Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hiệu quả làm giàu của cây trồng đặc sản trên chiến trường xưa
(Ngày đăng: 15/11/2013)

Tiền Giang được xem là Vương quốc trái cây vùng đồng bằng sông Cửu Long bởi nhiều yếu tố: diện tích vườn cây ăn quả rất lớn, nhiều giống đặc sản nổi tiếng, có những chính sách và bước đi thích hợp nhằm phát huy thế mạnh kinh tế quan trọng trong công cuộc đổi mới và hội nhập. Địa phương xác định 7 chủng loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh: dứa (khóm), xoài cát Hòa Lộc, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, bưởi da xanh, thanh long Chợ Gạo, xơ ri Gò Công và sầu riêng Ngũ Hiệp. Trong đó, cây sầu riêng Ngũ Hiệp chừng chục năm trở lại đây thực sự lên ngôi, trở thành cây làm giàu cho nông dân vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ cứu nước vang tiếng một thời phía Nam huyện Cai Lậy tiếp giáp với sông Tiền. Thời điểm hiện tại, giá sầu riêng trên 40.000 đ/kg.
Ông Cao Văn Lập bên nhành sầu riêng trĩu quả

 Sự thăng hoa của cây sầu riêng

Nếu như năm 2000, toàn tỉnh chỉ có 1.156 ha sầu riêng với sản lượng thu hoạch chưa đầy chục ngàn tấn thì chỉ sau hơn 10 năm, diện tích sầu riêng đã tăng gần gấp 6 lần với gần 7.000 ha và sản lượng tăng lên gấp 10 lần với gần 100.000 tấn quả. Nếu tính bình quân 20.000 đ/kg lúc chính vụ, nguồn lợi từ cây sầu riêng mang lại cho nhân dân địa phương lên đến vài ngàn tỉ đồng – một con số hết sức lớn và đầy ấn tượng. Đây là cây trồng có sức tăng trưởng về diện tích, về sản lượng và trình độ thâm canh mạnh mẽ nhất tại địa phương thời gian gần đây.

Sầu riêng đã có mặt trên đất Nam bộ nói chung và Cai Lậy, Tiền Giang nói riêng từ rất lâu đời. Tuy nhiên, trong một thời gian dài chưa thành ngưỡng hàng hóa. Nông dân trồng trong vườn nhà mỗi hộ dăm cây, chủ yếu để ăn, có dư bán ra thị trường như một nguồn kinh tế phụ. Những năm 80 của thế kỷ trước, ông Hai Tôn trên đất cù lao Ngũ Hiệp phát hiện giống sầu riêng khổ qua xanh, khổ qua vàng có năng suất rất cao nên đầu tư trồng thành vườn chuyên canh. Với năng suất 20 – 30 tấn/ ha, giá bán trên thị trường luôn cao, sầu riêng chuyên canh cho hiệu quả gấp 3 – 4 lần trồng lúa năng suất cao. Nhờ cây trồng này, ông đã trở thành một triệu phú có tiếng tăm ở miệt vườn Ngũ Hiệp. Không những làm giàu cho mình, người nông dân năng động, nhạy bén, cần cù trên con đường sản xuất giỏi Hai Tôn còn thiết thực mở ra bước ngoặt mới cho cây sầu riêng. Rất nhiều nông dân theo gương ông Hai Tôn ở Ngũ Hiệp tích cực chuyển đổi sản xuất sang chuyên canh sầu riêng và đều thành công, trở thành điển hình làm giàu nông thôn. Một trang mới huy hoàng cho miệt vườn Tiền Giang từ cây sầu riêng.

Phạm vi phân bố của cây sầu riêng tại Tiền Giang chủ yếu phía nam quốc lộ 1 thuộc huyện Cai Lậy mà cái nôi là Ngũ Hiệp – một xã cù lao nằm trên sông Tiền. Ngũ Hiệp cũng là chỉ dẫn địa lý cho cây sầu riêng Tiền Giang nói chung và Cai Lậy nói riêng dưới tên gọi “Sầu riêng Ngũ Hiệp”. Từ đây, diện tích sầu riêng chẳng mấy chốc lan nhanh khắp các xã vùng căn cứ kháng chiến của huyện Cai Lậy: Tam Bình, Hội Xuân, Long Trung, Long Tiên, Long Khánh, Cẩm Sơn từng có chung đặc điểm: nghèo khó, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, thuần nông. Nhờ cây trồng đặc hữu, chỉ sau thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI diện mạo nông nghiệp – nông thôn – nông dân thay đổi sâu sắc, ngày càng thịnh vượng hẳn lên. Hiện nay, khu vực trên trở thành vùng trồng chuyên canh sầu riêng với diện tích tập trung lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm cung ứng sầu riêng thương phẩm chủ yếu khu vực các tỉnh phía Nam.

