Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Vai trò Trung tâm học tập cộng đồng phường, xã đối với việc xây dựng xã hội học tập
(Ngày đăng: 29/05/2012)
Ngày 27/10/2008 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2008/TT-BTC về việc hướng dẫn hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các Trung tâm học tập cộng đồng. Từ đó đến nay đã gần 3 năm thực hiện nhưng sự tác động của Thông tư 96/2008/TT-BTC đối với hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng phường, xã vẫn còn những vướng mắc nhất định.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện nay có 169/ 169 phường, xã có Trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỉ lệ 100%. Đa số các Trung tâm học tập cộng đồng đã ra đời và có thời gian hoạt động từ 4 năm đến 6 năm. Về mặt lý thuyết, hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng phường, xã là mô hình học tập không chính quy, là hình thức tổ chức học tập rộng rãi cho đa số người dân trong cộng đồng. Đây là hình thức học tập tương đối mới mẽ ở Việt Nam, chính hình thức học tập này sẽ tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Có thể nói, Trung tâm học tập cộng đồng là hạt nhân xây dựng phong trào học tập tại địa phương theo hình thức không chính quy và có hướng mở ra hình thức phi chính quy trong tương lai cho mọi người. Sự tác động của loại hình học tập cộng đồng này đã bước đầu được phát huy, đã được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa bằng Thông tư số 40/2010/TT-BGD-ĐT ngày 30/12/2010 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng phường, xã, thị trấn. Thông tư đã nêu rõ những quy định về vai trò, trách nhiệm của ngành Giáo dục trong việc củng cố hoạt động các Trung tâm học tập cộng đồng.

  Vừa qua, từ nguồn ngân sách đầu tư của ngành Giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã từng bước đầu tư cho 43 Trung tâm học tập cộng đồng nhằm trang bị ban đầu về cơ sở vật chất để các Trung tâm hoạt động thuận lợi và hiệu quả hơn. Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cũng dự kiến sẽ tập trung nhiều nguồn lực hơn để nâng chất hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng trong thời gian 3 năm tới. Theo đánh giá của ngành chức năng thì hiện nay    khoảng 40%  Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động đúng chức năng và phát huy khá tốt hiệu quả, số Trung tâm còn lại cần phải tập trung đầu tư nhiểu hơn nữa thì mới có thể đạt hiệu quả cao về mặt kinh tế và xã hội.

Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề? Qua khảo sát 40% Trung tâm học tập cộng đồng của tỉnh, đã bộc lộ ra một số tồn tại cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới. Vấn đề cơ bản đầu tiên là con người, là đội ngũ cán bộ tổ chức, điều hành hoạt động Trung tâm. Theo Quyết định 09/2008/QĐ-BGD-ĐT ngày 24/3/2008 của Bộ GD-ĐT thì mỗi Trung tâm có Giám đốc là Phó Chủ tịch xã ( Phường); 2 Phó giám đốc ( 1 của Hội Khuyến học và 1 của ngành Giáo dục). Với cơ cấu nhân sự kiêm nhiệm này đòi hỏi người phụ trách phải có năng lực tốt,  có sự linh hoạt và sáng tạo trong công việc khá cao để có thể giải quyết nhiều tình huống trong: tham mưu, phối hợp, tố chức và công tác tuyên truyền. Trên thực tế, Giám đốc Trung tâm là Phó Chủ tịch phụ trách văn xã kiêm nhiệm; do đó chỉ đủ thời gian lãnh đạo chung trong đó có hai nội dung quan trọng  là xây dựng hoạt động Trung tâm theo sự lãnh đạo của Đảng ủy địa phương và tiến hành phối hợp giữa các ban ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của địa phương. Nếu nhận thức tốt thì vai trò của Giám đốc là rất tích cực và thuận lợi cho công tác tổ chức hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng. Về vai trò của ngành Giáo dục - Đào tạo qua chức năng của Phó Giám đốc được ngành Giáo dục phân công sang phụ trách, đa số các Trung tâm đều có sự đóng góp của ngành Giáo dục qua vai trò của giáo viên chuyên trách phổ cập giáo dục như: mở các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục. Nhưng riêng về nội dung phối hợp tổ chức các chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống hiện vẫn còn khoảng hỏng về chất lượng, hiệu quả tác động đối với xã hội, vai trò của Hội Khuyến học là xây dựng xã hội học tập, tạo môi trường giáo dục thuận lợi để mọi người có thể học tập suốt đời.

