Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hiệu quả Dự án giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại Tiền Giang
(Ngày đăng: 02/12/2013)

Giai đoạn 2013 – 2017, Tổ chức Liên minh Nauy tại Việt Nam (NMA-V) tiếp tục hỗ trợ Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập – Trẻ khuyết tật Tiền Giang (Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Tiền Giang) thực hiện Dự án Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Mục tiêu đến cuối năm 2017, trẻ khuyết tật trong tỉnh được chăm sóc, được can thiệp sớm và được giáo dục hòa nhập có chất lượng thông qua nâng cao nhận thức và chung sức của cộng đồng đồng thời giúp Trung tâm phát triển năng lực, hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cô Nguyễn Thị Phụng đang luyện tập phục hồi cho cháu Nguyễn Hoàng Gia Phát tại lớp Can thiệp sớm

          Trong giai đoạn I của Dự án được tiến hành từ năm 2009 đến tháng 12/2012, NMA-V đã tập trung hỗ trợ Trung tâm nâng cao năng lực cho các cán bộ chủ chốt và đội ngũ thầy cô giáo, nâng cao nhận thức cộng đồng và triển khai các hoạt động phục hồi chức năng, giáo dục hòa nhập tại các huyện thí điểm là Cai Lậy, Chợ Gạo và Thành phố Mỹ Tho. Qua đó, Trung tâm đã thành lập được các câu lạc bộ: Câu lạc bộ người điếc, Câu lạc bộ bóng đá cộng đồng dành cho đối tượng khuyết tật, 14 nhóm hỗ trợ cộng đồng nhằm hỗ trợ vật chất và tinh thần cho trẻ khuyết tật, Câu lạc bộ phụ huynh có trẻ khuyết tật...đồng thời tư vấn, giải quyết việc làm cho hàng trăm thanh niên khuyết tật, giáo dục phục hồi và hòa nhập cho khoảng 2.000 lượt trẻ khuyết tật trong tỉnh. Nhờ vậy, đã thắp sáng niềm tin cho những mãnh đời trẻ thơ có hoàn cảnh nghiệt ngã. Dưới đây, chúng tôi ghi nhận những thành tựu ban đầu mà dự án mang lại.

       Buổi sớm, ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập – Trẻ khuyết tập (Sở Giáo dục và Đào tạo) Tiền Giang thật yên ả. Quanh sân trung tâm vắng lặng. Chỉ có tiếng thì thầm rất nhỏ phát ra từ những phòng Can thiệp sớm – Nơi mỗi phòng chỉ dăm trẻ khuyết tật theo học,  kèm theo mỗi trẻ là một vị phụ huynh và một giáo viên hướng dẫn. Lớp thật gọn nhẹ, hiệu quả. Thầy Nguyễn Văn Đáng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, mỗi tuần các vị phụ huynh đưa con em mình đến đây học – tập phục hồi các chức năng, tạo điều kiện để trẻ hòa nhập cộng đồng, từ 2 đến 3 buổi. Mỗi buổi như thế, các thấy cô giáo hướng dẫn từ 2 – 3 giờ đồng hồ. Tham gia cùng với các thầy cô giáo hướng dẫn là các phụ huynh, cha hoặc mẹ nhưng thường là mẹ có khi cả ông hoặc bà ngoại, đưa con đến, cùng dỗ dành, cùng hướng dẫn, cùng tập phục hồi cho các cháu. Cũng cần nói thêm, trẻ đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập – Trẻ khuyết tật Tiền Giang thường bị các khuyết tập bẩm sinh: khó khăn về nhìn, khó khăn về nghe, khó khăn về học (di chứng não), khó khăn về vận động, các dạng khó khăn khác, đa tật... (khó khăn về nghe, nhìn...là cách gọi theo ngành giáo dục).

       Ghé thăm một phòng Can thiệp sớm của Trung tâm, nơi thầy Trần Công Nghiệp và cô Nguyễn Thị Thanh Hòa đang hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho hai cháu trong độ tuổi 0 – 5 tuổi gặp các khó khăn về học và khó khăn về vận động. Các thầy cô bằng giọng trầm ấm, nhỏ nhẹ kiên trì hướng dẫn, tập tành các cháu nhận biết về thế giới xung quanh, cách sử dụng các món đồ chơi vừa là dụng cụ học tập, các phản xạ cần thiết khác. Công việc hướng dẫn này đòi hỏi phải kiên trì, lâu dài bởi khó khăn về học tập liên quan đến trí não, khó khăn về nghe, nhìn...mà các trẻ em bị bẩm sinh thực sự là một gánh nặng đối với gia đình, xã hội, là số phận hẩm hiu mà các cháu gánh chịu cần sự chung tay của cộng đồng hỗ trợ phục hồi, hòa nhập cộng đồng bằng các phương pháp mang tính khoa học, hiệu quả.