 Hệ quả từ cuộc cách mạng giống và kỹ thuật thâm canh

Tuy nhiên, hạn chế của giống sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh là chất lượng không tốt, hạt to, cơm mỏng, khó cạnh tranh với các giống sầu riêng chất lượng cao khác nhất là trong giai đoạn đổi mới và hội nhập. Nhận thấy điều đó, các nhà khoa học Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI) cùng các cán bộ kỹ thuật, các ngành hữu quan tại địa phương tập trung khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật thâm canh trong đó chú ý các nhân tố: giống tốt, chăm sóc phù hợp, phòng chống sâu bệnh hữu hiệu, xử lý để cây cho trái theo ý muốn, năng suất và sản lượng cao, bán được giá....

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam là người tâm huyết với cây sầu riêng Tiền Giang. Ông đã mạnh mẽ khuyến cáo nhà vườn kiên quyết loại bỏ giống sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh và các giống kém chất lượng khác. Thay vào đó, trồng phổ biến các giống sầu riêng chất lượng cao có nhiều ưu điểm: cơm dày, hạt lép, phẩm chất ngon, luôn được thị trường ưa chuộng nên giá bán cao, hiệu quả lớn. Đó là giống Ri 6, Mong Thong, Chuồng bò...Trong qui trình canh tác, Viện Cây ăn quả Miền Nam khuyến khích áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh từ khâu cải tạo, qui hoạch, phân bố mật độ trồng, tỉa cành tạo tán đến phòng chống sâu bệnh, xử lý để cây cho trái theo ý muốn, năng suất, sản lượng cao, trái đẹp và chất lượng ngon...

Thực tế cho thấy đây là hướng đi đúng và nông dân nhiều năm nay áp dụng rất thành công. Đơn cử như bệnh thối rễ, xì mũ thân cây giai đoạn đầu coi như một căn bệnh “ung thư” khó trị đã cơ bản khống chế được. Thành công ngoạn mục khác là bà con nắm vững được qui trình xử lý cho cây có trái theo ý muốn thông qua kỹ thuật xiết nước và chăm sóc, tác động để cây ra hoa vào mùa nghịch, tránh đụng hàng, đụng chợ và luôn bán được giá cao. Về hiệu quả kinh tế, nếu giống sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh lúc vào mùa chỉ 5.000 đ – 6.000 đ/kg thì các giống sầu riêng chất lượng cao: Ri 6, Mong Thong có giá bán gấp 5 – 6 lần. Trong mấy năm qua, lúc cao điểm các giống sầu riêng chất lượng cao thương lái mua tại vườn 35.000 đ – 40.000 đ/kg, khi vào chính vụ thu hoạch rộ tuy có giảm xuống nhưng vẫn giữ mức 20.000 đ – 22.000 đ/kg, mỗi ha vườn chuyên canh sầu riêng đạt giá trị sản xuất trên dưới nửa tỉ đồng trong đó lợi nhuận ròng từ 200 đến 300 triệu đồng – mức lợi nhuận kỷ lục trong vườn trồng cây ăn quả đặc sản tại Tiền Giang. Ngày nay, các giống sầu riêng chất lượng cao đã chiếm ưu thế tuyệt đối 95 – 97% diện tích vùng chuyên canh, các giống sầu riêng kém chất lượng cơ hồ bị mai một. Nó cho thấy sự năng động và nhạy bén của nhà vườn trong việc hướng tới nền nông nghiệp chất lượng cao hội nhập bằng những việc làm cụ thể mà vai trò giống tốt hết sức quan trọng.

Từ chỗ là một cây trồng giữ vị trí khiêm tốn trong vườn nhà, sầu riêng lên ngôi đã mang lại những hiệu ứng tốt đối với nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Điển hình nhất có lẽ là xã Cẩm Sơn – nơi được biết đến bởi cái nôi Chiến thắng Ba Rày lừng lẫy thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (15/9/1967). Xã Cẩm Sơn nằm ven sông Ba Rày vừa thuần nông vừa bị bom đạn kẻ thù tàn phá nặng nề, khiến sau ngày hòa bình lập lại gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, sản xuất. Thế nhưng từ khi đưa cây sầu riêng vào cơ cấu cây trồng chủ lực đã giúp thay đổi hẳn diện mạo nông nghiệp – nông thôn – nông dân. Cuộc sống bà con ấm no. Nhiều triệu phú, tỉ phú sầu riêng có sự nghiệp vững bền từ cây sầu riêng. Đó là các ông Cao Văn Lập, Nguyễn Văn Hiếu, Võ Văn Liền...mỗi năm thu nhập 300 triệu đến hàng tỉ đồng sầu riêng. Tại đây, diện tích sầu riêng chuyên canh lên đến trên 500 ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích canh tác toàn xã.

