Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Kinh nghiệm quản lý thức ăn khi nuôi tôm thẻ chân trắng
(Ngày đăng: 20/01/2014)

Để nuôi một hecta tôm thẻ chân trắng (TTCT) thâm canh cần đổ vào ao nuôi tới 11 - 26 tấn thức ăn và giá trị lượng thức ăn này cũng chiếm hơn 50% tổng chi phí đầu tư. Nếu quản lý thức ăn không tốt, giá thành nuôi tôm sẽ tăng cao đáng kể, thức ăn dư thừa sẽ làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm và dịch bệnh có điều kiện thuận lợi để phát sinh. Do đó, quản lý thức ăn tốt là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của vụ nuôi tôm thẻ chân trắng.
Quản lý thức ăn tốt là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của vụ nuôi tôm thẻ chân trắng (ảnh chụp xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang)

            Theo tài liệu khoa học, TTCT có nhu cầu đạm (protein) chỉ vào khoảng 32-35%, thấp hơn so với mức 40-45% của tôm sú (TS). Về tập tính ăn, TTCT cũng có nhiều khác biệt so với tôm sú (TS). TTCT có thể ăn liên tục suốt ngày, ăn được thức ăn lơ lửng và khi đói có thể ăn lại phân của chính nó, trong khi TS không có đặc tính này. Hàm lượng oxy hòa tan, nhiệt độ cũng ảnh hưởng nhiều đến sức ăn của TTCT.

Trên thực tế, một số hộ nuôi tôm đã thử nghiệm dùng thức ăn TS để cho TTCT ăn, nhất là trong thời điểm tháng cuối trước khi thu hoạch (thay cho thức ăn tăng trọng) cho thấy tốc độ tăng trưởng của tôm cao hơn, thời gian nuôi ngắn hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng thức ăn TS để cho TTCT ăn đòi hỏi người nuôi có trình độ quản lý ao nuôi rất cao, nếu không môi trường ao nuôi dễ bị ô nhiễm, phát sinh nhiều khí độc… ảnh hướng đến sức khỏe của tôm nuôi.
Trong tháng đầu sau khi thả tôm giống, tôm còn rất nhỏ nên việc cho tôm ăn gặp rất nhiều khó khăn do không thể đánh giá được tỷ lệ sống của tôm cũng như xác định nhu cầu thức ăn của tôm. Trong khi đó, bảng hướng dẫn sử dụng thức ăn tôm in trên bao bì của các nhà sản xuất thường cao hơn thực tế do chúng được thiết kế trong điều kiện nuôi tối ưu.
Mặt khác, người nuôi tôm thường nghĩ thiếu thức ăn trong giai đoạn này tôm sẽ chậm lớn, tăng trưởng chậm nên thường cho ăn nhiều trong tháng đầu tiên. Đó chính là lý do khiến các vấn đề môi trường ao tôm, dịch bệnh tích tụ nhanh chóng ngay sau tháng đầu nuôi tôm, thậm chí trong những ngày trong tháng đầu.
 Để quản lý tốt thức ăn TTCT trong tháng nuôi đầu tiên, người nuôi nên cho ăn chia làm 4-5 cử/ngày để giúp tôm dần làm quen với môi trường nuôi mới, bởi trong các trại giống tôm được cho ăn 8 cử/ngày với mỗi cử cách nhau 3 giờ. Sau đây là bảng tham khảo cách cho ăn trong tháng đầu nuôi cho 100.000 con tôm:
 

Ngày tuổi
Lượng thức ăn
Số cử cho ăn/ngày
Ghi chú
Ngày 1
2,5kg
4-5
 
Ngày 2- 7
Tăng 100 gram/ngày
Ngày thứ 7 không quá 3,1kg/ngày
Ngày 8-14
Tăng 200 gram/ngày
 
Ngày 15-30
Tăng 300 gram/ngày
Ngày thứ 30 không quá 9,1 kg/ngày
Tổng lượng thức ăn trong 30 ngày
Khoảng 160kg
 

Từ tháng thứ 2 trở đi có thể cho tôm ăn 3 - 4 cử/ngày, lượng thức ăn cho tôm ăn hàng ngày có thể dựa vào tổng trọng lượng đàn tôm bằng cách chài, đánh giá trọng lượng trung bình của một con tôm, ước lượng tỷ lệ sống và tính được trọng lượng bình quân của đàn tôm hiện có. Chú ý, không nên cho tôm ăn vào ban đêm nếu như hệ thống quạt nước, sụt khí không đáp ứng đủ nhu cầu oxy cho tôm. Một số tình huống mà người nuôi cần giám sát chặt chẽ để cho tôm ăn đúng nhu cầu:

TT
Trường hợp
Tỉ lệ % so với cử ăn bình thường
1
Mưa trong thời gian cho ăn
50% hoặc đợi sau khi hết mưa
2
Tảo phát triển dày đặc
70% cho đến khi tảo giảm
3
Tôm đang lột xác (pH = 8 - 9)
30% vào buổi chiều, 50% vào buổi tối và 110% vào buổi sáng
4
Tôm đang lột xác (pH < 8)
80 - 90%
5
Trời có gió nhiều
60%
6
Tảo tàn
50% cho đến khi môi trường được làm sạch bằng quạt nước và đánh vi sinh
7
Sử dụng hoá chất
Ngưng cho ăn 1 cử
8
Oxy thấp và tôm nổi đầu vào buổi sáng
Ngưng cho ăn 1 ngày
9
Có xuất hiện khí độc
60 - 70% cho đến khi khí độc giảm
10
Thời tiết thay đổi lớn
70 - 80% cho đến khi thời tiết ổn định
11
Nhiệt độ nước ở 22oC hoặc 35oC
Ngưng cho ăn đến khi nhiệt độ nước phù hợp

Trong nuôi TTCT, việc kiểm tra sàn ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cũng có nhiều khác biệt nhiều so với TS. Bởi tập tính của TTCT là ăn liên tục, ăn nhanh và bài tiết cũng nhanh khi nhiệt độ cao nên việc điều chỉnh thức ăn TTCT thông qua sàn ăn không đơn giản như TS. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp, khi cho TTCT ăn, người nuôi tôm phải duy trì ít nhất 01 dàn quạt hoặc duy trì 50% công suất quạt nên việc đánh giá nhu cầu ăn qua sàng là thiếu chính xác.
Do đó, ngoài việc kiểm tra lượng thức ăn tôm qua sàn ăn (khoảng 2 giờ sau khi bỏ sàn ăn), người nuôi tôm cần quan sát đường ruột tôm TTCT để xác định lượng thức ăn cho tôm có đủ hay không để tăng hay giảm lượng thức ăn cho lần kế tiếp. Trong điều kiện bình thường, tôm ăn thức ăn công nghiệp thì đường ruột có màu nâu đen, nhưng khi thiếu thức ăn tôm sẽ ăn mùn bã hữu cơ, phân của chính nó nên đường ruột có màu đen.
Chính vì vậy, TTCT luôn có đường ruột đầy chứ ít khi rỗng như đối với TS. Trong trường hợp thấy đường ruột TTCT rỗng người nuôi tôm có thể nghĩ đến việc tôm nuôi có thể đang mắc bệnh. Người nuôi tôm cũng cần phải chú ý đến nhiệt độ và oxy hoà tan trong khi cho tôm ăn vì hai yếu tố môi trường này có ảnh hưởng rất lớn đến tính ăn của TTCT.
KS Nguyễn Quang Trí
Tin liên quan