bao củi trấu thành phẩm tại DNTN Kim Tài

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Nông Tiến (xã Tân Hương, Châu Thành) chuyên sản xuất phân hữu vi sinh cho biết, Công ty ông đang sử dụng củi trấu thay thế than đá để cung cấp nhiệt độ cho dây chuyền sấy phân hữu cơ dạng viên do vừa tiết kiệm chi phí, vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường. Qua tính toán, anh nhận thấy nếu sử dụng 1,5 kg củi trấu sẽ cung cấp nhiệt lượng tương đương 1 kg than đá. Vì vậy, việc sử dụng củi trấu đã giúp Công ty tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể so với than đá.

Theo anh Đức, máy ép củi trấu hiện tại chưa có thiết bị cắt, nên anh phải dùng móc sắt để kéo gãy thanh củi dài từ 30 - 40 cm. Trong thời gian tới, anh dự kiến đầu tư thêm thiết bị cắt tự động có thể tự điều chỉnh chiều dài thanh củi theo ý muốn, kết hợp bổ sung công đoạn đóng gói, bao bì để xuất bán cho một số khách hàng nước ngoài đang ngỏ ý đặt hàng.                                   

Việc đầu tư máy ép củi trấu của DNTN Kim Tài được xem là giải pháp hữu hiệu để giúp giảm thiểu tác động đến môi trường; đồng thời, giúp mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Từng bước sử dụng củi trấu thay thế dần một số loại chất đốt khác vừa giúp tiết giảm chi phí nhiên liệu, vừa khuyến khích người dân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ứng dụng để sản xuất theo hướng sạch hơn, đảm bảo thân thiện với môi trường do phế phẩm thu được sau khi đốt củi trấu còn có thể tái sử dụng để bón cây, bón lót giúp cải tạo và tăng độ tơi xốp cho đất.                                         

Huỳnh Văn Xĩ
Tin liên quan