Nước lũ đang gây ngập nhiều nơi ở ĐBSCL, nhưng với hàng trăm cụm tuyến dân cư vượt lũ và các vùng đê bao khép kín phục vụ sản xuất tại vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên đã giúp người dân yên ổn, mọi sinh hoạt gần như bình thường. Điều này chứng tỏ việc xây dựng các cụm tuyến dân cư và đê bao phục vụ sản xuất cho vùng lũ là giải pháp đúng. Tuy vậy cũng cần xem lũ dữ năm nay là một thử thách, một cuộc kiểm chứng để nhìn lại những ưu điểm, hạn chế trong việc quản lý, vận hành các công trình đã xây dựng và cả trong sự liên kết, phối hợp hỗ trợ nhau ngăn chặn, giảm nhẹ thiệt hại do nước lũ, để khắc phục những gì chưa hoàn thiện, bổ sung cho kịch bản chung về khả năng thích ứng trước các hiện tượng biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng cao. | |
Qua diễn biến của mùa lũ năm nay, chúng ta dễ nhận thấy cụm tuyến dân cư (CTDC) vượt lũ và các vùng đê bao cũng đã lộ ra những mặt hạn chế là gây cản trở việc phân tán nước và tiêu thoát lũ, ngăn chặn bớt những nguồn lợi do lũ mang đến một cách tự nhiên. Quan trọng hơn là việc sắp xếp, bố trí mùa vụ, cơ cấu giống cây con, sự quản lý, điều tiết sản xuất... để kịp thời ứng phó an toàn với lũ từ CTDC và các vùng đê bao còn chưa tốt.
Trong khi chờ đợi một sự liên kết vùng để thống nhất điều hành chung trong việc kiểm soát, ứng phó với nước lũ tốt hơn, xin đề xuất những giải pháp trước mắt như sau:
- Trước mắt trong những năm tới, các tỉnh trong vùng cần sớm hình thành ban kiểm soát lũ ĐBSCL chung để có sự chỉ đạo thống nhất trong việc ứng phó, ngăn chặn thiệt hại do lũ và cả việc phục vụ sản xuất lẫn bảo vệ đời sống, phát triển văn hóa tinh thần cho nhân dân.
- Ban kiểm soát lũ ĐBSCL chung cần khẩn trương xây dựng chiến lược mang tính khoa học, đồng bộ, khả thi, được xã hội hóa hợp lý và có sự phối hợp tốt, mang tính toàn vùng trong kiểm soát lũ. Tức là có sự huy động đóng góp, giám sát và can thiệp hợp lý của cộng đồng cư dân các địa phương bên cạnh sự đầu tư của chính phủ. Bởi vì sự an toàn lẫn việc chia sẻ lợi ích chung từ các tỉnh phía đầu nguồn đến các địa phương phía hạ lưu có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó nhau. Trong công tác đón lũ, phân lũ bảo vệ các CTDC, các vùng sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái trong và cả ngoài đê bao không thể tiến hành tốt với quan điểm cục bộ, địa phương mà phải có sự điều tiết mang tính tổng thể cả vùng nên cộng đồng dân cư toàn vùng phải cùng nhau gánh vác, sẻ chia (bằng việc linh hoạt bố trí mùa vụ, cơ cấu giống, loại cây trồng, vật nuôi...).
- Hạn chế của việc kiểm soát lũ ĐBSCL thời gian qua và hiện nay là tổ chức sản xuất, bố trí dân cư đều khắp trên toàn vùng ngập lũ mà không có sự dự phòng vùng hứng lũ để cứu các vùng, khu vực phải xả lũ giữ đê khi cần thiết nếu gặp lũ đặc biệt lớn như năm nay. Vì thế hướng tới cần phải quy hoạch có vùng để xả lũ khi cần kíp. Đó là các cánh đồng vùng hạ lưu mà ở đó phải được bố trí mùa vụ gieo sạ sớm, cơ cấu giống cây con hợp lý để có thể thu hoạch kịp thời, chuẩn bị sẵn sàng cho phục vụ xả lũ khi cần kíp. Thí dụ vùng trong đê bao đầu nguồn cần bố trí canh tác giống lúa ngắn ngày, cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng hay chu kỳ thu hoạch ngắn, mùa vụ gieo sạ hay bắt đầu nuôi trồng cần phải sớm hơn để thu hoạch sớm khi lũ về, và sau khi thu hoạch xong cũng cần có kế hoạch xả cho nước lũ vào ruộng để vừa có được phù sa màu mỡ, vừa chia bớt nước cho các khu vực khác có thể đang bị đe dọa vỡ đập. (Phải có sự tính toán khoa học linh hoạt và dưới sự điều hành thống nhất chung của Ban chỉ đạo thống nhất và cộng đồng tham gia, chấp hành tốt). Các tỉnh, các vùng phía hạ lưu cuối nguồn cũng cần sự nhận định nhạy bén, bố trí giống mùa vụ linh hoạt để cùng phối hợp ứng phó kịp thời khi nước lũ tràn về.
- Để góp phần kiểm soát lũ thành công tốt đẹp thì các vùng vườn cây ăn trái, vùng canh tác rau màu trong đê bao của các tỉnh cũng cần thiết kế bờ liếp, có cao độ hợp lý, hệ thống kênh mương, cống thoát vững chắc đóng mở an toàn để sẵn sàng hứng lũ chủ động, vừa có thể kiểm soát điều tiết được nguồn nước theo hướng có lợi vừa góp phần can thiệp giúp giảm bớt áp lực nước cho các vùng bạn đang bị đe dọa.