        Tại phòng Can thiệp sớm, tôi có dịp gặp chị Trần Thị Thu Tuyết, mẹ cháu Bế Bình An đang cùng cô Nguyễn Thị Thanh Hòa hướng dẫn, tập luyện phục hồi cho cháu. Chị Tuyết tâm tình: cháu Bình An khi mới sinh chỉ nặng có 800 gr; lớn lên bị các dị tật bẩm sinh: khó khăn về vận động, thị lực kém, trí não chậm phát triển, thường xuyên bị động kinh, có vấn đề về hô hấp...Cả gia đình hết sức lo lắng. Tháng 3/2013, được sự giới thiệu của những người quen, chị Tuyết đưa con mình vào nhập học tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập – Trẻ khuyết tật tỉnh Tiền Giang. Chỉ trong một thời gian ngắn chị được các giáo viên tận tình hướng dẫn cách dạy bé thông qua các trò chơi theo hướng chơi mà học và học mà chơi, trong các giờ học của bé phụ huynh được trực tiếp cùng học, cùng tham gia với bé thông qua phương pháp và tổ chức dạy khoa học, hiệu quả, phù hợp đặc điểm bệnh lý, tâm sinh lý trẻ...Nhờ đó, các bé tiến bộ nhanh, hồi phục mau lẹ các chức năng. Đầu năm học 2012 – 2013, bé Bình An đã được đi học hòa nhập tại trường Mẫu giáo Vườn Trẻ (Phường 2, Tp Mỹ Tho). Đánh giá chung của các thầy cô và phụ huynh, bé Bình An nay tiến bộ rất nhanh về mọi mặt, biết nhờ người giúp đỡ khi có nhu cầu cá nhân: ăn uống, vệ sinh; biết tỏ thái độ, tình cảm đối với người thân và cộng đồng...Thật là vui mừng – chị Trần Thị Thu Tuyết kết luận. Cháu Bình An là trường hợp điển hình trong hàng trăm trẻ đang được hỗ trợ giáo dục, hòa nhập tại Trung tâm.

Có những gia đình không ngại đường xa khó nhọc, biết tiếng Trung tâm đã đưa con em mình đến đây với mong mỏi được nhìn thấy các cháu phục hồi các chức năng, hòa nhập vào cộng đồng, cùng vui chơi, sinh hoạt, học hành như bạn bè trang lứa bình thường khác. Ông Thái Minh Hiền, trạc ngoại ngũ tuần quê xã Tân Phong, một vùng cù lao sông nước xa xôi của huyện Cai Lậy hàng tuần đều đưa cháu ngoại mình là Trần Thái Bảo sinh năm 2005 đến đây để học tập, phục hồi. Ông Hiền cho biết, cháu Bảo có gia cảnh đáng thương, neo đơn, phải sống với ngoại. Khi mới có hơn 7 tháng tuổi, cháu bị bại não – một căn bệnh gần như nan y đối với trẻ sơ sinh. Vào học tại Trung tâm từ vào đầu tháng 8/2013 – đến nay khoảng 5 tháng nhưng theo cô Huỳnh Hồng Thủy, giáo viên hướng dẫn lớp Can thiệp sớm, cháu Bảo tiến bộ nhanh về nhiều mặt. Ngoài học phục hồi ở Trung tâm mỗi tuần từ 1 đến 2 buổi, cháu còn theo học lớp 2, Trường Tiểu học Tân Phong (Cai Lậy). Hay như bé Nguyễn Hoàng Gia Phát, cư ngụ tại thị trấn Cai Lậy chậm phát triển não bẩm sinh, tự kỷ và một số khó khăn về trí tuệ khác theo học tại đây từ năm 2011 đến nay. Theo cô Nguyễn Thị Phụng là giáo viên hướng dẫn, cháu cũng có bước phục hồi rất tốt.

