Trong các dịp liên hoan, cưới hỏi, lễ, Tết, các loại thực phẩm được tiêu thụ rất lớn như rượu bia, bánh kẹo, các loại mứt, thịt gia súc, gia cầm; trong đó rượu, là đồ uống không thể thiếu được, lại có khả năng gây ngộ độc, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, kể cả tính mạng người sử dụng. | |
Hôn mê do ngộ độc rượu |
Rượu xuất hiện trên trái đất khá sớm từ trước Công nguyên. Rất nhiều người biết uống rượu nhưng rất ít người am hiểu những chất có trong rượu. Trong rượu có thành phần chính là cồn nhưng trong cồn còn một số tạp chất không có lợi cho sức khỏe như: Aldehyde, este etylaxetat, metanol, izobutanol, furfurol và một số kim loại nặng là chì, đồng, kẽm v.v…
Về phân loại, rượu bao gồm (1) Rượu trắng: là đồ uống có cồn chưng cất từ dịch có nguồn gốc tinh bột, đường lên men, hoặc pha chế từ cồn thực phẩm và nước. (2) Rượu mùi: là sản phẩm được pha chế từ cồn thực phẩm với nước, có thể bổ sung thêm đường, dịch chiết trái cây và phụ gia thực phẩm; có màu sắc và mùi vị đặc trưng riêng của từng sản phẩm mà cho ta hương vị và cảm giác khác nhau; (3) Rượu vang: là loại đồ uống có cồn được sản xuất bằng phương pháp lên men từ các loại trái cây và không chưng cất; rượu vang có màu sắc và mùi vị đặc trưng của nguyên liệu và sản phẩm lên men của nó, đặc biệt có gas (CO2).
Tuyên truyền của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế
Uống rượu có một số lợi ích cho sức khỏe nếu dùng đúng cách và đúng liều, nhưng khi lạm dụng thì sẽ nguy hại cho sức khỏe. Uống rượu vừa phải kích thích tiêu hóa, tăng lưu thông khí huyết (hoạt huyết), kích thích hệ thần kinh, nhất là thần kinh trung ương. Uống rượu cung cấp năng lượng cho cơ thể, tuy nhiên năng lượng này chỉ tăng thân nhiệt (sinh nhiệt) chứ không dùng cho các hoạt động của các tế bào (không bổ dưỡng).
Rượu là chất được hấp thu rất nhanh, 90% qua màng ruột mà không cần tiêu hóa như các thức ăn khác nên tác dụng có ngay chỉ 10 phút sau khi uống, và đạt đỉnh cao trong máu chỉ sau 40-60 phút. Khi uống vào nhanh hơn vận tốc phân hủy tại gan thì nồng độ rượu trong máu sẽ tăng cao, đồng thời lượng tích tụ tại gan cũng tăng dần dẫn đến tổn thương tế bào gan, gây xơ gan hoặc làm gan thoái hóa mỡ, tạo điều kiện cho suy gan và ung thư gan phát triển. Do rượu được hấp thu qua màng ruột nên uống nhiều sẽ làm màng ruột bị hư, gây thoái hóa, dễ dẫn đến ung thư đường tiêu hóa. Phụ nữ có thai mà nghiện rượu thì con sinh ra sẽ bị chậm phát triển tâm thần, thường bị rối loạn tâm sinh lý, có những biến dạng nhất định ở cơ thể.
Tùy nồng độ của rượu trong máu mà có các tác dụng khác nhau. Khi nồng độ 0,05g/100ml máu: cảm thấy bớt bị ức chế và tăng khả năng giao tiếp. Khi nồng độ tăng lên đến 0,10g/100ml bắt đầu lè nhè. Từ 0,40g/100ml trở lên bắt đầu lơ mơ và khi nồng độ đạt tới mức 0,50g/100ml sẽ rơi vào hôn mê, còn 0,60g/100ml trở lên thì người uống sẽ bị liệt các cơ hô hấp và tử vong. Do vậy hiện nay tại nhiều nước trên thế giới người ta ấn định nồng độ rượu tối đa trong máu cho phép để lái xe là 0,08 - 0,10g/100ml máu.
Ngộ độc cấp tính có những biểu hiện như: Giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (người thấy sảng khoái, nói nhiều, các vận động phối hợp đã bị rối loạn). Giai đoạn ức chế biểu hiện: Phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng. Giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, tử vong. Ngộ độc mạn tính là do uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần.
Tuy nhiên, nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol, một chất cồn công nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất, để hạ giá thành đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán cho người tiêu dùng. Những người sử dụng thường bị nghiện rượu, ham rượu rẻ mua phải rượu có lẫn tạp chất là methanol, uống nhiều có thể gây chết người. Methanol sau khi được uống vào sẽ chuyển hoá thành formaldehyde nhờ men alchoholdehydrogenase và sau đó thành formic acid nhờ men acetaldehyde dehydrogenase. Chính những chất này gây độc cho gan, thận, gây suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề. Triệu chứng đầu tiên có thể bao gồm: chán nản, lú lẫn, ngủ li bì. Triệu chứng nhiễm độc có thể xuất hiện chậm sau 18-24 giờ, bao gồm đau đầu, các triệu chứng về thị lực (nhìn mờ, nhìn có màu trắng), buồn nôn, nôn, thở nhanh, suy hô hấp. Nhiễm độc methanol nặng gây hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.
Điều đáng bàn nhất là hiện nay, trên thị trường Việt
Để phòng ngộ độc rượu, khi uống thì nên chọn loại rượu có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm và chỉ uống ít (khoảng 30ml). Ngoài ra, cũng cần lưu ý trong khi uống rượu vẫn phải ăn cơm và thức ăn khác nhằm tránh tình trạng cảm lạnh do đói, rét. Quan niệm uống rượu cho ấm người chỉ đúng khi người uống uống một lượng rượu vừa đủ cho nhu cầu và đang ở nơi ấm, kín gió và mặc đủ ấm. Vì thân nhiệt tăng do rượu nhanh nhưng rất chóng tàn. Do vậy, nếu không ăn uống đầy đủ, người uống rượu sẽ cạn năng lượng, bị đói rét, dễ bị cảm lạnh và nguy hiểm đến tính mạng.
Uống rượu là để vui vẻ, hưng phấn, kích thích tiêu hóa, kích thích máu huyết lưu thông trong các bữa tiệc, liên hoan, lễ, tết, nếu như sử dụng với số lượng vừa phải và chất lượng rượu đảm bảo; ngược lại, những tác hại do rượu và nguy cơ bệnh tật sẽ là nỗi ám ảnh của sử dụng nó. Vì vậy, trong những ngày xuân, mọi người hãy quan tâm đến việc tiết chế trong uống rượu và lựa chọn rượu đảm bảo chất lượng để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và hưởng được một cái Tết vui vẻ, tiết kiệm, khỏe mạnh và an lành.