Hiện nay trên các địa bàn nông thôn, bà con nông dân hay tận dụng các mương vườn, mương rẫy để nuôi cá tăng thu nhập. Những ao này thường dài và hẹp chiều ngang, phần lớn có diện tích chỉ khoảng 100 – 200 m2. Đối với những ao nuôi này, các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, oxy hoà tan, độ trong… biến động nhiều theo ngày đêm, theo mùa. Ngoài ra, ao có diện tích nhỏ cũng dễ bị nhiễm bẩn và hình thành các khí độc như NH3, H2S… hơn so với ao lớn. Do đó, đối với ao nuôi có diện tích nhỏ, cá phải chịu đựng các điều kiện môi trường bất lợi hơn so với nuôi trong ao có diện tích lớn, nhất là trong các thời điểm giao mùa. | |
Để có thể tận dụng các ao nhỏ nuôi cá, cần lưu ý các yếu tố:
- Chọn nuôi các loài cá có cơ quan thở phụ, và thích nghi tốt với biến động của môi trường. Thường nên chọn nhóm cá đen như trê, lóc, tai tượng, tra, mùi, rô đồng, sặc rằn…
- Mật độ thả giống vừa phải, và nên thả ghép với các loài cá ăn mùn bã hữu cơ để giảm bớt chất hữu cơ trong ao nuôi. Riêng cá trê, cá lóc là loài cá dữ chỉ nên nuôi đơn.
- Ao không nên quá hẹp chiều ngang, và cần đảm bảo độ sâu tối thiểu của ao phải trên 1 m nước, đồng thời có thể chủ động cấp thoát nước. Nên đào rãnh hoặc đắp bờ xung quanh ao để hạn chế nước mưa cuốn theo các phần tử bùn sét trôi xuống ao khiến ao nuôi thay đổi đột ngột về pH, nhiệt độ, độ trong….
- Thường xuyên theo dõi các yếu tố như hàm lượng oxy, nhiệt độ, pH, độ trong, hàm lượng khí độc NH3 trong ao nuôi, nhất là trong thời điểm giao mùa. Nếu thấy cá bị nổi đầu kéo dài vào buổi sáng sớm là dấu hiệu ao nuôi bị thiếu oxy, cần chủ động thay nước (nếu ao dơ) hoặc san thưa cá./.