Nếu nhìn về bình diện chung, hạn chế lớn nhất của các Trung tâm học tập cộng đồng phường, xã là về nội dung chương trình, về phương thức tổ chức hoạt động và công tác quản lý, chúng ta vẫn còn rất nhiều lúng túng trong tổ chức và quản lý các Trung tâm theo Quyết định số 09 của Bộ GD&ĐT. Vừa qua, Trung ương Hội Khuyến học trong Hội thảo tại thành phố Cần Thơ đã đặt ra vấn đề “ Bảo đảm tính chất bền vững trong hoạt động các Trung tâm học tập cộng đồng phường, xã”. Tại hội thảo này, các ý kiến của đại biểu đều hướng công tác Khuyến học vào việc xây dựng xã hội học tập, tạo nền tảng nâng cao nhận thức về vai trò của giáo dục, của việc học tập, học tập suốt đời. Như vậy, về mặt quản lý nhà nước cần chú ý đến tính chất đặc thù của loại hình học tập tương đối mới mẻ này. Sự chú ý trước hết cần thể hiện trong các kế hoạch, nghị quyết của Đảng và nhất là vai trò chủ động trong việc tổ chức, quản lý Trung tâm học tập cộng đồng, có phân cấp cụ thể trong tổ chức các hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng theo hướng phát huy tối đa hiệu quả, đồng thời bảo đảm tính bền vững của hoạt động. Theo khảo sát một số Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh nhà, chúng ta thấy có 5 yếu tố ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng: đó là nhận thức của các cấp lãnh đạo; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các giải pháp huy động và phát triển nguồn lực; khả năng chuyên môn và khả năng lãnh đạo của Ban Giám đốc trung tâm. Trong 5 yếu tố này, có lẽ vấn đề huy động nguồn lực cho hoạt động Trung tâm là quan trọng nhất. Nguồn lực ở đây bao gồm nguồn nhân lực và vật lực để duy trì hoạt động của Trung tâm; nguồn vật lực bao gồm cơ sở hạ tầng như: đất đai, cơ sở vật chất trường lớp, nhà văn hóa..; nguồn tài lực bao gồm kinh phí và các vật lực tương đương. Thực trạng nguồn lực của một số Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh hiện nay còn hạn chế về nguồn nhân lực ( bao gồm học viên, báo cáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý) tính tự giác chưa cao, yếu về kỹ năng tổ chức hoạt động học tập cho cộng đồng, nguồn vật lực thiếu thốn hoặc chưa có điều kiện khai thác.

Đổi mới cơ chế giáo dục và cơ chế quản lý giáo dục cần hướng đến mục tiêu Nhà nước và nhân dân cùng làm; điều này Đảng ta đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục- đào tạo trên tinh thần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục-đào tạo”. Để Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, đồng thời bảo đảm tính chất bền vững của hoạt động các Trung tâm học tập cộng đồng phường, xã hiện nay, chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp sau:

1/ Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp cho tất cả các đối tượng được xác định là nguồn nhân lực trong hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng. Trên cơ sở đó nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, vận dụng linh hoạt các văn bản hướng dẫn chuyên môn trong điều kiện cụ thể.

2/ Huy động tích cực sự tham gia tích cực của người dạy - người học và sự đóng góp của xã hội. Xác định nội dung học tập thiết thực, kế hoạch dạy học phù hợp, khả thi và đa dạng.

3/ Ở một số nơi, địa phương tổ chức các hoạt động của Trung tâm gắn với các hoạt động văn hóa cộng đồng qua hình thức quản lý Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng, nên chăng  chúng ta có kế hoạch nghiên cứu và thí điểm cách tổ chức khá mới mẻ này trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Trung tâm học tập cộng đồng là cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là trung tâm học tập tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cộng đồng cấp xã ( phường ) có sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia đóng góp của nhân dân trong cộng đồng. Yêu cầu nâng cao hiệu quả và bảo đảm ngày càng cao tính bền vững của các Trung tâm học tập cộng đồng, góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội học tập đã và đang đặt ra cho các nhà quản lý giáo dục những câu hỏi về đổi mới cơ chế quản lý giáo dục như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra./.

Thanh Hà
Tin liên quan