Thầy Võ Văn Lê, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập – Trẻ khuyết tật Tiền Giang cho biết, Trung tâm được thành lập vào năm 2009 tọa lạc trên một khuôn viên rộng 3.600 m2 đất nằm ven quốc lộ 60 thuộc phạm vi Tp Mỹ Tho. Trường hiện tiếp nhận gần 100 cháu gồm nhiều dạng tật được biên chế theo học ở các lớp Can thiệp sớm. Mỗi trẻ đều được lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch theo dõi, đánh giá từng giai đoạn phát triển và có biện pháp can thiệp phù hợp. Nhìn chung, mỗi trẻ khuyết tật dù nhẹ hay nặng đều có năng lực riêng cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Hàng tuần, giáo viên Trung tâm phối hợp cùng gia đình đề ra những biện pháp can thiệp thích hợp cho trẻ như: phục hồi chức năng, phát triển giao tiếp tổng hợp, xây dựng vòng bạn bè, cung cấp vốn từ, phát triển khả năng nhận thức, giao tiếp và kỹ năng xã hội...Thông qua các trò chơi giúp trẻ phát triển hết năng lực còn lại của mình để có thể hòa nhập vào cộng đồng. Trong năm qua, mặc dù đội ngũ giáo viên có hạn và nguồn kinh phí cũng eo hẹp nhưng Trung tâm đã tích cực can thiệp, phục hồi được tổng số gần 2.000 lượt trẻ khuyết tật trong toàn tỉnh.

Trong hoạt động của mình, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập – Trẻ khuyết tật Tiền Giang còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế mà tiêu biểu là Tổ chức Liên minh Na uy tại Việt Nam (gọi tắt là NMA-V) trong những nhóm hoạt động quan trọng: Nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục hòa nhập; Nâng cao năng lực chuyên môn về giáo dục hòa nhập cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trung tâm và đội ngũ cán bộ quản lý các Phòng Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giáo viên đang dạy hòa nhập tại các trường mần non, tiểu học; Hình thành hệ thống hỗ trợ chuyên môn và nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên các huyện điểm: Chợ Gạo, Cai Lậy và Tp Mỹ Tho. Các hoạt động khác: Can thiệp sớm, hỗ trợ giáo dục hòa nhập, công tác xã hội và hướng nghiệp, dạy nghề...đang mang lại kết quả thực sự, tạo niềm vui và hạnh phúc cho mỗi gia đình có con em đang lâm vào những hoàn cảnh nghiệt ngã đáng thương. Trong năm 2013, Trung tâm còn hướng nghiệp, tư vấn nghề và việc làm cho hàng trăm trường hợp thanh niên khuyết tật trong đó có gần 70% tìm được công ăn việc làm phù hợp với thu nhập ổn định hàng tháng trên 3 triệu đồng.

Trung tâm hiện có đội ngũ 25 cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong đó trực tiếp giảng dạy hòa nhập là 14 người. Các thầy cô giáo tại đây luôn phát huy tính năng động, sáng tạo, trau giồi chuyên môn nghiệp vụ và tâm huyết, hết lòng hết sức giáo dục hòa nhập cho đối tượng trẻ khuyết tật. Nhiều thầy cô giáo còn tích cực học tập nâng cao trình độ để ngày một phục vụ tốt hơn trên một lĩnh vực đặc thù, góp phần mang lại nguồn sống, niềm tin và hạnh phúc cho những mãnh đời có số phận hết sức đáng thương. Hiện một giáo viên của Trung tâm đang học Cao học tại Thủ đô Hà Nội, một giáo viên khác học cử nhân chuyên ngành giáo dục đặc biệt tại Tp Hồ Chí Minh. Với nỗ lực lớn của tập thể, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập – Trẻ khuyết tật Tiền Giang đang tạo điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn sớm phát huy các năng lực tiềm tàng của mình để vươn lên hòa nhập cộng đồng. Qua đó, các thầy cô đã đóng góp thầm lặng vì những mãnh đời bất hạnh, thắp sáng lên những niềm tin và nghị lực trong trái tim trẻ khuyết tật hướng đến một ngày mai tươi sáng, vì một cộng đồng nhân đạo và sẻ chia trong tình thương bao la của trái tim đồng cảm “mình vì mọi người” mà Bác Hồ luôn luôn nhắc nhở, dạy bảo./.

Minh Trí
Tin liên quan