Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Cơ giới hóa nông nghiệp: vì sao chậm phát triển
(Ngày đăng: 29/05/2012)
Phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là một yêu cầu bức thiết cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị , vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thời gian qua ngành cơ khí nông nghiệp nước ta phát triển còn chậm và thấp so với các nước trong khu vực.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở nước ta nếu tính theo công suất trên tất cả các lọai máy phục vụ sản xuất nông nghiệp thì trung bình đạt 1,16 mã lực/Ha canh tác; trong khi Thái Lan 4 ML/Ha, Hàn Quốc 4,2 ML/Ha, Trung Quốc 6,06 ML/Ha. Máy nông nghiệp sản xuất trong nước khỏang 30%, máy nhập của Trung Quốc khỏang 60%, còn lại là hàng đã qua sử dụng của Nhật, Hàn Quốc. Máy Trung Quốc được sử dụng nhiều do giá rẻ, nhiều chủng lọai. Ở đồng bằng sông Cửu Long, có khỏang 42.100 máy tuốt lúa, 3.000 máy gặt xếp dãy và 600 máy gặt đập liên hợp đáp ứng được khỏang 15% diện tích lúa thu họach bằng máy, còn lại phải làm thủ công. Khâu làm đất bằng máy trong lĩnh vực trồng trọt đạt khỏang 70%, bơm nước chủ động tưới tiêu đạt khỏang 60%. Nhìn chung, các khâu làm đất, bơm nước tưới tiêu, gieo cấy, chăm sóc, thu họach bước đầu được cơ giới hóa; các khâu bảo quản, thiết bị sấy và kho chứa còn thiếu trầm trọng. Theo Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm nông dân trồng lúa khu vực này mất khỏang 3.200 - 3.600 tỷ đồng vì thất thoát sau thu hoạch (chiếm gần 12% tổng sản lượng).

Nhu cầu sử dụng máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay rất lớn do quá trình cơ giới hóa nông nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ngày càng cao nhưng công nghiệp sản xuất máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp ở trong nước, sản phẩm vừa thiếu quy chuẩn, vừa kém chất lượng, chủng lọai nghèo nàn, lạc hậu. Nước ta có khoảng 1.300 doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh máy nông nghiệp, 1.218 cơ sở chuyên sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành các loại máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị cơ khí nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Ngành nuôi tôm mỗi năm cần khoảng 70 nghìn máy nổ từ 6 đến 10 mã lực nhưng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chỉ đạt khoảng 25 nghìn máy. Chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển ngành cơ khí nông nghiệp có nhưng chưa khả thi, vì doanh nghiệp đứng ra vay vốn ngân hàng để sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp gặp khó khăn do ngân hàng ngại khả năng trả nợ của doanh nghiệp không cao nếu hàng tồn kho không tiêu thụ được. Hỗ trợ lãi suất của Chính phủ cho nông dân mua máy nông nghiệp chỉ trong thời gian ngắn trong khi quá trình đầu tư cho nông nghiệp lâu dài. Sự liên  kết giữa Nông dân, Doanh nghiệp, Nhà khoa học chưa được tốt trong khi nhu cầu sử dụng máy móc nông nghiệp là của nông dân.

Từ thực trạng nêu trên và để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trong thời gian tới nhanh và có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của nước ta trong giai đọan hiện nay, cần có những giải pháp sau:

- Tập trung đầu tư, xây dựng chuyên ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp; khuyến khích các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tham gia sản xuất máy nông nghiệp, thiết bị sấy và công nghiệp chế biến một cách có tổ chức.

- Liên kết tốt giữa Nông dân, Doanh nghiệp và Nhà khoa học. Từ yêu cầu trang bị cơ giới phục vụ nông nghiệp, nông dân có nhu cầu sử dụng những máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông lâm ngư nghiệp, doanh nghiệp là đầu mối tiếp nhận thông tin và đặt hàng cho nhà khoa học thiết kế, chế tạo máy móc phù hợp. Như thế thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp sản xuất ra mới có khả năng tiêu thụ hết.

- Có chính sách hỗ trợ làm giảm giá thành máy nông nghiệp để khuyến khích sản xuất cơ khí trong nước phát triển. Hiện nay sản xuất cơ khí nông nghiệp lợi nhuận thấp hơn so với sản xuất cơ khí thuộc các lĩnh vực khác nên khó cạnh tranh.

- Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị , vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn nên có thời gian dài trong nhiều năm và đặt thành chiến lược của quốc gia.

- Có chính sách đào tạo miễn phí cho nông dân để trang bị kiến thức về sử dụng, bảo dưỡng máy móc nông nghiệp, tiếp cận nhanh về cơ giới hóa nông nghiệp.

 

Việt Hồng
Tin liên quan