Ông Nguyễn Văn Mười, cư ngụ tại ấp 5, xã Long Trung đang sở hữu 1,4 ha vườn chuyên canh sầu riêng  là một điển hình “đổi đời” từ cây trồng đặc sản này. Trước đây, đất đai của gia đình ông chủ yếu trồng lúa năng suất cao. Tuy nhiên, do địa hình đất gò cao lại chia cắt manh mún, đồng đất nhỏ hẹp, không chủ động được nguồn nước tưới tiêu nên sản xuất rất khó khăn, năng suất thấp, bấp bênh. Hầu như năm nào cũng thất bát, cuộc sống hết sức khó khăn. Sau trận lũ lịch sử năm 2000, ông Mười nhận thấy không thể nào bám víu vào độc canh cây lúa mãi để cuối cùng “ nghèo vẫn hoàn nghèo”, thay vào đó, phải mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang lập vườn trồng sầu riêng đặc sản.

Gia đình ông Nguyễn Văn Mười chọn trồng giống sầu riêng RI6 và Mong Thong vốn chất lượng trái tốt, năng suất, sản lượng cao và được thị trường ưa chuộng. Trung bình mỗi công đất trồng mật độ từ 18 – 20 cây. Sầu riêng trồng bằng nhánh chiết hoặc tháp cành chỉ sau 4 đến 5 năm đã cho thu hoạch, những năm sau năng suất càng cao. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Mười không chỉ quan tâm thiết kế khu vườn trồng có mật độ vừa phải mà còn ứng dụng thuần thục các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong quá trình thâm canh. Điển hình là kỹ thuật xử lý cây ra trái vào mùa nghịch để tránh được tình trạng “trúng mùa, đụng chợ”.

Hàng chục năm gắn bó với cây sầu riêng đã giúp mình dựng nên cơ nghiệp, ông Nguyễn Văn Mười đúc kết được nhiều kinh nghiệm thâm canh quí. Đó là có chế độ chăm sóc hợp lý, bón phân cân đối, dùng phổ biến các loại phân hữu cơ duy trì sự sung mãn của cây, nhất là phòng ngừa sâu bệnh kịp thời. Để xử lý cây cho trái mùa nghịch thành công, cần chú ý thời tiết, thời điểm xử lý, chăm sóc trái phù hợp và quan tâm tỉa thưa trái đảm bảo chất lượng trái ngon, được thị trường ưa chuộng cũng như làm giảm tiến trình lão hóa của cây. Theo ông Nguyễn Văn Mười, sầu riêng vào mùa nghịch giá bán rất cao. Có thời điểm thương lái thu mua tại vườn với giá kỷ lục: 30.000 đến 40.000 đ/kg. Với 1,4 ha sầu riêng, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Mười đạt lợi nhuận ròng gần nửa tỉ đồng.

Cây sầu riêng đã giúp vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ cứu nước một thời bão đạn mưa bom làm giàu nhanh. Điều đó mọi người thấy bằng thực tế khi có dịp đi trên tỉnh lộ 868 qua các xã Tam Bình, Long Tiên, Long Trung, Long Khánh hay xuôi sông Ba Rày qua Cẩm Sơn, Hội Xuân...Nhìn thấy dọc hai bên đường bạt ngàn những vườn sầu riêng chuyên canh trỉu oằn những quả. Sầu riêng không chỉ đơn thuần là giống trái cây đặc sản nổi tiếng của “Vương quốc trái cây Tiền Giang” mà nó còn là nơi gặp nhau giữa ý tưởng làm giàu thiết tha của người nông dân vốn bao đời nay trung kiên chí cốt với cách mạng và tiếp thu, thích ứng với chủ trương đúng, chính sách hay về “tam nông” của Đảng, nhà nước ta. Nó cũng cho thấy vai trò của nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao trong giai đoạn đổi mới và hội nhập hiện nay của đất nước đã mở ra một chân trời mới cho người nông dân làm giàu một cách bền vững ./.

Minh Trí
Tin liên quan